Học tập đạo đức HCM

Đồng lúa ngày xưa

Thứ sáu - 18/03/2016 03:32
Ngày trước, khi mà quê tôi chưa lên bờ trồng mía, thì đi đâu cũng thấy toàn là lúa mạ. Lúa được trồng khắp nơi.
Lúa như tấm thảm vàng trải dài sắc óng dưới bưng biền trong buổi hoàng hôn. Lúa giúp cho người dân chúng tôi no bụng từ bao đời qua. Trước đây, quê tôi không có khái niệm gặt lúa thuê mà chỉ “dần công”. Tức là hôm nay nhà này qua gặt giúp nhà tôi, thì hôm sau mẹ hoặc chị tôi qua gặt phụ lại. Vác và suốt lúa của phe đàn ông cũng tương tự như thế. Cứ vào độ mùa gặt, cánh đồng vui như sân khấu cải lương. Mới tờ mờ sáng bà con trong xóm đã lục tục mang vác nông cụ ra đồng. Tiếng cười nói đánh thức cả những chú trâu, chú bò, chú chó. Sở dĩ nhà nông ra đồng sớm là để tranh thủ thời gian gặt nhanh, tránh ông mặt trời phả cái nóng trưa oi bức. Ra đến ruộng, mọi người phân công mà làm. Mỗi người đứng một hàng và chỉ việc gặt vừa tầm tay của mình cho đến cuối đường. Nếu ai gặt nhanh, sau khi xong thì quay lại “chặn đầu” phụ gặt cho người gặt chậm. Để giết thời gian cho đỡ mệt, không phải sợ ma, mọi người tranh thủ trò chuyện, nói cười say sưa. Nụ cười sảng khoái tạo ra những thanh âm ngộ nghĩnh, vọng cả một vùng giữa lúc đêm khuya. Khi ông mặt trời thức giấc, lũ trẻ kéo nhau đến trường làng thì cũng là lúc mọi người nghỉ tay ăn sáng. Thường chủ nhà mua khoai lang, khoai mì về luộc đãi người dần công, kèm theo nước trà hoặc nước mưa. Sang lắm mới được đãi nước sirô đá. Họ ngồi nghỉ độ chừng 15 phút rồi bắt đầu gặt tiếp cho đến khi nào xong mới thôi. Nhiều người tranh thủ giờ giải lao để men theo các rãnh nước để bắt cá, mò cua hay hái rau ruộng. Ngày trước cá rất nhiều. Chỉ cần đặt tay xuống nước cũng có thể quơ trúng chú cá đang quẫy đuôi tung tăng. Mặt trời lên cao. Những tia nắng bắt đầu rọi xuống cánh đồng, xuyên thấu qua lớp áo thô, làm cho giọt mồ hôi thấm đẫm thấy rõ. Chiếc khăn rằn đặc trưng của dân Nam bộ làm việc hết công suất. Để xua tan cái nóng oi bức và đỡ mỗi chân, bà con quê tôi kể chuyện tiếu lâm hoặc hò đối đáp. Đôi khi người gặt ruộng khác, khoảng cách nhau là cái bờ đê, cũng với giọng sang góp vui. Khi mặt trời đứng bóng, mọi người mệt lả, vội kéo nhau vào các gốc cây to để nghỉ và dùng cơm. Cơm, canh đã chuẩn bị mang theo từ sáng sớm, tuy nguội lạnh, đạm bạc nhưng không kém phần hấp dẫn. Bữa cơm mùa gặt toàn những thực phẩm tự nhiên, không tốn tiền nhưng rất “sạch”. Cá được bắt lên từ ruộng, rau thì hái sau vườn nhà hoặc ven đê. Có người còn mang theo cả xoong chảo để hâm thức ăn cho nóng. Một người nhanh tay đi lấy 3 cục đất to làm ông táo, sau đó tìm củi khô và mồi lửa là có ngay nồi canh nóng hổi. Củi ở quê tôi rất nhiều, nhất là củi gáo. Sau một ngày làm việc vất vả, bà con quê tôi đi nhặt những cành củi khô mang về dự trữ trong gian bếp của mình. Khi gặt gần xong, người ta dùng các bó lúa dằn xoay vòng như đắp đê bao và bắt đầu vừa gặt vừa dùng thanh củi đập mạnh vào đất (phương ngữ gọi là xoay cù). Thật ngạc nhiên khi chỉ còn diện tích khoảng 12m2 thôi mà các con vật kéo về đây rất nhiều: cúm núm, cò, rắn,… ôi thôi không kể xiết. Nhất là chuột đồng, chúng nằm ngoan ngoãn trong các bó lúa đắp mô. Gặt xong, tiếp đến là để cho lúa khô trên đồng (gom cho nhẹ) khoảng một giờ. Thời gian này, mọi người tranh thủ bắt cá, nhặt củi, chợp mắt một tí hoặc ngồi uống nước trà. Sau đó thì gom lúa vào khoảng giữa để chuẩn bị suốt. Phụ nữ hết việc, rảnh tay ra về. Trong khi đàn ông phải ở lại suốt lúa và vác từng bao lúa ra kênh để chủ dùng tắc ráng, xuồng, chở về nhà. Nếu gần thì chỉ việc vác thẳng vào nhà chủ. Có những ngày chủ nhật, lũ trẻ chúng tôi theo cha mẹ ra đồng để bắt cá. Chúng tôi mang theo xô, nồi và ngồi tát nước. Chỉ khoảng nửa giờ thôi, đứa nào cũng có nửa xô cá, con nào cũng béo núc. Số cá này đủ cho mẹ tôi mang ra chợ bán để kiếm tiền ăn quà hoặc mua bút mực. Hồi đó cá đồng sinh sôi khắp nơi nên rất rẻ. Vừa bắt cá xong thì cánh đồng cũng đã hoàn tất phần gom lúa. Cũng đôi lúc, trẻ con bọn tôi “trúng đậm” những quả trứng vịt trắng phau từ những chú vịt đẻ sót trên ruộng. Mùa gặt, người ta hay nuôi vịt chạy đồng để cho chúng ăn lúa. Chúng tôi mỗi đứa cầm một bao bố và đi mót từng bông lúa còn sót lại. Dù người ta gặt kỹ cỡ nào cũng phải sót. Nhất là suốt lúa. Trong mớ rơm vàng ươm ấy còn rất nhiều hạt lúa nằm ngoan ngoãn. Chúng tôi dùng chiếc sàng để sàng rơm, những hạt lúa rơi xuống sẽ được hứng trong bao bố. Số lúa ấy, tôi có thể đổi được quà bánh từ những ghe bán hàng trên sông. Giờ, những cánh đồng lúa vàng ươm đã trở thành quá khứ. Một quá khứ tiếc nuối. Vì lý do kinh tế, thấy đường có giá, bà con kéo nhau lên bờ (kể cả gia đình tôi) để trồng mía. Những bãi mía xanh rì đã đem lại thu nhập khá cao cho mọi người chỉ được vài năm rồi rớt giá thê thảm. Chủ yếu do cạnh tranh không lại với đường ngoại nhập giá rẻ nên lỗ nặng. Có năm người ta còn đốt bỏ mía vì nếu thu hoạch sẽ tốn them tiền thuê nhân công. Cây mía quê tôi cũng thăng trầm nhảy múa như sàn chứng khoán. Tăng đó rồi giảm đó. Người dân dù có tiếc nuối quá khứ nhưng chuyện cũng đã rồi. Đất đã lên bờ, giờ rất khó cày xuống. Thôi thì đành để vậy. Ai cũng bảo trồng mía thiệt thòi hơn trồng lúa. Vì nếu chẳng may lúa có rớt giá thì cũng có cái để no bụng, dự trữ quanh năm. Trong khi đó, không ai mà ăn mía trừ cơm cho được. Có người còn chuyển qua trồng cam, quýt xen canh để cải thiện kinh tế nhưng cũng thế. Chỉ có người trẻ như chúng tôi là đau đáu nhất. Người lớn đã hơn nửa tuổi đời để chứng kiến bản sắc văn hóa lúa nước. Trong khi chúng tôi, chỉ vừa mới thấy đây thôi, như một giấc mơ, đã vụt mất....
Nguồn: nong nghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập260
  • Hôm nay26,016
  • Tháng hiện tại204,583
  • Tổng lượt truy cập90,267,976
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây