Học tập đạo đức HCM

Mong có nước… mặn sinh hoạt

Thứ bảy - 05/03/2016 05:28
Nghe có vẻ ngược đời nhưng đó là sự thật đang diễn ra tại các vùng ven tỉnh tỉnh Bến Tre. Trong cơn “khát nước” đang bao trùm Đồng bằng sông Cửu Long, người dân nơi đây không dám mơ đến nước ngọt mà chỉ mong có nước máy với độ mặn 2 - 3‰ kéo đến nhà để sinh hoạt nhưng vẫn phải dài cổ… chờ.
 

Bà Trần Thị Yến Ngọc chắt chiu từng giọt nước rửa rau.

Mong nước... mặn

Cách trung tâm huyện Bình Đại chưa đầy 10km về hướng cặp sông Cửa Đại thuộc ấp 1, xã Bình Thới, hai bên đường vắng vẻ, dưới sông sóng vỗ ì oạp, trên bờ phần lớn nhà cửa đóng im ỉm, xa xa mới có nhà mở. Chạy một đoạn, chúng tôi gặp căn nhà lá cũ cặp mé sông. Chủ nhà, chị Nguyễn Thị Quyên, 41 tuổi, từ bên trong cầm thau nước ra tưới cây trước cửa. Thấy người lạ, chị liền hỏi: “Chú vô khảo sát để kéo nước máy hả? Tính khi nào kéo, kéo sớm đi chứ tụi tui chịu hết nổi rồi”. Sau lời chào hỏi, chị mời vào nhà rồi nói: “Tôi biết mấy hôm nay nước máy lấy từ sông Ba Lai lên xử lý rồi bán cho dân, độ mặn đã lên đến 2 - 3‰ nhưng tôi và bà con ở đây vẫn mong có nước mặn để tắm, giặt, còn đỡ hơn xài nước sông mặn như muối”, chị bộc bạch.

Chị Quyên cho biết, ở đây cách xa trung tâm, đường sá khó khăn nên mỗi lần kêu xe chở nước phải đợi 4 - 5 ngày mới tới. “Nhiều lúc không có nước phải lấy can chạy xe đi chở nước về xài đỡ. Mấy chục năm chưa năm nào mặn sớm và gay gắt như năm nay. Năm rồi, trước Tết nước còn ngọt, tôi bơm nước sông vào ao sau nhà chờ lắng xuống rồi lấy sinh hoạt. Hôm nào nấu ăn thiếu muối hay nước mắm, chỉ cần đổ nước sông thay thế muối”, chị Quyên nói.

Bản thân chị Quyên hằng ngày đi làm thuê từ sáng sớm đến chiều tối mới về, tiền công trên dưới 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, việc ngày có ngày không, tùy thuộc vào chủ. Chồng chị làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân, lương tháng hơn 4 triệu đồng. “Vợ chồng tôi làm không dám nghỉ tay. Mấy hôm T­ết chồng làm suốt để kiếm tiền. Đời tôi đã khổ nên cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn nhưng hằng ngày lo mưu sinh đã oải, lại còn lo thêm nước sinh hoạt đắt đỏ nên càng mệt hơn”, chị Quyên nói như khóc. 

“Năm nào đến mùa này cũng khổ vì vừa phải chạy gạo hằng ngày vừa phải lo nước sinh hoạt. Tôi sống ở đây gần cả đời người, giờ chẳng lẽ bỏ xứ, mà có đi thì không biết đi đâu và làm gì”, bà Nguyễn Thị Oanh, ấp 1, xã Bình Thới than thở.

Chị nhớ lại mấy hôm trước, chờ cả tuần mới có xe chở nước tới nhà, ai cũng vui mừng khôn xiết. Ai dè, tối đó, không may lu bị thủng lỗ, sáng ra rửa mặt lấy ca múc nước mà không còn giọt nào.

Bà Trần Thị Yến Ngọc, cùng ấp, làm nghề bán bánh mì ở chợ Bình Đại, ngao ngán nói: “Hôm nào bán ế đến chiều tối mới về tới nhà mệt lả người. Lúc đó muốn tắm cho khỏe nhưng trong nhà hết nước. Tôi mong có nước máy đến để xài chứ tình trạng này kéo dài thì dân… xơ xác lắm”.

Bà Ngọc kể, hơn chục năm trước ở đây không đến nỗi mặn như thế này, nơi “khát nước” nhất là khu vực cửa biển Thừa Đức, xã Thừa Đức (Bình Đại), cách đây vài chục cây số. Bà ví von, có con gái không dám gả về xứ đó, mỗi ngày con mình gánh chừng trăm đôi nước để tưới khoai có nước chết đen nên dứt khoát không gả. Không ngờ, mấy năm nay, người dân đào được mạch nước ngầm có nước ngọt tưới bằng máy, ngon lành. Còn ở đây, mặn ngày càng đắng, khiến con người trở nên “cằn cỗi”.

Ngồi trò chuyện, bà nghĩ về tương lai sẽ không biết ra sao. “Sắp tới, trời không mưa thì không biết tiền đâu mà mua nước. Cả tháng nay vợ chồng tôi chắt chiu từng giọt nước, đến nỗi cả hai đều phải tắm nước sông mặn chát. Sau đó, lên nhà dội ­vài ca nước ngọt cho đỡ ngứa. Còn con cái học hành tới đâu hay đến đó chứ không dám mơ sẽ lo cho con thành tài”.

Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Ngọc đã mua hơn chục xe bồn chở nước. Trước Tết, giá chỉ 100.000 đồng/xe 2m3, nhưng nay tăng lên 180.000 đồng.  Bà nhẩm tính mà buồn lòng, bán bánh mì cả ngày lời chưa đầy 100.000 đồng, chỉ cần mua một xe nước là mất toi hai ngày công vất vả, trong khi gia đình xài chưa đầy tuần là hết.

Cách nhà bà Ngọc một đoạn là gia đình ông Nguyễn Văn Thể, hoàn cảnh còn bi đát hơn khi có hai vợ chồng già, sống chủ yếu nhờ chiếc ghe cũ kỹ chưa đầy tấn làm phương tiện sang sông (huyện Gò Công, Tiền Giang) chặt củi thuê. Bà Nguyễn Thị Oanh, vợ ông Thế kể, cách nay vài hôm, vào nửa đêm, chiếc ghe đậu ở mé sông bị sóng đánh đập vào gốc cây thủng lỗ to bằng miệng chén. Đêm đó, vợ chồng bà thức trắng vá lại để hôm sau có phương tiện kiếm cơm. “Năm nào đến mùa này cũng khổ vì vừa phải chạy gạo hằng ngày, vừa lo nước sinh hoạt. Tôi sống ở đây gần cả đời người, giờ chẳng lẽ bỏ xứ, mà có đi cũng không biết đi đâu và làm gì”, bà Oanh ngậm ngùi nói.

Khát nước nên người dân nơi đây cũng nghĩ ra đủ cách để tận dụng. Bà Oanh cho biết, sau khi lấy nước rửa rau xong rồi tiếp tục sử dụng rửa chén, sau đó mới tưới cây. Còn giặt đồ thì trước đây xả 3 lần nước lạnh, giờ còn 2, xen kẽ 1 lần xả nước mặn cho đỡ hao. Dùng tiết kiệm như vậy nhưng mỗi tháng gia đình bà tốn gần 500.000 đồng tiền nước. Trước Tết, con gái bà bị gãy chân, được người dân cho bao gạo vài chục ký. Nào ngờ, đến khuya nước sông tràn vào nhà ngập hết. Con gái chân đau không kéo lên chỗ khô nổi. Hôm sau, phải đem ra phơi để ăn nhưng gạo ngấm nước, ăn vẫn còn vị mặn.

Ông Phan Văn Út, cũng ở ấp 1, chỉ tay về dãy lu 6 cái trước nhà để trữ nước mưa, nay trơ đáy, nói: “Tôi gọi điện kêu mấy ngày mà đến giờ xe chưa chở tới, trong khi giá đắt đỏ chứ có rẻ đâu. Ở đây xa nên khi nào họ chở xong những chỗ gần rồi mới tới lượt mình, đành chịu”. Ông Út có 0,5ha ao nuôi tôm nhưng ông đang chần chừ chưa dám thả tôm vì tình trạng mặn và nắng gắt ngày càng nghiêm trọng. Ông cho biết, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, ngoài việc mặn xâm nhập sớm thì gió bấc thổi về làm trời lạnh, tôm không ăn hoặc nắng nóng khiến tôm dễ chết.

“Bây giờ làm ăn khó khăn, nuôi tôm thua lỗ. Trong khi đi biển cá ít, cả chủ và người làm công đều không có ăn. Dân nghèo giờ không biết làm gì để sống”, ông Út đứng giữa trời rầu rĩ nói.

Quanh nhà ông Út có trồng mấy chục gốc mãng cầu, ổi được vài năm cũng đang chết khô. Ông cầm trái mãng cầu non khô queo trên tay nói như khóc: “Con người thiếu nước một ngày còn chịu không nổi huống chi cây cối quanh năm thiếu nước lấy gì sống. Cây đang cho trái đành chết nghẹn”.

Vét nước ngọt lúc nửa đêm

Ở Bình Đại, ngoài những người có điều kiện gọi điện kêu xe nước chở tới nhà, còn với người nghèo thì lấy nước ở giếng chùa. Chị Nguyễn Thị Lan dắt chiếc xe đạp cũ kỹ chở đứa con trai hơn 1 tuổi ngồi trên bội phía trước, đeo sau là 2 can nhựa loại 20 lít chở đầy nước, ỳ ạch hơn hai cây số trên con đường lồi lõm để mang về nhà. Đến nơi, chị mệt lả người, mồ hôi ướt áo. Chị nói: “Nhà nghèo không có tiền mua nổi cái bồn chứa nước, lấy đâu mua nước xe nên ngày nào tôi cũng đạp xe ra chùa chở nước về sinh hoạt”. Gia đình chị không có ruộng đất, ở nhà chỉ có chị và con trai. Còn chồng đi làm thuê ở Gò Công vài tháng mới về một lần. “Mỗi ngày con tắm rửa, vệ sinh hơn chục lần. Tôi chạy còng lưng không đủ nước để phục vụ cho con”, chị Lan than thở.

Ở giếng nước tại Thánh thất Cao Đài Bình Thới, ông Nguyễn Văn Hoàng sống bằng nghề xe ôm vừa chở hai can nước 40 lít về nhà lúc 4 giờ sáng rồi quay ra chợ chở khách. Ông nói: “Giếng sâu hơn 3m nhưng nước chảy rỉ rả nên tôi tranh thủ thức sớm để lấy mới còn, đi trễ là không còn giọt nào”.

Theo quan sát của phóng viên, chạy một vòng quanh 4 - 5 giếng nước ở các chùa khu vực Bình Đại, hầu như giếng nào cũng cạn trơ đáy. Phó cai quản Thánh thất Cao Đài Bình Thới, bà Trần Thị Hảo cho biết, giếng nước ở đây phục vụ miễn phí cho người dân đã mấy chục năm nhưng chưa năm nào kiệt như năm nay. Theo bà, mọi năm đến cuối tháng hai âm lịch giếng mới cạn nhưng giờ đã trơ đáy. “Nhiều người tranh thủ nửa đêm đến vét lấy nước, có người ở xa hơn chục cây số cũng đạp xe tới chở, đến sáng hầu như không còn nước để lấy”, bà Hảo nói.

Những ngày này, chúng tôi bắt gặp nhiều xe chở nước chạy khắp các con đường ở huyện Bình Đại từ trung tâm đến các con hẻm sâu phục vụ cho dân suốt ngày đêm. Cặp hai bên lộ cây cối xơ xác, vàng úa. Chủ xe bồn Lê Văn Sang, đang ngồi chờ nước chảy vào bồn để chở giao cho khách, nói: “Tôi thức từ 4 giờ sáng để bơm nước vào xe bồn, chạy đến chiều tối được 10 chuyến, mỗi xe giá 70.000 - 150.000 đồng, tùy gần xa. Khách hàng gọi điện liên tục nhưng không dám nhận mà phải hẹn vì quá tải”.

Ông Sang có giếng nhà cung cấp cho người dân gần chục năm. Ông cho biết, năm trước bơm hơn 30 phút là đầy xe 2m3, còn giờ mất hơn 1 giờ vẫn chưa đầy. Gia đình ông có 4 hồ, mỗi hồ chứa 3m3 nước nhưng không đủ cung cấp nên năm nay ông xây thêm 2 hồ có thể tích tương tự và 2 mô - tơ để kéo nước ngầm về. “Đỉnh điểm thiếu nước là vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Năm nay mới qua Tết nửa tháng mà nguồn nước giếng đã kiệt”, ông Sang nói.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang trong đỉnh điểm cơn khát, nước ngọt đang dần trở thành xa xỉ nhưng lời giải cho bài toán này cho đến nay vẫn còn rất gian nan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre  Cao Văn Trọng, cho biết, nước mặn với độ mặn 1 g/lít đã bao trùm toàn bộ 155/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh; chỉ còn một vài xã ở phía Bắc nước mặn chưa bao trùm.

Độ mặn tại các cống lớn nội đồng đo được 2,5 - 5 g/lít; những điểm lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt cũng từ 1,1 -6,6 g/lít. Từ tháng 1 đến nay, Bến Tre phải cấp nước nhiễm mặn trên 1 g/lít cho sinh hoạt của người dân.

Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân,  Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm nước ở huyện Châu Thành với công suất một ngày đêm 30.000m3. Dự kiến, có thể lấy nước thô trong tháng 3, hòa vào các nguồn nước khác để đảm bảo nước sinh hoạt cung cấp cho dân với độ mặn trên dưới 1g/lít.

    Thái Đào - Hòa Hội

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập518
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại845,745
  • Tổng lượt truy cập93,223,409
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây