Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp làm khâu đột phá, toàn tỉnh hiện đã thành lập mới hơn 8.000 mô hình, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 5,46%/năm; giá trị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi hiện có chủ yếu là mô hình thâm canh, loại mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa còn khiêm tốn. Đến nay, còn 7/12 nông sản chủ lực là: lúa, lạc, cam, bưởi, gỗ rừng tự nhiên, tôm và hươu chưa tổ chức được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhất là doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất còn ít, liên kết quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn; chưa phát triển đa dạng các loại hình liên kết. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại. Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên các cách làm, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, những bất cập trong chính sách để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều nhóm giải pháp liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững như: nâng cao nhận thức cho nông dân về tính tất yếu khách quan của việc liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa lớn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiến bộ kỹ thuật; đề nghị sửa đổi bổ sung một số chính sách nhằm khuyến khích liên kết phát triển sản xuất hàng hóa…
Theo Báo Hà Tĩnh