Thời vàng son đã qua
Làng nghề Châu Sơn (xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) lâu nay vốn nổi tiếng với nghề nuôi nai. Nhưng câu chuyện làm giàu từ nhung nai nơi đây từ lâu đã thành dĩ vãng. Hồi tưởng lại những mùa Noel trước, ông Phạm Toản (xã Cư Êbur) kể mùa thu hoạch nhung nai rộ vào tháng cuối năm. Nhưng mấy năm nay thị trường trầm lắng, làng nai không còn “xôm tụ” như trước.
Nghề nuôi nai lấy nhung ở Châu Sơn, TP.Buôn Ma Thuột đã tìm được giải pháp để thoát khỏi khó khăn. Ảnh: N.V
Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình liên kết cho nông dân nuôi nai lấy nhung. Phải đa dạng hóa các mặt hàng từ nhung tới thịt mới nâng cao được thu nhập cho người dân”. Bà Vũ Thị Xuân
|
Nghề nuôi nai ở Châu Sơn xuất hiện khi người dân từ miền Bắc lên Tây Nguyên lập nghiệp. Nhung nai có tác dụng tốt cho sức khỏe và được nhiều người mua làm thuốc, làm quà biếu, có thời điểm giá lên tới 10 – 15 triệu đồng/kg. Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đàn nai phát triển mạnh không chỉ ở Châu Sơn mà còn lan rộng ra các thôn, buôn khác của xã Cư Êbur. “Phong trào nuôi nai bước lên đỉnh cao những năm 1990. Nguồn giống từ khắp nơi đổ về. Thương lái thu mua bán sang Trung Quốc. Người người, nhà nhà cùng nuôi. Nhưng rồi đột ngột thương lái mất hút, giá nhung càng ngày càng rớt thảm” - ông Toản cho biết.
Ông Toản kể, hồi đó chủ yếu là nuôi tự phát, chưa có sự liên kết các “nhà”. Người nuôi khó tìm đầu ra mà cơ sở chế biến đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường lại ít. Gặp lúc dội chợ, cả làng nghề không thể trụ nổi chỉ với nhung ngâm rượu hoặc nhung cất trong tủ lạnh. Ông Toản và nhiều người có tâm huyết đều cho rằng người Châu Sơn quyết không bỏ nghề gia truyền, nhưng nếu không xác định lại thị trường, hướng đi cho sản phẩm thì khó giải quyết được đầu ra cho hơn 2.000 con nai ở Cư Êbur.
Sẽ đầu tư trại nuôi 500 con nai giống
Theo ông Đinh Công Bảy - Tổng Thư ký Hiệp hội Dược liệu TP.HCM, tác dụng của nhung nai đã được chứng minh từ lâu trong y học cổ truyền lẫn hiện đại. Nhưng nguồn dược liệu này trước nay chỉ được khai thác theo kiểu truyền thống. “Người nuôi cắt nhung nai rồi bán chứ chưa chú trọng khâu bào chế. Sản phẩm nhiều khi còn lẫn lộn thật giả trên thị trường” - ông Bảy cho biết.
Trước đó, thương hiệu nhung nai Cư Êbur đã được cơ quan chức năng công nhận và cho bày bán. Việc liên kết với doanh nghiệp cũng từng được triển khai nhưng thương hiệu này còn ít người biết đến nên tiêu thụ vẫn khó khăn.
Là một trong những người tâm huyết với việc xây dựng thương hiệu cho sản vật địa phương, ông Lê Linh Duy - Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Đông Bắc Á thừa nhận phát triển nhung nai thành nguồn dược liệu thương phẩm gặp không ít nhiêu khê. Chủng loại sản phẩm còn nghèo nàn căn bản do công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. “Để sản vật địa phương tìm lại được chỗ đứng ở thị trường trong nước buộc xây dựng nghề nuôi nai theo một quy trình khoa học sao cho hiệu quả hơn cách làm truyền thống từ trước đến nay” - ông Duy cho biết.
Công ty Đông Bắc Á cũng đang đầu tư trang trại nuôi 500 con nai giống tại vùng quy hoạch trồng cỏ ở Châu Sơn. Đây là đơn vị đầu tiên chuẩn hóa đàn nai của Việt Nam và xây dựng nhà máy chế biến theo quy trình khép kín.
Hiện công ty đã sản xuất thành công các sản phẩm nhung nai ngâm mật ong đóng lọ, nhung nai sấy khô. Ông Duy cho biết, hiện công ty đang triển khai nhân rộng mô hình để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Khi xây dựng được bài toán kinh doanh hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ là mấu chốt giải quyết nguồn hàng của nông dân” - ông Duy khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã