Học tập đạo đức HCM

'Kiện tướng' lai chọn giống lúa

Thứ bảy - 26/08/2017 09:35
Ông Phạm Văn Nhựt, sinh năm 1966, ở ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là một nông dân có nhiều nhiệt huyết trong việc phục tráng, lai tạo các giống lúa chất lượng, được ngành chuyên môn và nông dân trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.
Ông được Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ, tôn vinh danh hiệu “Nhà nông lai - chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học” giai đoạn 1995-2015”. 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế từ chiến trường Campuchia về, ông Nhựt được cha mẹ cho 3.000m2 trồng lúa và lập gia đình ra ở riêng. Ông Nhựt nhớ lại, thời điểm này, do chưa nắm vững quy trình canh tác, lúa của ông trồng cứ nhấp nhô, bông thấp, bông cao, năng suất thấp.  Năm 1995, ông Nhựt được Hội Nông dân xã Phong Mỹ giới thiệu tham dự lớp tập huấn nhân chọn tạo giống lúa cộng đồng do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Sau thời gian nghiên cứu về lý thuyết và thực hành trên đồng ruộng, có được kiến thức cơ bản, cộng với lòng say mê nghiên cứu khoa học, ông Nhựt thực hành lai tạo một số giống mới. 

Nghiên cứu giống lúa là niềm vui của ông Phạm Văn Nhựt. 

Năm 2011, ông cùng nhiều nông dân khác được tham gia chương trình lai chọn giống lúa và bảo tồn đa dạng sinh học trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông (FARES)”, do Hà Lan tài trợ. Qua tham dự các lớp tập huấn và tham quan ở các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa, về Bến Tre nhận thấy giống lúa OC10 ở địa phương kém chất lượng, ông Nhựt quyết tâm nghiên cứu phục tráng lại giống lúa ở địa phương đã lâu đời, bị thoái hóa, giúp bà con có giống lúa đạt chất lượng để sản xuất. 

Năm 2011, ông Nhựt bắt tay vào phục tráng, trồng và khảo nghiệm hai giống lúa trồng tại địa phương đã thoái hóa là OC10 hạt dài và OC10 hạt tròn. Một năm sau, ông phục tráng thành công hai giống lúa địa phương này. Từ hai giống lúa khởi nguồn này, ông tiếp tục phục tráng thành công nhiều giống lúa khác trao đổi từ các tỉnh lân cận như: AGPPS-103, lúa Núi Vôi (An Giang), Hậu Mỹ Trinh (Tiền Giang), Hòn Đất (Kiên Giang) và được cấp xác nhận. Ban đầu, ông Nhựt chỉ sản xuất thử nghiệm vài công đất (1công =1.000m2), sau đó ông mở rộng ra toàn bộ diện tích 3 ha, chuyên sản xuất các bộ giống mới cung cấp cho thị trường. 

Không dừng lại ở đó, ông Nhựt nảy ra ý tưởng sản xuất ra giống lúa ngắn ngày để thay thế giống OC10 đang bị thoái hóa, nhất là rút ngắn thời gian sinh trưởng sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đất nhiễm mặn của địa phương. Năm 2013, ông Nhựt nghiên cứu lai tạo từ giống lúa OM 120 và Nàng hoa 9 để tạo ra một giống lúa mới mang tên PM1 (Phong Mỹ 1), với ưu điểm không bị sâu bệnh, hình dáng đẹp, năng suất cao... Giống PM1 được Dự án “Tăng cường năng lực nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông (FARES)" đánh giá cao vì có năng suất, chất lượng vượt trội, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Sau đó, PM1 được đưa vào bản đồ nông nghiệp trồng lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Ông Nhựt tâm sự: Phải mất ròng rã 3 năm mới lai tạo thành công giống lúa PM1. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng điều ông Nhựt không nghĩ tới là gạo PM1 nấu cơm khô, ăn không ngon.  Sự không hoàn hảo của giống lúa PM1, không làm người “kỹ sư nông dân” này nản chí, mà trái lại còn thôi thúc ông tìm tòi, nghiên cứu thêm các giống lúa khác chất lượng hơn. Năm 2014, ông Nhựt lại dùng giống lúa DS1 (hạt tròn) của Nhật Bản lai tạo với giống AGPPS103, với kỳ vọng cho ra giống PM2. “Hiện PM2 đã đi được nửa chặng đường, tôi đã trồng thử nghiệm và lúa dư sức kháng mặn trên 2 phần nghìn, kháng sâu bệnh rất tốt, năng suất khá cao” - ông Nhựt chia sẻ. 

Sau hơn 20 năm miệt mài sản xuất, khảo nghiệm các giống lúa mới, ông đã sản xuất, lai tạo thành công trên chục bộ giống mới, chất lượng cao và kháng được sâu bệnh, phù hợp với điều kiện vùng đất Bến Tre. Trong số bộ giống lúa do ông phục tráng, hai bộ giống OC10 hạt tròn và OC10 hạt dài được ưa chuộng trên thị trường gạo chế biến của tỉnh Bến Tre. 

Ông Nhựt còn liên kết với nhiều hộ trồng lúa trong xã thành lập Tổ sản xuất lúa giống Phong Mỹ, chuyên sản xuất các giống lúa chất lượng cao. Tính bình quân mỗi năm, tổ sản xuất lúa giống xã Phong Mỹ đã cung cấp cho thị trường trong, ngoài huyện hàng chục tấn giống lúa xác nhận.       

Dù đạt nhiều thành công trong việc phục tráng, lai tạo giống, ông Nhựt vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo những phương thức sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Nhựt cho biết, cách đây 3 năm, từ bông lúa thảo dược (lúa và gạo đều có màu đen huyền) mà người bạn đi Nhật Bản về tặng, ông đã nhân giống được hơn 3 công (3.000m2) lúa thảo dược, với năng suất khá cao, khoảng 4 tấn/ha. Gạo thảo dược sản xuất từ ruộng của ông được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận với giá từ 20 - 40 ngàn đồng/kg. Giống lúa thảo dược này sản xuất theo tiêu chuẩn lúa sạch, không sử dụng thuốc, chỉ bón phân hữu cơ để bảo vệ môi trường trong vùng và cung cấp sản phẩm lúa, gạo sạch cho thị trường, ông Nhựt nói. 

Hiệu quả bước đầu đáng khích lệ, ông Nhựt bắt đầu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng thương hiệu để khởi nghiệp. Ông Nhựt thực hiện mô hình canh tác lúa hữu cơ với hai chủng loại giống Đài thơm 8 (giống lúa mới nổi lên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vì ngon cơm) và lúa thảo dược. Với hai giống lúa này, ông kỳ vọng sẽ được chính quyền hỗ trợ nhân rộng, sản xuất đại trà tại địa phương và tiến tới thành lập hợp tác xã lúa sạch để đời sống người nông dân ngày càng được cải thiện hơn nữa. 

Ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Mỹ cho biết: Là hội viên Hội Nông dân xã Phong Mỹ, ông Phạm Văn Nhựt rất say mê trong việc lai tạo giống lúa và đã lai tạo thành công nhiều giống lúa cung cấp cho bà con nông dân ở địa phương sản xuất. Là hội viên Hội Nông dân, ông Nhựt còn khuyến cáo bà con sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn. Ngoài ra, mô hình sản xuất lúa thảo dược và Đài thơm 8 theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông Nhựt đã được UBND xã đưa vào chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” tại địa phương. 

Từ một nông dân nghèo khó, nhờ cần cù, nhẫn nại, chịu khó, hiện nay, gia đình ông đã sở hữu được hơn 3 ha đất canh tác lúa, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.Với những thành quả đạt được trong sản xuất, ông Nhựt đã hai lần được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

 
Bài và ảnh: Công Trí (TTXVN)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại199,405
  • Tổng lượt truy cập92,577,069
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây