Nông nghiệp sạch, không phải cứ muốn là làm
Nông nghiệp xưa nay khi được nhắc tới, người ta chỉ mường tượng ra rằng đó là cày sâu cuốc bẫm, ít ai nghĩ rằng nông nghiệp cũng cần có nhiều kiến thức và một sự chuẩn bị khá kỹ càng.
Hiện nay có khá nhiều bạn trẻ tìm đến nông nghiệp sạch. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Nhiều bạn trẻ lựa chọn việc làm nông nghiệp nhưng không đơn thuần chỉ là cuốc cỏ trồng lúa hay trồng ngô khoai sắn. Nông nghiệp ở đây được hiểu là làm nông nghiệp đúng, nông nghiệp tử tế và nông nghiệp đầy kiến thức.
Giới trẻ làm nông nghiệp đa số là đam mê, là đem kiến thức mình học được để xây dựng nên một nền nông nghiệp ổn định. Bên cạnh đó, cũng không ít giới trẻ chạy theo xu thế mà hiện nay người dân cần, đó là muốn có nguồn thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình họ.
Tuy nhiên, nông nghiệp thời nay đã khác, nông nghiệp tiên tiến là phải áp dụng kỹ thuật công nghệ, là học hỏi những tiến bộ trên thế giới.
Gian nan tìm đến nông nghiệp sạch
Về con đường đến với nông nghiệp sạch, không ít các bạn trẻ chia sẻ những lý do cũng như những khó khăn trên con đường đến với nông nghiệp sạch.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Clean Macrobiotics Việt Nam, cho biết: “Con đường đến với nông nghiệp sạch với tôi thật sự đó là cái duyên, tôi không học chuyên ngành về nông nghiệp mà theo một ngành kinh tế. Tôi làm nông nghiệp sạch một phần cũng xuất phát từ gia đình, mẹ ăn chay, ba và anh mắc bệnh nặng, chính vì thế nên họ cần một nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo cho sức khỏe quyết tâm tìm hiểu sâu và dồn tâm huyết, lấy sức khoẻ gia đình, bản thân làm động lực chính. Trên con đường đến với thực phẩm sạch tôi gặp không ít những khó khăn như ban đầu chọn sai con người hợp tác, đồng hành cùng mình trong việc phát triển thực phẩm sạch. Chưa đo lường và kiểm soát kỹ hàng hoá đầu vào từ nguồn nông dân. Chưa phát triển cơ hội kinh doanh nhiều để giá cả không quá cao và chỉ đang tập trung vào đối tượng có thu nhập trung - cao cấp”.
Những mặt hàng sạch hiện nay được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. Ảnh: HT
Hỏi về những gian nan tìm đến thực phẩm sạch, anh Nguyễn Hữu Lý, một bạn trẻ đang trồng rau theo xu hướng sạch, chia sẻ: “Hiện nay nguồn thực phẩm bẩn khá nhiều, xu thế người dân thường chọn thực phẩm sạch, không phân bón, không thuốc hóa học để sử dụng. Chính vì thế ban đầu tôi dựa vào nguồn đất có sẵn ở nhà trồng các loại rau theo hướng không phun bất cứ loại thuốc hay phân bón gì. Tuy nhiên, ban đầu do chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nên việc trồng gặp không ít những khó khăn.
Thành công từ sự kiên trì
Để có được sự thành công trên con đường này, ngoài kiến thức người làm cần có sự kiên trì tự đứng lên từ những thất bại.
Chị Nguyễn Thị Lê Na (Phó Giám đốc Công ty Cam Vinh Kỳ Yến) ,người phụ nữ khởi nghiệp bằng việc trồng cam sinh thái, đã từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng: Mình rất hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ hơn nữa sẵn sàng dấn thân vào khởi nghiệp, đặc biệt là đối với khởi nghiệp trong nông nghiệp. Tuy nhiên, mong các bạn trẻ phải thực tế, ít mơ hồ hơn, đừng nghĩ khởi nghiệp nông nghiệp là dễ thu tiền tỉ. Khởi nghiệp nông nghiệp rất cần một quá trình bền bỉ, sáng tạo và đam mê thực sự đối với từng sản phẩm. Các bạn cần tìm cách làm khác đi, đừng tìm cách cạnh tranh với nông dân mà nên biết cách kết hợp với họ, hỗ trợ họ phát triển để mình cùng phát triển.
Sáng tạo và tìm ra phương thức mới luôn cần thiết đối với khởi nghiệp nói chung nhưng với khởi nghiệp nông nghiệp thì lại càng vô cùng cần thiết. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc khởi nghiệp nông nghiệp là nuôi con gì, trồng cây gì để bán không thôi thì sẽ rất dễ dẫn đến khủng hoảng thừa trong nông nghiệp và gây thiệt hại tới môi trường và kinh tế. Chúng ta cần tìm hướng phát triển các dịch vụ từ nông nghiệp và nỗ lực tạo ra giá trị cao hơn trên cùng 1 đơn vị diện tích.
Anh Nguyễn Đức Dũng, tốt nghiệp thạc sĩ nông nghiệp tại Isreal, chia sẻ thêm cho các bạn trẻ hiện nay đi theo xu hướng thực phẩm sạch “Người trẻ làm nông nghiệp, đây chính là cơ hội tốt nhất để làm thay đổi cơ cấu và bản chất nền nông nghiệp Việt Nam. Vì thế hệ trẻ nắm bắt thông tin nhanh. Có kiến thức. Dám dấn thân và có thể tạo ra một bước đột phá thông qua sự nỗ lực không ngừng của cả 1 thế hệ trẻ”.
Nhưng ngược lại nếu các bạn trẻ coi nông nghiệp là một lĩnh vực màu hồng. Một lĩnh vực hái ra tiền. Trong khi các bạn không chịu đầu tư trang bị kiến thức, học hỏi kinh nghiệm cũng như sự kiên trì trong công việc mà cứ làm theo tư tưởng ăn xổi ở thì thì khó dẫn đến thành công, cũng như một sự lãng phí cho xã hội. Nền nông nghiệp sẽ dẫm chân tại chỗ hoặc sẽ là một bước thụt lùi so với sự phát triển của thế giới.
Nói về vấn đề nông nghiệp, GS Phan Văn Trường đã từng chia sẻ: “Tôi đọc đâu đó có ai đó phát biểu rằng việc khởi nghiệp rất khó, nhất là trong ngành nông nghiệp, phải là những chiến sĩ dũng cảm và nhẫn nại. Nói là khó thì tôi đồng ý rồi. Khởi nghiệp trong mọi lãnh vực đều khó. Việc gì cũng đòi hỏi một chút dũng cảm và nhẫn nại. Nhưng, đối với các em trong thế hệ trẻ thì em nào cũng phải khởi nghiệp cả. Không một ai có thể thoát cảnh phải khởi nghiệp, ngoại trừ những em nào quá may mắn sinh ra để làm quan. Kết nối cộng đồng cho phép chúng ta chia sẻ rất nhiều kiến thức, bí quyết để có thể vững tâm vịn vào nhau, vào kinh nghiệm của nhau để tiến. Bước tiếp theo là khảo sát kỹ lưỡng "cái gì nó làm cho khởi nghiệp nó khó khăn thế". Trước hết là phải có đầy đủ thông tin về thị trường toàn cầu. Việc này thì không một nông dân nào có khả năng tri thức và tài chính để cáng đáng. Tại các nước văn minh như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Nhật, tại các đại sứ quán của họ có hẳn một đội tham tán thương mại để hỗ trợ cho việc xuất khẩu mọi sản phẩm trong nước, trong đó có nông sản. Tôi xin đề nghị đất nước và chính phủ chúng ta thúc đẩy nhanh chóng việc bổ nhiệm các tham tán chuyên môn và nhiệt tình, để cộng đồng nông dân sớm gặt hái những thông tin toàn cầu đích xác về những nhu cầu nông sản và giá biểu tại các thị trường, vai trò của các kịch sĩ trong ngành. Nói chung, việc tìm hiểu thêm mọi vấn đề của "đầu ra" của nông nghiệp là việc quan trọng và khẩn cấp. Trong đó hẳn có vấn đề chính sách đối với các nghề thương lái, ngành phân phối, chính sách xuất nhập khẩu với các nước láng giềng. Vấn đề vốn. Tôi nghe đâu hiện thời các ngân hàng Việt nam nói chung đang sở hữu quá nhiều tiền mặt, "ói ra không hết". Hàng triệu tỉ đang nằm bừa bãi nhàn rỗi trong két. Tôi đề nghị một phần số tiền đó được dành cho nông nghiệp, nhất là khởi nghiệp nông nghiệp. Ai cũng đều biết là bong bóng địa ốc đang lớn dần. Do đó, chính lúc này là lúc khối tiền tệ nên tránh bơm thêm vào địa ốc và tốt hơn hết đưa vào cái nôi của nền kinh tế nước nhà: là nông nghiệp. Phân bón hóa chất: vô số anh chị em bàn tán hàng tháng về nông nghiệp hữu cơ. Tôi đề nghị chúng ta đưa ra chính sách "100% hữu cơ, chỉ có hữu cơ". Tôi đã gặp nhiều anh em nông dân xác định là nông nghiệp hữu cơ chẳng có gì là khó. Vậy, có thiếu thực tế nếu chính sách của đất nước cấm luôn mọi loại phân bón hóa chất không, và cấm luôn việc nhập khẩu những thứ có hại trực tiếp đến sức khỏe của dân chúng? Đất nông nghiệp cần được ổn định. Còn nếu thuế vụ cũng nhẹ đi cho nông dân, nhất là nông dân khởi nghiệp, cũng như mọi thủ tục hành chính... thì tôi tin rằng chẳng cần phải làm chiến sĩ để có thể vào nông nghiệp một cách vững tin. Và nếu chúng ta nhớ rằng nông nghiệp vẫn là cánh cửa chính của nền kinh tế, thì có gì là dĩ nhiên hơn nếu cả cộng đồng xã hội để tâm hỗ trợ cho nông dân, thay vì cảnh báo họ là họ phải đi vào nông nghiệp như chiến sĩ vào trận. Không đâu, hôm nọ tôi đã nghe ai đó nói là học sinh THPT cũng phải nỗ lực như chiến sĩ thì mới tiến thân được, nay từ chiến sĩ lại áp dụng cho nông dân..., thôi chúng ta hãy mở van, đừng làm khó dễ cho nhau, hãy tích cực bỏ mọi quyền lợi riêng để hỗ trợ cho nhau, thì xã hội sẽ hạnh phúc và phát triển biết bao”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã