Quyết tâm và cơ duyên
Ai đi lâu ngày trở lại xóm 5 Nam Phong đều không ngờ bộ mặt nông thôn ở lại thay đổi nhanh chóng đến như vậy. Đồng ruộng, nương rẫy, vườn tược không còn cảnh tiêu điều, làm 1 vụ lúa và “đói gần cả năm” như trước. Giờ đây, thay bằng cây lúa là những ruộng thanh long, vườn đào cảnh và những giống cây ăn quả có giá trị cao hơn. Cùng với các loại cây trồng mới, người dân xóm 5 Nam Phong còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong, đào ao thả cá… Tại xóm người Tày Nam Phong hiện nay không còn hộ nghèo, nhiều hộ đã trở thành triệu phú. Người có công đầu trong việc tạo ra cú hích lớn ở vùng núi đá một thời gian khó này chính là ông Hoàng Văn Chinh - triệu phú đầu tiên của người Tày ở xóm.
Ông Hoàng Văn Chinh (trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long với bà con trong xóm. Ảnh: Công Hải
Ông Hoàng Văn Chinh được tặng bằng khen, giấy khen của TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng với thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Văn Chinh là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017. |
Nói về chuyện làm kinh tế, ai ở xóm 5 Nam Phong đều cho ông Chinh là người trăn trở nhất. Hành trình để có mức thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm như hiện nay của bản thân ông Chinh và gia đình là động lực cho cả xóm phấn đấu.
Ngay từ những năm 1990, ông Chinh đã quyết tâm phục tráng giống quýt của địa phương. Đồi hoang được ông phủ kín quýt và cây mận tam hoa… Nhưng cây trồng khiến gia đình ông ăn nên làm ra lại là cây thanh long.
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây thanh long, ông Chinh cho biết: Tôi trồng quýt địa phương, hồng không hạt, nhưng hiệu quả kinh tế không cao nhiều so với trồng lúa. Bản thân mình đã cảm thấy không hài lòng thì sao mang ra thuyết phục được bà con lối xóm làm theo. Cách đây hơn chục năm, có dịp về xuôi thăm người quen, mang mấy quả thanh long về làm quà, rồi trong đầu nảy ra ý tưởng “đưa thanh long lên vùng cao” trồng thử.
Sau 2 năm trồng, lứa thanh long đầu tiên trong vườn của nhà ông Chinh đã cho ra quả. Đất mới, khí hậu cũng hợp, quả thanh long to, nặng cả nửa cân, vỏ mỏng, ruột trong, ngọt lịm. Tới đây ông Chinh mới nghiệm ra, cây thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc và sớm cho thu hoạch nằm ngoài mong đợi của ông…
Ngoài trồng thanh long, ông Hoàng Văn Chinh còn trồng 600 gốc đào cảnh bán tết; đào 2.000m2 ao nuôi cá, nuôi 12 đàn ong lấy mật...
1 gốc thanh long bằng hơn 1 tạ thóc
Kể từ khi khẳng định được tính hiệu quả của cây thanh long, ông Hoàng Văn Chinh liên tục mở rộng dần diện tích trồng loại cây ăn trái đặc sản này. Chẳng mấy chốc vườn quanh nhà, rồi ngoài ruộng đều được ông Chinh phủ kín thanh long. Cứ mỗi trụ bê tông, ông trồng 2 gốc thanh long. Ngoài thanh long trắng, ông Chinh còn kỳ công tìm giống thanh long ruột đỏ về trồng.
Sau 10 năm “chiến đấu” với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tình trạng nay ốm, mai đau do thương tật, đến nay ông Hoàng Văn Chinh đã trồng 400 gốc thanh long. Mỗi năm, thanh long cho thu hoạch 7 lứa, tính trung bình mỗi cây thanh long thu được gần triệu bạc, giá trị hơn cả 1 tạ thóc. Vui hơn là vợ chồng ông không có đủ thanh long để bán. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Riêng thanh long ruột đỏ, cuối vụ vợ chồng ông bán được 84.000 đồng/kg – giá trị hơn cả 1 yến thóc. Theo tính toán của ông Chinh, trồng thanh long lãi cao gấp 10 lần so với trồng lúa, lại nhàn hơn.
Điều đáng quý khiến nhiều người địa phương nể phục ông Chinh là khi đã nắm chắc đặc tính của cây thanh long sống ở vùng xứ lạnh, ông đã đến từng gia đình vận động bà con chuyển dần vườn tạp sang trồng thanh long. Rồi chuyển trồng lúa trên những chân ruộng cao chỉ cấy được 1 vụ sang trồng thanh long và các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, thị trường tiêu thụ tốt hơn như đào cảnh, các loại cây ăn trái khác…
Qua hơn 10 năm trồng thang long với sự đi đầu dẫn dắt của ông Hoàng Văn Chinh, đến nay người tiêu dùng địa phương đều công nhận, thanh long Cao Bằng có mùi vị đặc trưng bởi được trồng trên nền đất núi đá. Điều này quyết định sự thành công của gia đình ông Hoàng Văn Chinh và nhiều hộ dân trồng thanh long của xóm 5 Nam Phong và nhiều hộ khác trên địa bàn xã Hưng Đạo.
Từ cách làm của ông Chinh, nhiều hộ dân khác của xóm 5 Nam Phong đã và đang chuyển sang trồng thanh long. Đến nay, diện tích thanh long và các loại cây trồng giá trị kinh tế cao của xóm 5 đã lên đến 10ha. Nhiều gia đình cũng đã trở thành triệu phú nhờ trồng thanh long.
Ông Hoàng Văn Chinh cho biết, hiện tại các gia đình trồng không có đủ thanh long để bán. Đời sống khấm khá, bà con trong xóm 5 Nam Phong tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là Bí thư chi bộ xóm, ông Chinh cùng các đảng viên họp bàn với bà con cùng góp công, góp sức làm đường giao thông. Đến nay, các tuyến đường trong xóm đã mở rộng, bê tông hóa đến từng nhà, ra tận ngoài đồng, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản.
Từ năm 2015 đến nay, nhân dân trong xóm 5 Nam Phong đã góp 240 triệu đồng, huy động 2.000 ngày công lao động xây dựng đường xóm, đường thôn; huy động 33 hộ hiến trên 1.300m2 đất mở rộng mặt đường 3m. Cuối năm 2016, xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng đã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo Phương Đông/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã