Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo số liệu thống kê, một số tỉnh, thành phố hiện có số lượng đàn bò sữa lớn như: TP Hồ Chí Minh nhiều nhất cả nước với 90.000 con, Nghệ An hơn 62.000 con, Hà Nội hơn 15.000 con, Vĩnh Phúc gần 9.000 con… Năm 2016, năng suất sữa tươi trung bình của mỗi con bò sữa đạt 4,4 tấn. Trước bối cảnh đó, ngành chăn nuôi bò sữa được đánh giá có nhiều triển vọng để phát triển. Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, sản lượng sữa tươi hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng, 60% còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. TS Sử Thanh Long, Trưởng bộ môn Ngoại sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, năng suất đàn bò sữa Việt Nam còn thấp.
TS Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, ngoài những nhà máy chế biến sữa nuôi bò tập trung, khoảng 70% đàn bò sữa hiện nay được chăn nuôi phân tán trong các khu dân cư với quy mô nhỏ do không đủ diện tích đất. Đơn cử như, xã Phù Đổng từng được xem là “thủ phủ” bò sữa của huyện Gia Lâm (Hà Nội), nhưng hiện nay nghề chăn nuôi bò sữa đang đối diện với nhiều khó khăn do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (có hộ chỉ nuôi 2 con).
Ông Vũ Văn Thực, đại diện Trạm trung chuyển thu gom sữa của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), chia sẻ: "Hiện nay, nếu các công ty chế biến sữa thu mua với mức 9.000-11.000 đồng/lít, thì người nông dân chỉ có thể “lấy công làm lãi”. Tuy nhiên, để có thể tăng được giá thành, các hộ nông dân phải có chiến lược trong chăn nuôi, tối thiểu phải từ 5 con bò trở lên, cùng với đó là sử dụng các thiết bị hiện đại như máy cắt cỏ, máy vắt sữa… nhằm đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật nghiêm ngặt và yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm...".
Thực tế trên cho thấy, chăn nuôi phân tán dẫn đến sản xuất thiếu chuyên nghiệp, sữa thu gom từ các hộ không đồng đều cả về chất lượng và số lượng. Vì vậy, giá sữa do các công ty thu mua của người chăn nuôi không ổn định. Kéo theo đó là sự liên kết giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp thu mua sữa không bền chặt. Khi không có được mối liên kết đó, người chăn nuôi bò sữa khó có điều kiện áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Muốn phát triển phải ứng dụng khoa học kỹ thuật
Hướng đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp việc quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh và nguyên liệu đầu vào, đầu ra đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao cho nghề nuôi bò sữa. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi đàn bò sữa, ví như thiết bị cảm biến theo dõi sinh sản ở bò giúp nhận biết thời gian phối giống tốt nhất trên bò cái thông qua quan sát tín hiệu cảm ứng chính xác đến 95%; hay thiết bị siêu âm cho bò… Các công nghệ mới cho phép người chăn nuôi biết rõ chất lượng sữa của đàn bò, biết được bò đã ăn đủ hay chưa, sữa bò có đủ hàm lượng đạm hay không, bò khỏe mạnh hay đang bị bệnh…
TS Lê Văn Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhận định: "Để khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, cần có chính sách động viên các hộ chăn nuôi đầu tư công nghệ, tổ chức chăn nuôi theo quy hoạch tập trung ngoài khu dân cư để có điều kiện tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật từ các chuyên gia trong ngành một cách đồng đều, nhất là việc ứng dụng các mô hình chuồng kiểm soát nhiệt, độ ẩm, công nghệ xử lý môi trường (khí sinh học, chế phẩm sinh học…)".
Đè cập đến một khía cạnh khác, TS Lê Bá Quế, Giám đốc Trung tâm Gia súc lớn Trung ương cho rằng, các cơ quan quản lý, các trung tâm nghiên cứu cần chủ động nguồn giống chất lượng cao chuyển cho các vùng có điều kiện chăn nuôi, bằng cách tập trung vào biện pháp tạo giống thông qua công nghệ gieo tinh nhân tạo và công nghệ cấy truyền phôi. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng con giống bằng các thiết bị máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tinh trùng đông lạnh tiên tiến. Bởi con giống tốt ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ tiếp theo của đàn bò, mang đến những lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt.
TRÀ MY/QĐND
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;