Học tập đạo đức HCM

Nhà sáng chế "chân đất" với sản phẩm máy hút sâu chè

Thứ bảy - 17/12/2016 04:17
Là nông dân "chính hiệu," chưa từng học qua bất kỳ trường, lớp nào về cơ khí, chế tạo, nhưng ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, lại nổi tiếng với những sáng chế, cải tiến máy móc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất chè. Ông được biết đến là một trong những nhà sáng chế “chân đất” ở Tuyên Quang.

nha sang che 'chan dat' voi san pham may hut sau che hinh anh 1

Nông dân xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thu hoạch chè. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Năm 1984 chàng trai Nguyễn Văn Hoàn nhập ngũ khi vừa 20 tuổi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cũng như nhiều gia đình khác ở Phú Lâm, ông Hoàn chọn cây chè làm cây phát triển kinh tế gia đình. 

Năm 1991, ông nhận khoán 14ha chè cằn cỗi của Nông trường Chè Tháng 10 (nay là Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm) để cải tạo. Cuộc sống gia đình ông lúc ấy gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, năng suất chè thấp, nhiều người đã khuyên ông từ bỏ cây chè để trồng cây khác. Nhưng với tinh thần người lính Cụ Hồ, ông Hoàn kiên trì, bền bỉ, quyết tâm cải tạo đồi chè. 

Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, thực hiện tiết kiệm… ông Hoàn đã khôi phục toàn bộ 14 ha chè. Giờ đây, cây chè đã mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. 

Gắn bó với cây chè nhiều năm, ông Hoàn luôn trăn trở làm sao để tạo ra sản phẩm chè sạch, không cần phun thuốc trừ sâu - không ảnh hưởng đến sức khỏe của người trồng chè. Từ trăn trở đó, ý tưởng sáng chế máy hút sâu chè ra đời, giúp ông Hoàn nổi tiếng khắp vùng và được người dân gọi với cái tên thân thương - nhà sáng chế “chân đất.” 

Ông Hoàn cho biết cây chè là cây có nhiều sâu bệnh nên thường phải phun thuốc. Việc phun thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người phun mà còn ảnh hưởng đến chất lượng chè. Vì vậy, để có những búp chè ngon không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, người trồng chè chỉ còn cách duy nhất là bắt sâu bằng tay, rất tốn công. Chính vì vậy, ông Hoàn luôn trăn trở suy nghĩ, làm sao để sáng chế ra chiếc máy hút sâu chè. 

Từ quyết tâm ấy, 6 tháng ròng rã, ngoài thời gian làm việc đồng áng, ông Hoàn tận dụng buổi trưa và buổi tối để chế tạo máy. Trải qua nhiều lần thất bại, nhiều lần thử nghiệm chiếc máy do ông chế tạo chẳng những không hút được sâu mà còn cắt nát hết cả búp chè. Không chịu từ bỏ, ông Hoàn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi… cuối cùng cũng thành công. 

Giới thiệu về chiếc máy hút sâu chè của mình, ông Hoàn cho biết chiếc máy gồm 5 bộ phận là ống hút, bầu lưới, trục máy, giá đỡ, cánh quạt. Cách sử dụng máy hút sâu cũng rất đơn giản, dễ điều khiển. Sau khi khởi động, máy chạy sẽ làm cánh quạt quay tạo ra luồng gió lớn, lia máy trên tán cây chè, cánh quạt sẽ hút sâu vào bầu lưới. 

Máy này có thể hút được hầu hết các loại sâu nguy hại cho cây chè như: Bọ cánh tơ, dày xanh, bọ xít muỗi… Một chiếc máy hút sâu chè mỗi ngày có thể hút được sâu trên diện tích một nửa ha chè, tiêu hao khoảng 2,5 lít xăng. 

Khi mới chế tạo xong, máy nặng đến 9kg, rất khó mang vác, bộ phận cánh quạt của máy vừa làm nhiệm vụ hút sâu vừa làm nhiệm vụ giết sâu, hiệu suất của máy cao nên tốn nhiều nhiên liệu. Vì vậy, để giảm trọng lượng máy và giảm nhiên liệu, ông Hoàn đã tiếp tục nghiên cứu, cải tiến máy. Ông thay cánh quạt mới và lắp thêm một bộ phận đựng sâu, cánh quạt bây giờ chỉ còn nhiệm vụ hút sâu đơn thuần nên không cần hiệu suất máy cao nữa. Do đó, nhiên liệu cũng ít đi (từ 6 lít giảm xuống 2,5 lít xăng/ha chè), máy cũng chỉ còn nặng 5 kg. 

Ngoài chế tạo thành công máy hút sâu chè, ông Hoàn còn cải tiến máy phát cỏ thành máy đốn chè. Thông thường, cây chè sau một năm thu hoạch phải cắt đi từ 10-15 cm để chè ra búp mới. Với chiếc máy đốn chè cũ, những người trồng chè ở Phú Lâm phải mất rất nhiều thời gian để đốn chè, máy khó cắt khiến ngọn chè không đứt hẳn, sót lại trên cây làm cây dễ bị nhiễm bệnh. 

Nhìn thấy hạn chế này, ông Hoàn đã cải tiến chiếc máy phát cỏ thành máy đốn chè. Ông thay lưỡi cắt cũ hình vuông bằng chiếc lưỡi cắt mới được cải tiến như cánh cung nên khi cắt có độ trượt, chè đứt nhanh và dứt khoát. Bên cạnh đó, ông Hoàn cũng chế tạo bộ phận bón phân hóa học, sau đó gắn vào máy cày mini để việc bón phân được dễ dàng hơn. 

Ông Vũ Thế Như, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Chè là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với 126 ha. Vì vậy, những sáng chế, cải tiến máy móc của ông Hoàn có ý nghĩa rất lớn trong việc sản xuất chè ở Phú Lâm. Ông đã giúp người trồng chè trên địa bàn xã có thể giảm công sức lao động. Đặc biệt, máy hút sâu chè của ông Hoàn có thể giúp người trồng chè tạo ra được những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Tôi hy vọng, thời gian tới máy hút sâu chè của ông Hoàn sẽ được nhiều người dân lựa chọn, sử dụng vào sản xuất chè của gia đình…" 

Với những sáng chế máy móc đơn giản, dễ sử dụng và mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp, ông Hoàn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Tuyên Quang cũng như của Trung ương. 

Máy hút sâu chè của ông được Hội Nông dân Việt Nam trao giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008-2009. Với chiếc máy cắt cỏ được cải tiến thành máy đốn chè, ông đã đoạt giải Nhì trong Cuộc thi nhà nông sáng tạo do Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức năm 2009./.  

 
Theo Vũ Quang Đán (TTXVN/VIETNAM+)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập792
  • Hôm nay67,504
  • Tháng hiện tại803,614
  • Tổng lượt truy cập93,181,278
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây