Học tập đạo đức HCM

Du lịch nông nghiệp Hà Nội: Cần chiến lược dài hơi

Thứ sáu - 21/07/2017 23:43
Cùng với thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng, MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện), Hà Nội còn lợi thế về du lịch nông nghiệp (DLNN).

Tuy nhiên, vì chưa có chiến lược dài hơi nên loại hình này vẫn chưa thực sự trở thành “cỗ máy in tiền” cho du lịch Thủ đô.
Giàu tiềm năng
Tại Hà Nội, mô hình DLNN trang trại đồng quê Ba Vì do TS Ngô Kiều Oanh xây dựng và tour du lịch “Mùa lúa chín” ở Đường Lâm (Sơn Tây) dù mới khai thác nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Du khách thích thú với các hoạt động hái rau xanh, bắt cá, làm bánh cuốn, đốt lửa trại… tại trang trại Ba Vì, hay thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng, tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, chụp ảnh ở công viên rơm, ngắm trăng… ở Đường Lâm. Trang trại đồng quê Ba Vì là một trong những mô hình DLNN thành công với các chủ đề tham quan: Lúa nước và nền văn minh lúa nước; Nông trại chăn nuôi gắn với sinh hoạt cộng đồng làng xóm; Rau hữu cơ, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học...

Mới đây, tour trải nghiệm miệt vườn Phúc Thọ "Green tour - Healthy life" do Công ty TNHH Longlink Việt Nam xây dựng cho phép các “thượng đế” tham quan những vườn hoa quả bạt ngàn mùa nào thức nấy, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau… và thưởng thức những sản vật địa phương vô cùng độc đáo. 
Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư Đặng Văn Cường cho biết: Nước ta đã có một số mô hình DLNN thành công, có sức hấp dẫn du khách tương tự trang trại đồng quê Ba Vì như: Các tour du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu cuộc sống sông nước miền Tây; phát triển du lịch biển có sự tham gia của cộng đồng bảo vệ sinh vật biển ở Rạn Trào (Khánh Hòa); DLNN ở Mộc Châu (Sơn La)… Hà Nội cũng là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển DLNN. Đặc biệt, khu vực xung quanh chân núi Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương. Nơi đây hình thành các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao ở xã Ba Vì; các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau rừng, hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, trâu, bò vàng nổi tiếng... Nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ… cũng có điều kiện để phát triển DLNN.
Hiệu quả đa chiều
Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: “Tour du lịch “Mùa lúa chín” rất dễ triển khai vì chỉ khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương. Phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương… Và cuối cùng, khi người dân có được lợi ích từ cánh đồng, họ sẽ nhận thức được giá trị của di sản cha ông và tích cực gìn giữ viên ngọc quý “Làng cổ Đường Lâm””.
Tham gia chuỗi hợp tác phát triển du lịch của trang trại Đồng quê, bà Triệu Thị Hòa (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết: “Gia đình tôi làm nghề thuốc nam truyền thống. Từ năm 2008 đến nay, gia đình phối hợp với trang trại đồng quê Ba Vì đón tiếp du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng nhờ hoạt động này. Gia đình tôi đang quyết tâm xây thêm nhà để làm dịch vụ homestay. Bảo tồn nghề thuốc, gắn với phát triển DLNN thực sự đã giúp gia đình tôi đổi đời”.
Rõ ràng, mô hình DLNN không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương. Thế nhưng, cho đến nay, DLNN vẫn được coi là hoạt động lẻ tẻ, ngành du lịch Thủ đô chưa xây dựng phương hướng phát triển cụ thể cho loại hình kinh tế du lịch này.
Nâng cao tính kết nối
Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề nông nghiệp gắn với DLNN là một việc khó, đòi hỏi một chiến lược dài hơi. TS Oanh cho rằng: “Để nhân rộng mô hình DLNN, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp; tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm DLNN từ tên gọi đến nội dung hoạt động; cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ; tăng cường vai trò của truyền thông…”.
Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Hà Nội Trương Minh Hương, DLNN chưa thực sự phát triển là do tính kết nối còn rời rạc. Trong khi, mô hình này cần sự vào cuộc của nhiều thành phần: Nhà nước, nông dân, DN du lịch... Hiện vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển DLNN chưa rõ nét. Do đó, giữa các trang trại, chính quyền nông dân và công ty du lịch cần phải “bắt tay” nhau nhiều hơn.

Để nhân rộng mô hình trang trại đồng quê Ba Vì, Giám đốc Công ty Avitour Nguyễn Trung Quân cho rằng, cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước. Bản thân trang trại và bà con tham gia vào mô hình phải xác định rõ thị trường khách cần thu hút để hướng đến xây dựng các chuỗi dịch vụ phù hợp, có kế hoạch quảng bá hình ảnh tập trung hướng đến nhóm thị trường, đối tượng khách chính.
Về vấn đề này, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong phạm vi chức năng của mình, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT, cùng các quận, huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng đề án riêng về phát triển DLNN. Qua đó, sớm đưa mô hình DLNN hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Sở cũng sẽ là đầu mối kết nối các cơ quan quản lý, DN, chính quyền địa phương và người dân trong triển khai; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đào tạo nghiệp vụ về du lịch cộng đồng… Hy vọng, tới đây, loại hình này sẽ phát huy hết tiềm năng và lợi thế.

Từ năm 2013, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư bắt đầu triển khai thí điểm một số mô hình liên kết trong DLNN, trong đó có mô hình trang trại đồng quê ở Ba Vì và 5 hộ nông dân với kinh phí 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn tạp, tập huấn cho nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất bài bản; hỗ trợ xử lý môi trường; phát triển các chuỗi liên kết, truyền đạt kỹ năng giao tiếp với du khách...

Ông Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư


Muốn phát triển loại hình DLNN, TP Hà Nội cần sớm hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương và tăng cường quản lý Nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông thôn kém tính bền vững. Đồng thời, xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với các địa phương khác nhau như mô hình trang trại hoặc mô hình du lịch theo quy mô làng để du khách có thể tham gia các hoạt động của làng trong vài ba ngày với các tiện nghi dịch vụ có chất lượng. Cùng với đó, phải tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP HanoiRestour

Theo Hồ Hạ/ Kinh tế đô thi
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập351
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại238,828
  • Tổng lượt truy cập85,145,864
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây