Người nuôi lỗ nặng
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, cuộc khủng hoảng giảm giá bất thường kéo dài từ 10/2016 đến tháng 6/2017 khiến hầu hết người chăn nuôi đều thua lỗ nặng. Có thời điểm giá thịt lợn hơi giảm dưới 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành 34.000-38.000 đồng/kg.“Cả giai đoạn trên, so với giá lợn hơi của Thái Lan, Trung Quốc và giá lợn hơi trong nước hàng năm, người chăn nuôi lợn Việt Nam đã thua thiệt 15.000-25.000 đồng/kg”- ông Dương nói.
Lý giải vấn đề dư thừa thịt lợn, ông Dương cho biết, năm 2015-2016 là giai đoạn Việt Nam tăng đàn và sản lượng bất thường, ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Mức tăng đàn trong giai đoạn trên khoảng 3,7-4,7%/năm, trong khi mức tăng trung bình của giai đoạn 5 năm trước chỉ mức 1,5-2%. Thậm chí, mức tăng đàn thực tế có thể cao hơn cả con số thống kê vì nhiều địa phương trọng điểm về nuôi lợn năm 2016 đã tăng trên 20% như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai…
Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn đã có dấu hiệu phục hồi từ tháng 5/2017, chỉ sau hai tuần triển khai biện pháp chỉ đạo của Chính phủ về “giải cứu”, giá lợn đã tăng lên 5-7 nghìn đồng/kg. Với mức tăng này, người nuôi đã đỡ thua thiệt khoảng 1.500- 2.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, giá lợn chỉ tăng ở mức người chăn nuôi bắt đầu hòa vốn và lãi chút ít vào tháng 7 và hiện dao động 33-35 nghìn đồng/kg.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, việc giá lợn xuống thấp, một phần vì phụ thuộc vào xuất lợn hơi tiểu ngạch sang Trung Quốc và hiện đang bị “đóng biên”. “Không thể mãi xuất khẩu kiểu “đuổi lợn qua biên giới” được, vì rủi ro rất cao, và thua thiệt với thương lái, người nuôi trong nước, nên bằng mọi cách phải tiến tới xuất chính ngạch”- ông Dương nói.
Chưa kể, lượng nhập khẩu cả lợn giống và thịt lợn trong năm 2016 đều đạt những con số kỷ lục cũng tác động không nhỏ đến giá trong nước. Năm ngoái, Việt Nam nhập 10.500 tấn lợn thịt, vượt gấp đôi so với bình quân khối lượng thịt lợn nhập khẩu những năm gần đây.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó GĐ Sở NN&PTNT Đồng Nai- địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, hiện đàn heo của tỉnh chỉ còn 1,6 triệu con, giảm khoảng 600 nghìn con so với lúc cao điểm vừa qua. Theo ông Báu, loại heo dư thừa chủ yếu là loại 130 kg/con trở lên, nhiều mỡ, do Trung Quốc không mua.
Ông Báu cho rằng, hiện khoảng 30% sản lượng heo là của các doanh nghiệp FDI, còn lại chăn nuôi trong nước, chủ yếu là nông hộ và trang trại nhỏ, với giá thành 29-38 nghìn đồng/kg, tùy từng quy mô. “Chúng tôi biết, giá cám đang bị đẩy cao hơn 20% do phải chiết khẩu cho các đại lý. Trong khi thức ăn chiếm 70% giá thành thức ăn chăn nuôi. Do vậy, cần phải kiểm soát vấn đề này để hạ giá thành cho người nuôi, nhất là người nuôi nhỏ lẻ”-ông Báu nói.
Phải đi theo chuỗi
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó GĐ Sở Công Thương TPHCM, đợt “giải cứu” vừa qua chỉ là biện pháp tình thế, vấn đề là cần giải pháp để không xảy ra tình trạng phải “giải cứu” trong thời gian tới. Ông Hòa cho rằng, thị trường thịt heo hiện quá phân tán, cắt khúc giữa các khâu chăn nuôi, thức ăn, thú y, giết mổ, tiêu thụ…Trong khâu liên kết chuỗi, quan trọng là thị trường, thị trường phải gửi tín hiệu yêu cầu cho người nuôi để điều chỉnh về số lượng, chất lượng.
Theo ông Hòa, trên lý thuyết có “4 người” là cơ sở chăn nuôi, giết mổ, các chợ đầu mối và điểm bán lẻ đến người tiêu dùng. Về chăn nuôi, có 1.200 cơ sở chăn nuôi thịt cho TPHCM; về thương lái, có thương lái mua heo hơi bán cho cơ sở giết mổ, thương lái mua thịt mảnh bán đến chợ bán lẻ… nên rất khó quản lý.
Hiện TPHCM có tiêu thụ khoảng 10 nghìn con heo mỗi ngày. “Chúng tôi cho 2 kênh phân phối chính là siêu thị 1.500-1.800 con, và còn lại qua hai chợ đầu mối chiếm 80%. Chỉ kiểm soát đầu mối này để ổn định thị trường, đồng thời phát tín hiệu cho người chăn nuôi”- ông Hòa nói.
Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, thành phố đã triển khai đề án truy xuất nguồn gốc heo với các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu… Các chủ thể đăng ký tham gia vào chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh, sẽ được cấp mã code, nêu rõ thông tin heo của ai, thương lái nào… qua hệ thống điện toán đám mây, và người tiêu dùng cuối cùng có thể truy xuất được.
Theo ông Hòa, hiện khoảng 75% heo vào TPHCM đã truy xuất nguồn gốc. Dù chưa đạt như kỳ vọng, nhưng với cách làm này sẽ thay đổi quy trình chăn nuôi của bà con. “Đây không phải quy định khắt khe của thành phố, chúng ta xuất khẩu bắt truy xuất rất chặt chẽ, thì người tiêu dùng trong nước cũng có quyền đó chứ, nếu không làm được, sẽ khó vươn xa”- ông Hòa nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện khâu tổ chức ngành hàng chưa tốt, đặc biệt là chăn nuôi lợn. “Với các nội dung sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường, thì mới làm được phần thúc đẩy sản xuất, còn hai khâu còn lại không tốt. Nhà máy chế biến chỉ mới đếm đầu ngón tay, quy mô nhỏ. Chế biến, thì mới được dăm bông, xúc xích, lợn sữa xuất khẩu…Trong khi đó, ngoài các tập đoàn chăn nuôi lớn, vẫn còn 3 triệu hộ nuôi lợn… dẫn đến dư thừa”- ông Cường nói.
Tới đây, theo ông Cường, chăn nuôi lợn sẽ theo 2 hướng: phát triển theo mô hình công nghiệp hạ giá thành, con giống, thức ăn tốt…và chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Ngành thức ăn chăn nuôi cũng được điều chỉnh, không mở rộng, tăng công suất; khuyến khích phát triển thức ăn chăn nuôi hữu cơ. Cùng với đó, tổ chức sản xuất phải thay đổi, từ hộ,doanh nghiệp chăn nuôi phải đi theo liên kết chuỗi.
Theo Tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã