Học tập đạo đức HCM

“Kho vàng xanh” trên vùng lúa lớn

Thứ hai - 27/07/2015 23:07
Thuở xưa, khi những người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tả Củ Tỷ (Bắc Hà - Lào Cai) khai hoang, lập nghiệp, họ đã gieo lên núi đá những “hạt xanh” hy vọng, gửi gắm vào trong đó về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con cháu muôn đời. Kiên cường đi qua bao nắng mưa, bão táp, những “hạt xanh” đâm chồi cho thôn, bản phủ một màu trù phú. “Hạt xanh” nuôi hy vọng về ngày mai tươi sáng của những mái nhà nghèo nơi đây.
Về miền chè cổ

Chúng tôi lên thăm Tả Củ Tỷ một ngày nắng vàng như rót mật. Trên những triền đồi, dọc sườn núi, những đồi chè cổ thụ hiện ra trước mắt, xanh ngát, “mát lòng” những người khách phương xa, xoa dịu cái mệt giữa trưa hè nắng gắt.

Những người già ở Tả Củ Tỷ vẫn truyền cho con cháu đời sau những giai thoại gắn liền với cây chè trên mảnh đất này. Xưa kia, khi người Nùng, người Tày, rồi người Dao, người Mông về vùng này lập bản, ngày ấy, bản người Dao ở đầu xã có nương lúa to, theo tiếng Quan hỏa gọi là Tả Cù Tỷ, rồi gọi chệch sang là Tả Củ Tỷ. Đời ông cha đi trước mong ước các thế hệ sau có cuộc sống ấm no nên lấy tên đó đặt cho vùng quê mới. Vì muốn biến mảnh đất hoang sơ thành nơi xanh tươi, trù phú ở nương lúa to, người Dao nơi đây đi tìm hạt chè Shan về trồng. Thế rồi, cây chè đâm chồi, nảy lộc, gieo màu xanh trên khắp các bản, làng. Không ai biết rõ cây chè có tự bao giờ, nhưng bản nào cũng có những cây chè cổ thụ vài trăm năm tuổi.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con thu hái chè đúng kỹ thuật.

Bao đời nay, những người Tày, Nùng, Dao, Mông đều vun trồng, chăm sóc cho những gốc chè cổ thụ. Từ mong muốn ngày nào, giờ đây, khắp “vùng lúa lớn” đã nhuộm một màu xanh ngắt. Khác với gốc chè cổ ở Hoàng Thu Phố, những tán chè cổ thụ ở Tả Củ Tỷ cao hơn đầu người một chút, cây cao nhất chỉ 2 - 3 mét, với gốc to, tán rộng.

Hiện, ở Tả Củ Tỷ có khoảng trên 25.000 cây chè cổ thụ ở cả 6 thôn, bản là Tả Củ Tỷ, Ngải Thầu, Sông Lẫm, Sả Mào Phố, Sảng Mào Phố và Sín Chải; trong đó, Sảng Mào Phố là nơi tập trung nhiều nhất với trên 7.800 cây, đưa Tả Củ Tỷ trở thành vùng chuyên canh chè lớn thứ 2 của Bắc Hà. Trước đây, khi đường vào xã và lên thôn vẫn chỉ là những lối đi nhỏ bằng đất, giao thông khó khăn nên giao thương ở nơi này bị hạn chế. Năm 2012 và 2013, đường giao thông được mở rộng đã tạo ra những cơ hội mới cho kinh tế nơi đây, trong đó có cây chè cổ thụ.

Cây chè Shan cổ thụ, không chỉ là loài cây “nuôi” hy vọng, mà đã trở thành cây trồng chủ lực trên mảnh đất này, giúp người dân có được cuộc sống ấm no hơn xưa. Nhà trưởng thôn Tả Củ Tỷ - Ly Seo Pao có khoảng 500 gốc chè cổ thụ. Anh Pao cho biết: Cả thôn có 63 hộ, tất cả đều trồng chè, nguồn thu nhập chính cho các hộ cũng từ cây chè mà ra.

Hiện, chè ở Tả Củ Tỷ được Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Bắc Hà (thuộc Công ty TNHH Hiệp Thành) thu mua. Trong đó, chè hái một tôm, hai lá được bán với giá 7.000 - 9.000 đồng/kg; chè búp to một tôm, một lá có giá cao hơn, khoảng 15.000 đồng/kg. Khi pha, nước chè Tả Củ Tỷ có màu xanh nhạt quện lẫn màu vàng như mật ong rừng, có hương thơm quyến rũ, vị ngọt thơm, đậm đà đọng lâu trong miệng. Giữa tháng 6/2014, Công ty TNHH Hiệp Thành đã lấy mẫu chè cổ thụ Tả Củ Tỷ để chế biến, giới thiệu sản phẩm ở một vài nước Đông Nam Á và châu Âu. Theo đánh giá sơ bộ, sản phẩm chè với nguyên liệu từ chè Shan cổ thụ ở Tả Củ Tỷ có chỉ số vượt trội, các hàm lượng trong sản phẩm đều đạt so với quy định. Từ rừng xa, núi cao, cây chè ở mảnh đất này đã vươn mình, vượt ra khỏi những bản, làng, đến những chân trời mới.

Khó khăn trong việc bảo tồn chè cổ thụ

Đến Tả Củ Tỷ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những cây chè cổ thụ có nhiều hình dáng uốn lượn khác nhau, tựa như tác phẩm nghệ thuật mà thiên nhiên, tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này. Cây chè xuất hiện ở mọi nơi, từ đường vào nhà, ra ngõ, trên triền đồi; chè xen trong những nương lúa, nương ngô; bóng chè cổ thụ còn xanh tươi trong những cánh rừng già. Cây chè được người xưa gieo từ hạt, “mẹ đất giữ gốc, cha trời cho mưa” mà vươn lên mạnh mẽ, không phải nhọc công chăm bón nhiều. Bao đời sinh tồn cùng đồng bào nơi đây, cây chè lách rễ vào kẽ đá tìm đất màu để sống. Thế rồi, cây lớn, thành rừng chè ngút ngàn, mướt mát, tựa như những chiến binh dũng cảm canh trời, canh đất cho con người.

Thời gian qua, thương lái đổ xô thu mua “chè vàng” với giá khá cao, thời điểm cao nhất lên tới 50.000 - 55.000 đồng/kg, nên nhiều gia đình vì lợi ích trước mắt đã thu hái chè quá mức, không tính tới sự phát triển bền vững của cây. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ cho biết: Chè được địa phương đánh giá là cây trồng chủ lực, mở ra hướng thoát nghèo trên địa bàn xã, nên việc chăm sóc, thu hái chè đều được xã quan tâm, triển khai đến các hộ dân. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển chè Shan cổ thụ vẫn gặp một số khó khăn, bởi nhận thức của người dân còn hạn chế, chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa có sự tính toán lâu dài, để cây chè phát triển bền vững.

Những năm trước đây, do xã chưa có mặt bằng, nên Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Bắc Hà không thể xây dựng nhà xưởng. Việc thu mua chè ở xã chỉ đặt tại một điểm, rồi sau đó vận chuyển về Bản Liền chế biến. Giờ đây, một tin vui về với người dân Tả Củ Tỷ, sắp tới xã sẽ phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Bắc Hà thành lập tổ hợp tác xã thu gom chè. Mặt bằng để xây dựng nhà xưởng cũng đã có, không bao lâu nữa, sau khi thu hái, chè sẽ được chế biến ngay trên “vùng lúa lớn”. Như vậy, địa phương sẽ khai thác tối đa tiềm năng của cây chè, đầu ra ổn định sẽ giúp bà con yên tâm sản xuất. Thời gian tới, xã tập trung phát triển chè Shan trở thành sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu riêng, đưa hương chè Shan cổ thụ Tả Củ Tỷ đến nhiều vùng đất mới.

Từ những hạt xanh nuôi hy vọng ngày nào, giờ đây, mong muốn của người xưa về cuộc sống ấm no đã dần trở thành hiện thực. Giữa đồi chè, rộn rã câu chuyện về vụ chè mới, những bàn tay thoăn thoắt đưa mầm xanh vào gùi, người dân Tả Củ Tỷ đang dệt ước mơ trên quê hương mình.

QUỲNH TRANG
Nguồn: Báo Lào Cai

 Tags: hạt xanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập393
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại866,683
  • Tổng lượt truy cập92,040,412
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây