Học tập đạo đức HCM

Nhớ mãi “người làm vườn đặc biệt”

Thứ sáu - 15/07/2016 00:08
Tôi xin phép được gọi ông như thế bởi dù ở bất cứ cương vị nào ông cũng luôn dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là kinh tế VAC một sự quan tâm đặc biệt. Trong hành trình vào Nam ra Bắc tham quan các mô hình làm VAC tiêu biểu do hội viên Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam gây dựng mà tôi có dịp được đi cùng ông, ông luôn năng nổ, nhiệt tình như một người làm vườn thực thụ.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều con người, nhưng nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch HLV Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ Nguyễn Ngọc Trìu để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Ấn tượng bởi cách nói chuyện dí dỏm, thân tình (xưng với người đối diện là cậu - tớ); ấn tượng bởi một quá trình hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, mà trong quá trình đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được ông đặt ưu tiên lên hàng đầu. Một thời tuổi trẻ sôi nổi tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, cùng nhân dân Thái Bình làm nên kỳ tích “quê hương năm tấn”, sau đó là những quyết sách quan trọng dành cho nông nghiệp trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) và cuối cùng là hành trình mấy chục năm gắn bó với HLV, với kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Hiếm ai có được một cuộc đời vẻ vang và giàu trải nghiệm như thế!.

Mỗi khi có dịp trò chuyện cùng ông, tôi luôn được nghe những câu chuyện thú vị xung quanh quá trình hoạt động cách mạng đầy sôi nổi đó. Thời thơ ấu, chứng kiến cảnh thực dân Pháp, bọn cường hào ác bá ức hiếp dân lành, tất cả những điều ấy đã nung nấu trong ông sự căm phẫn, lòng yêu nước. Và khi được giác ngộ cách mạng, ông lao vào đi rải truyền đơn, treo cờ, dán áp phích vận động quần chúng đấu tranh, phá kho thóc của giặc để cứu đói rồi sau khi được phân  công nhiệm vụ ở các cương vị khác nhau, ông lại cùng nhân dân đánh giặc.

Nhưng có lẽ những kỷ niệm ông nhớ và nhắc đến nhiều nhất là khi ông giữ vai trò lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Thời kỳ đó, đất nước vẫn đang gồng mình vật lộn với bao khó khăn, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng trong thời kỳ này, những tư tưởng cải cách vẫn đang đấu tranh với quan điểm thủ cựu để đổi mới nền kinh tế, nâng cao đời sống cho nông dân. Nguyễn Ngọc Trìu là một trong những người dám bất chấp nhiều khó khăn, nhiều rào cản để thử nghiệm những mô hình mới.

Theo đó, khi ông lên làm Chủ tịch, Thái Bình đưa ra ba mũi tiến công trên mặt trận kinh tế. Mũi thứ nhất, lấn biển: “Đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”. Mũi thứ hai, thâm canh tăng vụ: “Chín tháng cho người, ba tháng cho chăn nuôi”. Mũi thứ ba là kinh tế mới: “Tổ quốc ta giàu đẹp, đâu cũng là quê hương”. Còn trong chiến tranh chống Mỹ thì Thái Bình đề ra khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Những khẩu hiệu ấy đã giúp người Thái Bình vượt qua nhiều gian khó, dành được nhiều thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp.

Cũng ít người như Nguyễn Ngọc Trìu dám đi trước “cởi trói” cho hoạt động của kinh tế hộ khi ông có chủ trương lập kinh tế hộ gia đình như một lực lượng sản xuất để trước mắt họ cung cấp rau quả, thịt, trứng cho xã hội. Ông cũng là người mạnh dạn đưa giống lúa ngắn ngày (hơn 100 ngày) vào trồng thí điểm ở đồng đất Thái Bình, từ 9kg thóc giống Nông nghiệp 8 ban đầu, chỉ sau một năm đã có đến 80% diện tích trồng lúa của tỉnh trồng giống lúa này. Có lần ông bảo với tôi, thời điểm đó ông như “ngồi trên đống lửa” vì đã có đơn kiện lên Trung ương nói Bí thư Ngô Duy Đông và Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu là hai thằng phản động. “May năm ấy được mùa lớn chứ không dân chém tớ chết”, ông đã cười vang và nói với tôi như vậy. Và từ nơi khởi phát Thái Bình, vụ lúa xuân đã trở thành vụ chính, nhân rộng ra toàn miền Bắc. Thái Bình cũng trở thành “quê hương năm tấn” từ đây.

Sau này, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT), Phó thủ tướng Chính phủ hay Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương (nay là Ban Kinh tế Trung ương), ông đều dành cho nông nghiệp, nông thôn sự quan tâm đặc biệt. Ông chính là một trong những người có công thành lập tổ chức HLV Việt Nam và nâng tầm mô hình kinh tế VAC. Trong những năm tháng làm Chủ tịch Hội, bàn chân ông đã đi đến khắp mọi miền đất nước, để thăm hỏi, động viên những hội viên, nông dân làm ăn giỏi, để đúc kết những mô hình kinh tế do nông dân sáng tạo từ trong thực tiễn. Ông đã sống như một người làm vườn thực thụ.

Tôi nhớ, trong một lần công tác tại Thái Bình, không ngồi trong phòng họp lâu, ông yêu cầu đưa ông về thăm mô hình ở cơ sở. Vậy là giữa vườn cây, ao cá, ông cùng bà con bàn chuyện làm giàu, tình hình thị trường, ông cũng chỉ ra những tiềm năng, lợi thế về nghề vườn của địa phương. Ông bảo với tôi: “Cậu là phóng viên trẻ, nên chăm chỉ đi xuống tận cơ sở, sẽ thấy sức sáng tạo của nông dân là vô cùng tận”.

Quả đúng như ông nói, tiềm năng kinh tế VAC, kinh tế trang trại trên mọi miền đất nước là vô cùng lớn. Từ mô hình kinh tế nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, giờ đây kinh tế VAC đã có bước phát triển vượt bậc, lên quy mô hàng hóa, đúng như kỳ vọng của vị chủ tịch giàu tâm huyết. Từ vùng vải thiều trải dài từ Thanh Hà (Hải Dương) đến Lục Ngạn (Bắc Giang) đến vùng vườn nhãn lồng Phố Hiến (Hưng Yên); từ vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Thuận đến những miệt vườn sum suê hoa trái ở Tiền Giang, Đồng Tháp,… Kinh tế VAC hình thành ngay cả ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phức tạp, khó khăn, với những “ biến thể” độc đáo như: vườn treo, vườn ụ, vườn giàn,...

Khi còn trên dương thế, ông từng trăn trở về sự phát triển, về hướng đi mới của tổ chức HLV, của mô hình kinh tế VAC sao cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của nền kinh tế. Ông mong nông sản của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thương trường quốc tế, đảm bảo chất lượng và lớn mạnh về số lượng. Giờ đây ước mơ của “người làm vườn đặc biệt” ấy đã và đang trở thành hiện thực khi những trái vải, nhãn, thanh long, xoài, chuối của nông dân Việt đã đến được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ,… Chắc chắn mô hình kinh tế VAC sẽ còn lớn mạnh và phát triển hơn nữa bởi tiềm năng đất đai còn nhiều, bởi sức sáng tạo, sự cần cù của nông dân là bất tận, và còn bởi: “Danh vọng hão huyền như mây khói/Làm vườn cây trái để ngàn năm”…

Theo Anh Thơ/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập186
  • Hôm nay40,778
  • Tháng hiện tại888,614
  • Tổng lượt truy cập93,266,278
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây