Học tập đạo đức HCM

Mùa xuân từ những cánh đồng

Thứ hai - 12/02/2018 10:38
Một năm thắng lợi của đất nước ta với việc lần đầu tiên hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Một năm thắng lợi của ngành Nông nghiệp nước nhà với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD. Nhiều nông sản đến được các thị trường khó tính nhất...

Con tôm, con cá tra Việt Nam không chỉ "vẫy vùng" trên nhiều thị trường cũ, mà còn tiếp cận nhiều thị trường mới với nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng, như collagen, gelatin, dầu ăn… Câu chuyện sản xuất nông sản an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tinh thần hợp tác, liên kết đã lan tỏa khắp các vùng miền của đất nước hình chữ S.

14-59-15_nh-1-ong-le-minh-hon-bi-thu-tinh-uy-dong-thp
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ)

Câu chuyện "dồn điền, đổi thửa", câu chuyện mở rộng hạn điền để tích tụ đất đai được luận bàn từ trong nghị trường, trong nhiều diễn đàn cho đến tận ruộng đồng. Thông điệp chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và giảm diện tích trồng lúa đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Như vậy, từ Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp triển khai được hơn 3 năm qua sẽ định hình rõ hướng đi và cách làm. Từ tư duy "sản xuất" sang tư duy "kinh tế" trong nông nghiệp là cả một hành trình, và như là một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp. Hành trình đó, cuộc cách mạng đó chắc chắn là không đơn giản vì cái cũ đã và đang bám víu người nông dân và cả hệ thống chúng ta lâu quá rồi. Cái cũ đó chính là chạy theo sản lượng mà không chú ý đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cái cũ đó chính là chi phí sản xuất cao do sử dụng và lạm dụng vật tư đầu vào. Cái cũ đó là sản xuất mà theo quy luật cung - cầu của thị trường.

 

Vì sao chúng ta đã thành công trong xuất khẩu nông sản, nhưng ở chiều ngược lại, làn sóng nông sản ngoại đang tràn vào và nằm chễm chệ trên các kệ hàng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trái cây? Phải chăng, một bộ phận người tiêu dùng đang mất niềm tin vào chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm do chính người nông dân của chúng ta làm ra? Phải chăng, ở nước ngoài người ta sản xuất với chi phí rất thấp, nên cộng với chi phí vận chuyển đường xa vài ngàn cây số mà vẫn cạnh tranh ở thế thượng phong về giá với nông sản nội?

"Lời nguyền" về chi phí cao, chất lượng kém chỉ vượt qua được một khi kinh tế hợp tác phát triển và hoạt động đúng triết lý "mua chung, sản xuất chung một quy trình, bán chung". Nhìn lại hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã tuy chất lượng có được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, cần nhiều hơn nữa những cơ chế, chính sách hỗ trợ vừa đúng, vừa trúng. Theo Luật 2012, hợp tác xã hoạt động có phần giống như một doanh nghiệp. Như vậy, lãnh đạo hợp tác xã hoạt động như những doanh nhân. Mà doanh nhân thì phải hội đủ yếu tố: kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và bản lĩnh.

Trong khi đó, theo một khảo sát của bộ phận tư vấn hợp tác xã của Trường Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 ở 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, có đến 68% thành viên hội đồng quản trị hợp tác xã trên 55 tuổi, sức khỏe hạn chế, 75% lãnh đạo hợp tác xã có trình độ học vấn dưới cấp 3.

Một bác cao tuổi đang tham gia lãnh đạo một hợp tác xã trần tình: "Tụi tui chỉ là tạm thôi. Phải làm sao có được những thế hệ mới có học thức hơn, khỏe khoắn hơn, trẻ trung hơn. Có như vậy mới đủ sức gánh vác sứ mạng làm cho hợp tác xã mạnh hơn, giúp cho hàng chục triệu nông dân bước vào nền nông nghiệp tiên tiến"! Đúng quá! Chuẩn quá! Kinh tế hợp tác hoạt động thực chất và hiệu quả là một cứu cánh trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp. Muốn vượt qua "lời nguyền" chi phí cao, chất lượng kém, cần phải có hợp tác xã. Muốn VietGAP, GlobalGAP thành công cũng phải có hợp tác xã. Muốn đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp cũng lại là hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ chắp cánh cho kinh tế hộ. Hợp tác xã là cầu nối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp nông nghiệp.

14-59-15_nh-2-dong-thp-l-mot-trongnhung-di-phuong-thuc-hien-tcnn-tot-nht-trong-c-nuoc
Đồng Tháp là một những địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong 3 năm qua đem lại kết quả tốt nhất trong cả nước (Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ)

Nông nghiệp xứ mình đang trên đường thay đổi. Thành tựu nâng dần qua từng năm. Tuy nhiên, thế giới đã tiến vào nền "Nông nghiệp 4.0". Sự đột phá mạnh mẽ về công nghệ đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới. Người ta đã chứng minh "những điều không thể" có thể trở thành "những điều có thể" bằng trí tuệ nhân tạo, bằng rô-bốt, công nghệ tự động hóa, công nghệ điện toán đám mây trên đồng ruộng. Làm sao hàng chục triệu nông dân Việt Nam có cơ hội được tiếp cận tri thức của nhân loại để làm giàu tri thức cho mình, từ đó, không ngừng đổi mới sáng tạo? Chúng ta không thể tự hào mãi về những thành tích trong ngắn hạn. Những con số khiêm tốn về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần được mổ xẻ dưới nhiều góc độ để có lời giải đúng cho bài toán khó, giúp nông nghiệp nước ta cất cánh.

Khi và chỉ khi hàng chục triệu nông dân Việt Nam được tri thức hóa, nông nghiệp nước nhà mới "sánh vai kịp với các cường quốc năm châu". Lúc đó, mùa Xuân sẽ thật sự về trên khắp các cánh đồng trên mảnh đất mến yêu của tất cả chúng ta.

 

LÊ MINH HOAN
(Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập392
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại858,750
  • Tổng lượt truy cập92,032,479
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây