Cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2014, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Lương Ninh đã đầu tư trên 35 tỷ đồng xây dựng, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng... được tu sửa, làm mới, với nguồn vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng; xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới với nguồn vốn trên 13 tỷ đồng. Các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa, sân bãi phục vụ thể thao, hệ thống truyền thanh, nghĩa trang liệt sỹ, địa đạo Văn La... cũng được xây dựng mới, tôn tạo, sửa chữa, với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đồng chí Lê Thế Triển, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh cho biết “Để xây dựng thành công xã điểm về nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Lương Ninh đã vận động nhân dân thực hiện lần lượt 19 tiêu chí, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Nhân dân đồng thuận việc hiến đất, hiến tài sản phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có trên 110 hộ dân hiến 2.380m2 đất, chặt bỏ nhiều cây cối, phá dỡ tường rào, cổng nhà... nhờ đó, các tuyến đường giao thông nông thôn nhanh chóng được hoàn thành. Trong hành trình cán đích nông thôn mới, toàn xã đã huy động trên 79 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 23,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 55,6 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn”. Sau một năm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương Ninh tiếp tục bắt tay vào củng cố hoàn thiện, nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới như: tiếp tục xây dựng đình làng Văn La, làm mới và chỉnh trang 12 tuyến đường giao thông nông thôn dài trên 2.000m, 1.700m đường giao thông nội đồng, tôn tạo các di tích lịch sử, sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng... với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Lương Ninh đã mang đến luồng sinh khí mới, diện mạo mới, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi được hỏi về những đổi thay sau 5 năm xây dựng nông thôn của địa phương, không giấu được cảm xúc vui mừng, anh Nguyễn Văn Lới ở thôn Văn La bộc bạch: “Nhờ xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội như điện, đường, trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư kiên cố. Đồng ruộng được dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho người dân đầu tư thâm canh sản xuất, góp phần tăng năng suất sản lượng cây trồng vật nuôi, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”. Phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, đồng chí Lê Văn Tam, Bí thư Đảng ủy xã Lương Ninh chia sẻ: “Đạt được những kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong xã. Trước tiên phải khẳng định, các khâu chỉ đạo, kế hoạch triển khai được thực hiện khá bài bản, nghiêm túc. Đảng bộ xã ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và cán bộ, công chức xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, vai trò của cộng đồng từ khâu quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Phát huy dân chủ, bàn bạc trong nhân dân, lựa chọn các hạng mục ưu tiên để đầu tư, không dàn trải; đồng thời tạo điều kiện cho Mặt trận, các đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia giám sát”... Cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xã Lương Ninh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, vì vậy cơ cấu kinh tế tăng trưởng, chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; giá trị thương mại, dịch vụ chiếm hơn 51%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, ngành nghề chiếm 27,5%; sản lượng lương thực đạt hơn 2.000 tấn/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới ở Lương Ninh đã góp phần đưa làng quê nơi đây có một diện mạo mới, thay đổi từ những con đường, ngõ xóm, nhà cửa khang trang, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng lên và Lương Ninh hôm nay đang dần khẳng định vị thế một xã điểm nông thôn mới của huyện Quảng Ninh. Đón xuân mới 2016, Đảng bộ, chính quyền nhân dân Lương Ninh phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, quyết tâm chung sức, đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp. Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân đầy niềm tin và hy vọng đối với người dân xã Lương Ninh, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho sự phát triển, sự chuyển mình của địa phương. Theo Báo Quảng Bình |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã