Học tập đạo đức HCM

Mưu sinh trên đọt dừa: Nghề hiểm nguy chực chờ

Thứ năm - 15/12/2016 10:50
Dọc chặng đường xa, dừng chân bên quán cóc ven đường, hớp ngụm nước dừa có ít đá lạnh, bao nhiêu mệt nhọc bỗng chốc tan biến. Thế nhưng mấy ai biết rằng, đằng sau hương vị ngọt ngào ấy, là mùi vị mặn chát của mồ hôi, nước mắt của những con người vì cuộc sống gia đình, vì tương lai của các con mà hằng ngày họ phải vắt thân mình trên những ngọn dừa cao ngút...

Chìa bàn tay rám nắng, chai sần nắm lấy tay tôi sau gần 30 phút quần thảo trên đọt dừa, quần áo ướt đẫm mồ hôi như vừa dội nước, ông Nguyễn Văn Kha (50 tuổi) ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ: Vì kế sinh nhai thôi, chứ nguy hiểm lắm...

Hiểm nguy chực chờ

Theo lời ông Kha, thanh niên bây giờ ít ai chọn nghề này, phần đông dân trèo hái dừa bây giờ đều ở tuổi trung niên, không có nghề nghiệp ổn định, hành nghề theo kiểu mua một bán hai, kiếm tiền chạy chợ và lo chuyện học hành cho con. Nhưng cũng làm dăm bảy năm rồi cũng nghỉ, vì không đủ sức trèo lên cao... Nghề này sợ nhất là gặp rắn và ong vò vẽ, trong khi dừa non uống nước có từ tháng 3 đến tháng 9, cũng là thời điểm ong vò vẽ làm tổ nhiều. Có người vừa trèo lên đến ngọn liền bị ong vây quanh. Những lúc ấy nếu không bình tĩnh thì coi như thả tay rơi tự do.

 

muu sinh tren dot dua: nghe hiem nguy chuc cho hinh anh 1

Mỗi ngày anh Nguyễn Loan trèo hàng chục cây dừa cao 20 - 30m để hái dừa.

Như ông Nguyễn Văn Vinh ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, có lần vừa trèo lên tới ngọn dừa thì bị ong ngựa chích vào đuôi mắt, làm mặt mày tối sầm lại, đau nhức, nhưng ông vẫn gượng tuột xuống vào Trạm Y tế xã Tịnh Hòa nhờ giúp đỡ, nhưng vẫn không điều khiển xe về được, đành gọi vợ xuống chở. “Loại ong ngựa độc lắm, nó mà đốt trúng chỗ hiểm thì chỉ có chết. Tôi đã hơn 20 năm làm nghề, nhưng chưa lần nào bị đốt mờ mắt như lần đó. Sau lần đó vợ con động viên nghỉ, nhưng gia đình còn bao điều phải lo nên vẫn phải làm”, ông Vinh bộc bạch.

Trong một lần trò chuyện, anh Nguyễn Loan (48 tuổi) ở thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) biết tôi muốn tìm hiểu về nghề này nên đã cho tôi theo. Trên chiếc xe máy cũ nát, "cái gì cũng kêu, nhưng cái còi thì không", anh Loan cùng tôi rảo khắp các nẻo đường trong thôn, xóm ở xã Tịnh Khê. Giữa trưa hè nắng nóng, bỏng rát da thịt như thử thách sự nhẫn nại của lòng người, nhưng anh Loan đã vượt qua điều ấy. Anh bộc bạch: "Làm nghề này không thể chủ động thời gian được. Cứ chạy xe ngoài đường, nhìn nhà nào có dừa thì vào hỏi mua. Người dân thường có ở nhà vào buổi trưa hoặc chiều tối mà thôi".

Tại một vườn dừa, tôi đưa mắt nhìn anh Loan vắt thân mình trên ngọn dừa đong đưa trong gió, mà tôi toát mồ hôi hột. Vậy mà vừa hái xong vài chục dừa, anh Loan trèo xuống, tựa lưng bên gốc dừa, cười tươi rói: “Cây dừa này chưa ăn thua gì đâu. Có những cây cao ba, bốn chục mét, nhưng thân thì mỏng manh lắm. Mình nghĩ đến những điều may mắn thì chẳng sợ gì”.

Cũng theo lời anh Loan, hồi còn trẻ anh trèo dừa không cần có nài, chỉ cần hai bàn tay và hai bàn chân thôi. Khi lập gia đình, nhà nghèo, ruộng đất ít, nghề nghiệp không có, nên anh bám lấy nghề này để lo cho gia đình suốt mấy chục năm qua. Cứ mỗi chục dừa (ở xã Tịnh Khê chục 12 trái) hái xuống chở lên TP.Quảng Ngãi bán anh lời 4.000 - 5.000 đồng/trái. Mỗi ngày anh kiếm được bốn năm trăm nghìn đồng, hôm nào trúng mánh thì được khoảng bảy trăm nghìn. 

“Biết cái nghề này vất vả và nguy hiểm, nhưng phải chấp nhận, vì không có việc gì làm ổn định. Nhiều lần muốn giải nghệ, nhưng vài ngày lại có người kêu bỏ giùm ít trái dừa tôi lại hăm hở rong ruổi khắp nơi mua dừa”, anh Nguyễn Văn Kha, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) cho biết.

Nghề nào cũng gian khổ cả

Vì cuộc sống, tương lai của các con mà những người làm nghề hái dừa chấp nhận mọi rủi ro. Tiếp xúc với họ, tôi thật sự xót xa khi nhìn đôi bàn tay, bàn chân, thân mình chi chít những vết sẹo. Thế mới biết rằng, cái nghề này không dễ để kiếm tiền chút nào.

Theo anh Loan, những người làm nghề này không ai dạy ai cả, nghề dạy nghề mà thôi, phải trải qua ít nhất vài lần tai nạn thì... mới trưởng thành! Nhẹ thì bị ong, kiến đốt, nặng thì rắn cắn, trượt chân, ngã xuống từ độ cao 20m không mất mạng thì cũng tàn phế. Nỗi hãi hùng nhất của những người hái dừa chính là rắn, mà rắn sống trên thân dừa là loại cực độc... Ai đó dù có tinh thần thép đi chăng nữa mà gặp rắn cũng phải giật mình.

Anh Loan cho rằng, leo dừa giữa trời nắng chang chang thì cũng còn sướng, chứ khi đang leo mà gặp phải trời mưa, giông sét, thân cây trơn tuột thì mới thật là đáng sợ. Cây dừa vốn tròn, lại gặp mưa ướt thì trơn như cột mỡ nên dù cố bám rịt vào thân cũng rất dễ bị tuột chân. Nghề hái dừa xui nhất là khi bám vào bẹ mục, bẹ cây giòn thì chỉ có phi thân xuống đất.

 

 

muu sinh tren dot dua: nghe hiem nguy chuc cho hinh anh 2

Chở dừa đi bỏ mối.

Nói về những tai nạn trong nghề, giọng anh Loan đượm buồn, rồi đưa tay trái chỉ vào cánh tay phải vẫn còn khuyết tật, kể: Dù có kinh nghiệm làm nghề này hàng chục năm, nhưng cách đây 3 năm, trong một lần đang trèo hái dừa thì nắm trúng bẹ dừa giòn nên bị rơi xuống đất. Rất may cây dừa thấp nên cũng chỉ gãy cánh tay phải, chứ có người rơi như thế này thường là gãy đốt sống cổ hoặc bể xương chậu dẫn đến bại liệt nằm một chỗ.

Vụ tai nạn lần đó khiến anh Loan phải nghỉ hái dừa hơn 1 năm và gia đình động viên anh nghỉ, kiếm việc khác để làm, nhưng rồi vì đấy là cái nghiệp nên giờ đây anh vẫn bám lấy cái nghề này. Bởi lẽ anh hiểu rằng, trong chặng đường mưu sinh chân chính, thì không có nghề nào nhẹ nhàng mà lại có thể kiếm nhiều tiền được cả.

Hơn hai thập kỷ làm nghề, dù cuộc sống gia đình không mấy khấm khá, nhưng một mình anh với nghề này cũng quán xuyến lo cho vợ con có cuộc sống chu đáo. Còn anh Nguyễn Văn Kha thì tâm sự: “Biết cái nghề này vất vả và nguy hiểm, nhưng phải chấp nhận, vì không có việc gì làm ổn định. Nhiều lần muốn giải nghệ, nhưng vài ngày lại có người kêu bỏ giùm ít trái dừa tôi lại hăm hở rong ruổi khắp nơi mua dừa”.

Chia tay anh Loan, anh Kha, tôi ra về khi mặt trời đã khuất núi, nhưng cái mùi dừa thấm đẫm trong mồ hôi, nước mắt của hai anh như phảng phất trong gió chiều.

 
Theo Bá Sơn (Báo Quảng Ngãi)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập403
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay23,103
  • Tháng hiện tại201,670
  • Tổng lượt truy cập90,265,063
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây