Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi, chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm, không lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển bền vững ngành thủy sản; trong 02 ngày 04 - 05/7/2016, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm”. Đây là 1 trong 3 Diễn đàn liên quan chủ đề về an toàn thực phẩm trong chương trình kế hoạch thông tin tuyên truyền khuyến nông năm 2016 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
Đồng chủ trì Diễn đàn có ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y, ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT Nghệ An. Chuyên gia tư vấn là TS. Bùi Quang Tề - Chuyên gia bệnh thủy sản, các đại diện của Chi cục Quản lý Môi trường Nghệ An, Cơ quan thú y vùng 3, Chi cục Thuỷ sản Nghệ An và một số doanh nghiệp.
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của 250 đại biểu là cán bộ khuyến ngư, bà con nông - ngư dân, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản của 7 tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình và Nam Định; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.
Trong ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Thông báo số 3036/TB-BNN-VP ngày 15/4/2016 về tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có nhấn mạnh: khẩn trương tổ chức hội thảo, xây dựng mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không sử dụng chất cấm, không lạm dụng kháng sinh vẫn đạt hiệu quả cao để hướng dẫn, khuyến cáo người sản xuất thực hiện. Diễn đàn lần này nhằm tuyên truyền, giới thiệu những mô hình nuôi thủy sản không sử dụng kháng sinh vẫn đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và bền vững. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn là dịp để bà con nông - ngư dân, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản được các chuyên gia tư vấn về chính sách hỗ trợ, giải đáp những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn sản xuất; đồng thời có cơ hội giao lưu, chia sẻ học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm, cách làm hay về áp dụng tại địa phương…
Tình trạng sử dụng và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ở mức báo động
Lượng thuốc kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã tăng một cách đáng lo ngại trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015 đã có tới có 32.000 tấn hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị trả về với lý do là dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Năm 2015 có 40 lô hàng bị phát hiện vi phạm có tồn dư hóa chất trong tổng số 181 lô hàng bị cảnh báo an toàn thực phẩm, gấp gần 3 lần so với năm 2014. Trong 9 tháng gần đây, có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tạm ngừng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm. Tình trạng này, doanh nghiệp "thiệt một", người nông dân "thiệt mười", nghề nuôi trồng thủy sản cũng trở nên bấp bênh.
Theo TS. Bùi Quang Tề - Chuyên gia bệnh thủy sản, khi lượng kháng sinh đi vào cơ thể động vật thủy sản ở mức độ phù hợp, nó sẽ tồn tại trong cơ thể động vật thủy sản, giúp chúng kháng lại dịch bệnh. Tuy nhiên, một khi lượng kháng sinh nhiều hơn mức cần thiết sẽ dẫn đến tồn đọng trong cơ thể thủy sản. Các kháng sinh tồn đọng này sẽ làm xuất hiện vi khuẩn biến thể có khả năng chống chọi lại chính các chất kháng sinh. Vì vậy trên thực tế các ao hồ nuôi càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì dịch bệnh trong các vụ tiếp theo càng gia tăng gây thiệt hại lâu dài. Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên chính các động vật thủy sản, việc tồn dư kháng sinh trong thủy sản đã và đang gây ra các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Kháng sinh vào đầm nuôi từ 3 con đường chính: Một là từ các công ty nhập khẩu thuốc, chỉ đưa vào sản xuất một phần, một phần bán trực tiếp cho các đầm nuôi; Con đường thứ hai: người nuôi mua thuốc trực tiếp từ cửa hàng dược phẩm; Con đường thứ 3 từ nhập lậu qua đường tiểu ngạch, nhưng chỉ là số ít. Trong quản lý các kháng sinh, chất cấm, khi phát hiện hành vi vi phạm, sẽ xử lý: dừng không cho kinh doanh nữa và xử phạt hành chính theo quy định.
Một số giải pháp nhằm quản lý việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Qua việc giải đáp gần 40 câu hỏi tại Diễn đàn, các hộ nuôi, chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được các chuyên gia, cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sử dụng một số thảo dược thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nuôi theo VietGAP, nuôi theo công nghệ biofloc, công nghệ sinh học (chỉ sử dụng chế phẩm sinh học)…, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả và bền vững.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG khuyến cáo người nuôi cần sử dụng kháng sinh theo 5 nguyên tắc: (1) Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp (trong văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BNNPTNT ngày 25/2/2014 quy định 31 loại kháng sinh hạn chế sử dụng, 23 loại cấm sử dụng); (2) Không dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh; (3) Dùng đúng bệnh, đúng thuốc (loại khuẩn nào thì dùng kháng sinh đó); (4) Bảo quản đúng cách; (5) Khi tiếp xúc với thuốc phải dùng bảo hộ.
Ngoài ra bà con cũng phải dùng kháng sinh theo "5 cần": (1) Chỉ dùng thuốc kháng sinh trị bệnh do vi khuẩn, không dùng trị bệnh do vi rút; (2) Hạn chế dùng lặp lại thuốc kháng sinh để phòng vi khuẩn kháng bệnh; (3) Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng, đúng theo chỉ dẫn của cán bộ thú y; (4) Thực hiện việc giám sát sử dụng kháng sinh; (5) Nắm vững nguyên tắc trong phòng trị bệnh.
Kết luận Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Để quản lý chất cấm, chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, đề nghị các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
* Đối với Tổng cục Thủy sản:
- Quy hoạch, thiết kế và xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm. Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi (liên kết ngang - dọc); thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác xã nhằm hạ giá thành sản phẩm, ổn định thị trường.
- Tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống, chất xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học, thức ăn.
- Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, cảnh báo sớm, để hạn chế thiệt hại.
* Đối với Cục Thú y: Tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản.
* Đối với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản: Thực hiện tốt việc quản lý thực phẩm về giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
* Đối với Viện, trường, chi cục thủy sản: Tăng cường nghiên cứu để tạo ra các giống mới, thủy sản nhanh lớn, chất lượng cao, thời gian nuôi ngắn, kháng bệnh tốt, hệ số thức ăn thấp.
* Đối với các Trung tâm Khuyến nông địa phương: Tập trung xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh: nuôi theo công nghệ cao, nuôi VietGAP, nuôi biofloc, nuôi công nghệ sinh học: không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học.
* Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương:
- Tăng cường thông tin tuyên truyền các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, bền vững, an toàn thực phẩm để bà con học tập làm theo.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm, kháng sinh ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng trên thị trường thế giới và người tiêu dùng trong nước; Phát động phong trào toàn dân “Nói không với chất cấm trong nuôi trồng thủy sản”, vận động nhân dân, bà con nông dân phát hiện tố giác các hành vi vi phạm; Tuyên truyền thúc đẩy hoạt động của đường dây nóng.
Mặc dù “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016” (từ 15/4 - 15/5) đã kết thúc, nhưng “làn sóng” quan tâm thực phẩm bẩn của xã hội vẫn mạnh mẽ. Có thể nói, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa từng được Đảng và Chính phủ ta đặt ra một cách quyết liệt và cụ thể như trong năm nay. Đây có thể được xem là “cuộc cách mạng” để đẩy lùi và tiến tới “xóa sổ” thực phẩm bẩn. Hy vọng sau “cuộc cách mạng” này “con đường đến nghĩa địa thông qua dạ dày” sẽ không còn “ngắn” như bây giờ nữa, nỗi lo ngại về thực phẩm bẩn không còn ám ảnh mỗi bữa cơm gia đình. Và với sự quản lý chặt chẽ từ “đầu vào” của các ngành chức năng, cùng với chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, công tác tuyên truyền đại chúng về kháng sinh, hóa chất có thể giúp thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp giữ vững thị trường xuất khẩu, bảo vệ uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới./.
Theo Nguyễn Thị Mai/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;