Ngày 21/4, tại Hội thảo Quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh, do Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học, chuyên gia bày tỏ bức xúc về tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Theo các chuyên gia, lối thoát của sản xuất nông nghiệp hiện nay chính là phải phát triển trên cơ sở sử dụng các biện pháp canh tác và bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ sinh học. Áp dụng những quy trình sản xuất tiên tiến ở nhiều cấp độ như: sản xuất rau an toàn, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Điều này nhằm bảo đảm đất khỏe, cây khỏe và môi trường khỏe trong một hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp các loại nông sản an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ không phải là việc đơn giản. Điều đó lý giải tại sao sau nhiều năm thực hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới mới chỉ chiếm 1% (trong đó 2/3 là đất trồng cỏ và chăn thả đại gia súc), mới có chưa đến 10 triệu ha các loại cây trồng hữu cơ. Ở nước ta hiện nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp khá nhiều trở ngại.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Biên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, một trong những trở ngại lớn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay là Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng và của toàn xã hội về vấn đề này còn hạn chế.
Việc sử dụng phân ủ hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hay biện pháp thủ công đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, hiệu quả chậm, khó thực hiện đồng loạt và khó cung ứng đủ, kịp thời cho hàng nghìn, hàng vạn ha. Không những vậy, đến thời điểm này cũng chưa có đủ những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể về nông nghiệp hữu cơ, chưa có tổ chức trong nước nào cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ…
Trước thực trạng của sản xuất nông nghiệp hiện nay, các đại biểu thống nhất đưa ra 10 kiến nghị hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh trong thời gian tới.
Cụ thể, Nhà nước cần chấn chỉnh ngay việc nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế việc lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nhất là với loại chất độc hại mà các nước tiên tiến và khu vực đã cấm.
Đồng thời cần có giải pháp quản lý có hiệu quả các đại lý vật tư nông nghiệp, bởi họ là người trực tiếp khuyến cáo việc sử dụng thuốc, phân bón cho nông dân.
Tiếp đến là nhanh chóng xây dựng những quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ.
Ban hành những chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho nghười nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, cần đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học.
Đẩy mạnh liên kết giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp thông qua hợp đồng chuyển giao những kết quả nghiên cứu về phân hữu cơ sinh học, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học... vào sản xuất ở quy mô công nghiệp…/.
Theo bnews.vnHứa Chung/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã