Trần Ngọc Hiếu - chủ trang trại ở xóm 3 thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân dẫn tôi đi một vòng quanh cái nhà kính của mình, giọng không giấu nổi sự tự hào bảo đây là một cơ sở nông nghiệp công nghệ cao tư nhân lớn vào loại nhất nhì Hà Nam.
Khu trang trại của anh Hiếu |
Nếu đúng như lời anh nói thì quả thật đáng buồn bởi nó còn quá khiêm tốn so với các khu nhà kính khổng lồ của các doanh nghiệp, tập đoàn cỡ lớn đã đầu tư tại tỉnh này vì chỉ có 4 nhà lưới với tổng diện tích 7.000m2, 1 nhà kính 1.700m2, 1 khu vườn cây ăn quả, 1 nhà xưởng… Tổng diện tích không quá 2ha. Bên trong cũng không có nhiều trang thiết bị hiện đại gì mấy ngoài hệ thống tưới nhỏ giọt, vài cái máy bơm, quạt thông gió và 4 lao động thường xuyên.
Cách tập trung đất đai của Hiếu khá độc đáo, hoàn toàn khác với kiểu đi lên từ các gia trại, trang trại nhỏ lẻ của tỉnh này. Vốn làm nghề kinh doanh vận tải, khi bị “vỡ trận” anh bán hết xe cộ để trả xong nợ còn thừa một chút thì mua một chiếc máy cày cỡ lớn đi làm dịch vụ khắp chốn trong đó có vùng bãi ở quê mình (gồm luôn cả mảnh đất của nhà vốn cho thuê đã lâu). Dân thị trấn nhiều nghề nên đâm ra chán ruộng, họ sẵn sàng cho thuê để trồng ngô, trồng đỗ với giá rẻ 150.000 - 200.000 đồng/sào/năm.
Tại sao đất ở ngay sát nhà mà mình lại không thuê để tự tổ chức sản xuất? Ý tưởng đó cứ nảy nở dần trong đầu của Hiếu cho đến một ngày anh quyết định tìm 20 chủ đất của cái bãi đó. Cũng toàn là hàng xóm, láng giềng cả nhưng hỏi người thì bảo không rõ ai thuê vì qua nhiều lần chuyển nhượng, người thì bảo vẫn đang còn thời hạn thuê. Mùa ngô năm đó kết thúc, Hiếu nhận làm đất thuê cho cả cánh bãi nhưng chỉ cày sơ qua chứ không bừa, cố ý để sót lại những cục đất to như cái mũ, cái nón khiến dân không thể gieo hạt được tiếp.
Đợi những người thuê đất kéo đến chật nhà để khiếu nại Hiếu mới gãi đầu, gãi tai xin được thuê đất, trả nốt tiền hợp đồng còn lại. Đến nước này ai cũng buộc phải đồng ý. 2ha đất bãi liền vùng, liền khoảnh đã được anh thuê bằng cách đó.
Lấy ngắn nuôi dài, lúc đầu Hiếu vỡ đất để trồng cây hàng năm sau đó có chút vốn mới mở rộng diện tích cây lâu năm. Quy mô nhỏ nên khá linh hoạt trong cách thức hoạt động, trang trại của Hiếu trở thành một trong những đơn vị tư nhân hiếm hoi của tỉnh Hà Nam cung cấp rau quả vào được hệ thống siêu thị Vinmart với một vài loại rau ăn lá, rau gia vị.
Không chấp nhận dừng lại ở quy mô 2ha, Hiếu chuẩn bị thành lập HTX để tập hợp những cá nhân có diện tích vườn từ 1 mẫu trở lên nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối và mở rộng ra các hệ thống siêu thị, cửa hàng với nhiều chủng loại như bưởi, cam, ổi, chuối ngự, chanh, rau ăn lá, rau ăn củ, rau gia vị. Một chiếc xe tải 1,5 tấn cũng mới được sắm để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa của HTX về sau này.
Một số người có ý kiến là nên giao thêm nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện, đơn vị sự nghiệp vốn chuyên làm giải phóng mặt bằng, đấu giá đất nay có chức năng đi thuê đất và cho thuê đất nhưng số khác lại cho rằng không ổn. Thứ nhất thuê đất và cho thuê đất để trang trải kinh phí thì dân sẽ sinh nghi ngại. Thứ hai Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước để có thể chỉ đạo cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc được nên khó mà thu hồi được đất. |
Chỉ cách trang trại của Hiếu khoảng 2km là khu nông nghiệp công nghệ cao của Cty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam nhưng mỗi khi đi qua anh đều cảm thấy sự cách biệt vời vợi. Không phải bởi vì độ hiện đại mà bởi nhà nước đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp đến tận chân hàng rào, nhưng với những trang trại nhỏ lẻ như của anh tất cả mọi thứ phải tự túc hết. Đã thế khi lắp đặt, điện phải năn nỉ mãi mới được đóng, nhà sơ chế phải xin phép mãi mới được dựng.
Hiếu đã đầu tư mấy tỉ đồng nên luôn trong tình trạng khát vốn mà vay ưu đãi không có, thế chấp cũng không có gì ngoài cắm cuốn sổ đỏ của nhà để vay ngân hàng được 500 triệu với lãi suất 10,3%. Hiện tại HTX do anh sắp thành lập đã tập trung được 5ha đất - đủ điều kiện để nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của tỉnh nhưng anh còn ngại khoản thủ tục rườm rà. Nào là hợp đồng thuê đất, sổ đỏ của mấy chục hộ cho thuê đất đến vẽ bản đồ, thiết kế nhà kính, khu vực sản xuất… trình qua đủ các loại phòng ban, các cấp thẩm định, nghe đến nản!
Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố đến ngày 10/9/2018 toàn tỉnh Hà Nam đã tổ chức tích tụ, tập trung được 1.170ha đất nông nghiệp kiểu cá nhân, tổ hợp tác hay HTX. Khác với kiểu tập trung bằng cách chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại hay chính quyền đứng ra vận động để dân cho doanh nghiệp thuê tích tụ, cách này thuận lợi vì hợp pháp, hợp lòng dân. Tuy nhiên nó có khá nhiều bất lợi là quy mô nhỏ lẻ, vốn ít, hàm lượng khoa học kỹ thuật thấp.
Chủ yếu là sản xuất lúa (980ha) còn lại số ít là sản xuất rau, củ, quả nên giá trị so với các khu nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp, tập đoàn trên địa bàn thì thua kém rất xa.
Cụ thể tại khu Nhân Khang của Cty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đã lắp được 10ha nhà lưới, nhà kính công nghệ Israel và Nhật với tỷ lệ tự động hóa cao. Các cảm biến được cấy trong nhà kính sẽ truyền dữ liệu vào mạng không dây rồi gửi tới các máy tính hay thiết bị thông minh cầm tay của người quản lý để có thể từ bất kỳ nơi nào cũng cài đặt, chỉnh được quạt gió, nhiệt độ, độ ẩm… Tổng vốn đầu tư của khu này là gần 100 tỷ đồng nên tương xứng với nó, giá trị sản xuất trung bình 6 - 7 tỷ đồng/ha nếu trồng trong giá thể còn trồng dưới đất đạt 4 tỷ đồng/ha.
Ảnh: Dương Đình Tường |
Tại khu Xuân Khê - Nhân Bình của Cty VinEco đã lắp đặt được 5ha nhà kính công nghệ Israel, 12,8ha nhà lưới trên tổng diện tích dự án trên 180ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong nhà kính ở đây giá trị sản xuất đạt 4,5 tỷ đồng/ha/năm còn ở ngoài trời đạt khoảng 1,4 tỷ đồng/ha/năm. Đã thế, các doanh nghiệp này còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Hà Nam. Năm 2016 - 2017, tỉnh đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình bên ngoài hàng rào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Khê - Nhân Bình với tổng giá trị 21,5 tỷ đồng. Năm 2018, tỉnh lại tiếp tục được đề xuất đầu tư xây dựng công trình thủy lợi khắc phục tình trạng ngập úng trong các khu ở Xuân Khê - Nhân Bình và Nhân Khang.
Chính Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam đã đánh giá tích tụ kiểu cá thể, liên kết có hàng loạt tồn tại như: Tiến độ triển khai, thẩm định, phê duyệt dự án cho các hộ, cơ sở ở một số địa phương rất chậm, không đảm bảo kế hoạch. Một số địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các mô hình sản xuất nông sản sạch có quy mô diện tích không đảm bảo tiêu chí của tỉnh.
Riêng về điều kiện hỗ trợ có những thứ khó khả thi như hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp đất để hợp tác, liên kết sản xuất nông sản sạch trong thời gian từ 10 năm trở lên là quá dài, gây khó khăn cho các hộ và chính quyền cơ sở vì nhiệm kỳ của HĐND cấp xã là 5 năm. Các mô hình sản xuất rau củ quả sạch có quy mô trên 5ha rất ít, toàn tỉnh có 37 mô hình sản xuất rau củ quả chiếm 42,5% số mô hình, nhưng chỉ chiếm 14,5% diện tích, trong đó chủ yếu là các mô hình có quy mô dưới 5ha (30/37 mô hình).
Theo quy định mô hình sản xuất rau củ quả sạch đảm bảo tiêu chí mới được hỗ trợ kinh phí làm nhà màng, nhà kính, tuy nhiên trong thực tế có những mô hình quy mô diện tích không đảm bảo nhưng lại đầu tư xây dựng và có hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ với các doanh nghiệp…
Hôm tôi đến đội liên ngành gồm công an, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh đang kiểm tra trang trại nhưng tất cả đều thán phục cách sản xuất sạch ở đây. Không dùng đến thuốc trừ cỏ nhưng Hiếu quản lý tốt đến nỗi trong khu vực sản xuất chỗ nào anh cho phép cỏ mới được mọc còn không thì sạch bóng. Có những ngày một đội quân đông tới 20 lao động được thuê đến chỉ để đào xới đất lên, nhặt hết cả rễ cỏ lẫn củ cỏ. |
Tác giả bài viết: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;