Khu vực miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những vựa trái cây đặc sản thơm ngon, được yêu thích không chỉ với người dân trong nước mà còn cả du khách quốc tế và nhiều loại trong số đó đã được xuất khẩu đi nước ngoài. Vậy nên, hãy ghi nhớ 7 loại trái cây đặc sản miền Tây Nam Bộ để thưởng thức khi có cơ hội ghé đến nơi này.
1/ Vú sữa Lò Rèn - Tiền Giang
Vú sữa Lò Rèn mang sự ngọt ngào, dịu mát, bổ dưỡng với nhiều loại vitamin và khoáng chất này rất được lòng khách du lịch.
Để nói về trái cây đặc sản miền Tây Nam Bộ, đầu tiên phải nhắc đến vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang. Loại quả mang sự ngọt ngào, dịu mát, bổ dưỡng với nhiều loại vitamin và khoáng chất này rất được lòng khách du lịch.
Hình thức bề ngoài của vú sữa Lò Rèn cũng rất bắt mắt, quả tròn, màu trắng, vỏ mỏng. Phần bên trong quả có hạt nhỏ, cùi dày, khi chín tỏa ra mùi thơm phức ấn tượng. Để thưởng thức loại quả này đúng cách, bạn nên dùng tay vo tròn và bóp đều cho quả mềm ra. Rồi khi bạn rút cuống hoặc cắt phần đầu nhỏ, một dòng nước trắng như sữa trào ra, thơm ngào ngạt và ngọt lịm, mát lạnh sẽ khiến bạn say mê.
Vú sữa Lò Rèn được trồng rất nhiều ở Tiền Giang, trong các xã như Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Bàn Long, Đông Hòa, Long Hưng,..
2/ Bưởi năm roi – đặc sản Vĩnh Long
Được trồng nhiều ở Trà Ôn, Bình Minh, mùa thu hoạch vào khoảng tháng 1 – 8. Ngày nay người nông dân có thể cho trái quanh năm, tháng nào cũng có thể được thưởng thức bưởi Năm Roi chín.
Theo tương truyền, xưa kia có ông Bưởi có giống cây quí, sợ con cháu trong nhà hái trái làm mất giống cây quí nên ông Bưởi đe: “Đứa nào mà hái trái cây của ông Bưởi là ông đánh năm roi nghe chưa”. Vì câu nói của ông, giống bưởi có tên gọi là “Năm Roi”. Bưởi năm roi có tên gọi từ đó.
Đặc điểm của bưởi Năm Roi là da màu hồng, vỏ mỏng, ruột trắng, ít hạt hoặc không hạt, nhiều nước, vị chua ngọt, thơm, để càng lâu càng ngon (có thể bảo quản được 2 tháng). Bưởi Năm Roi ngoài ăn tươi còn dùng để chế biến thành nhiều món ngon.
Ngoài bưởi năm roi, Vĩnh Long còn có loại bưởi da xanh, có ruột hồng, không hạt, múi bưởi hơi khô nhưng độ đường rất cao, giá bán rất đắt.
3/ Chôm chôm (Vĩnh Long)
Không phải ngẫu nhiên mà chôm chôm Vĩnh Long đi vào giai điệu ngọt ngào bài hát 20 năm tình đẹp mùa chôm chôm. Bởi lẽ chôm chôm Vĩnh Long từ lâu đã trở thành một thương hiệu trái ngon nổi tiếng gần xa.
Được trồng nhiều ở khu vực xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, chôm chôm ở đây khi chín vỏ màu đỏ tươi, vị ngọt đậm đà và khi ăn thịt chôm chôm không bị dính vào hạt. Dù hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại chôm chôm khác, song chôm chôm Vĩnh Long vẫn giữ được vị thế của mình nhờ vào chất lượng ngon và được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Về Vĩnh Long mùa chôm chôm chín, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng rợp sắc đỏ của những xe bán chôm chôm. Nếu muốn ăn tận vườn, hái tận cây, du khách có thể đến những vườn chôm chôm để tham quan, để cảm nhận hết vị ngọt ngon của loài trái cây này
4/ Xoài cát Hòa Lộc
Xoài cát Hòa Lộc là một thương hiệu trái cây nổi tiếng ở Nam Bộ từ rất lâu. Hòa Lộc là tên cũ của xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bây giờ. Đây là vùng đất phù sa ven sông nên rất nhiều chất dinh dưỡng cho thân cây xoài cát.
Trái xoài cát Hòa Lộc có hình dáng gần giống xoài Cát Chu. Xoài cát Hòa Lộc khi chín có mùi thơm đậm đà và bay xa hơn xoài Cát Chu, đứng cách nơi đặt xoài chín chừng vài mét cũng ngửi thấy mùi thơm. Khi ăn xoài cát Hòa Lộc, người ta cảm nhận như có những hạt đường cát ngọt ngào, thơm tho trong miệng.
Nếu nhìn kỹ sẽ thấy bụng dưới của trái xoài cát Hòa Lộc có một rãnh nhỏ, thẳng tắp từ cuống đến chóp trái. Đây cũng là một trong những đặc điểm nhằm giúp tránh tình trạng mua nhầm các loại xoài khác. Cũng giống Hòa Lộc nhưng nếu được đem đến trồng ở vùng đất khác thì xoài không thơm ngon bằng.
5/ Quýt đường Trà Vinh
Quýt đường Trà Vinh quả to hơn những loại quýt thông thường khác, lớn bằng quả cam. Quýt có vỏ bên ngoài láng bóng, màu vàng ươm. Bên trong múi quýt mọng nước, có vị ngọt thanh dễ chịu. Thêm vào đó, loại trái cây đặc sản miền Tây Nam Bộ này còn có hương thơm đậm đà, quyến rũ, lan toả trong không gian, khiến người du khách mê đắm.
Quýt đường Trà Vinh được trồng nhiều ở làng Long Trị và một vài nơi khác. Từ loại quýt này, người ta có thể ăn trực tiếp hay làm đồ hộp, làm mứt, làm nước giải khát, hoặc ngâm rượu,… tất cả đều rất ngon, giúp bồi bổ cơ thể, giải khát và làm đẹp da, đặc biệt là trong tiết trời hanh khô chuyển mùa.
6/ Dừa sáp Cầu Kè
Đây được xem là một loại trái cây độc nhất vô nhị ở miền Tây và trong cả nước, chỉ có thể trồng được ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Khi bổ ra bên trong phần cái và nước dừa sền sệt hòa lẫn với nhau. Người ta thường nạo lấy phần ruột trong trái dừa (có cả cái và nước) cho vào máy sinh tố, thêm chút đường, chút sữa và xay nhuyễn sau đó thêm nước đá và thưởng thức. Cây dừa sáp cũng giống như cây dừa bình thường khác nhưng khi cho trái, mỗi buồng dừa chỉ có từ 1 đến 2 trái dừa lên sáp và đặc ruột, những trái còn lại cũng như trái dừa bình thường.
7/ Quýt hồng (Đồng Tháp)
Đồng Tháp từ lâu được mệnh danh là “vương quốc quýt hồng” bởi điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng nơi đây thích hợp cho quýt hồng sinh trưởng. Quýt hồng được trồng nhiều tại huyện Lai Vung với chất lượng trái ngon khó nơi nào sánh kịp. Quả quýt no tròn, vỏ láng, khi chín có màu vàng ươm, óng ả. Khi lột vỏ, một mùi thơm dễ chịu tỏa hương. Múi quýt có vị ngọt thanh, chua dịu, ăn hoài không ngán.
Về Miền Tây, du khách được chào đón bằng nhiều loại trái ngon, vật lạ, nhưng quýt hồng Lai Vung vẫn chiếm được cảm tình của nhiều khách thập phương bởi chất lượng ngon, không dễ hòa lẫn vào những loại trái cây có múi khác.
Miền Tây Nam Bộ không chỉ nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản như bún cá, lẩu mắm, cơm tấm,… mà còn được biết đến với những vựa trái cây sai trĩu trịt, quả thơm ngon, hấp dẫn. Vậy nên khi ghé thăm vùng đất này, đừng quên việc thưởng thức trái cây đặc sản miền Tây Nam Bộ này.
Minh Anh (Tổng hợp)/ Phụ nữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã