Vụ mùa (ảnh: Trần Thương).
Cách đây vừa tròn 85 năm (14/10/1930 - 14/10/2015), Hội nghị lần thứ nhất BCH TW Đảng, cùng với việc thông qua bản Luận cương chính trị của Đảng, đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương, thông qua Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương (tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Sát cánh, kề vai cùng với Đảng, 85 năm qua, giai cấp nông dân Việt Nam nay đã thực sự lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, để vươn tầm, hòa nhập cùng bè bạn năm châu.
Ngày ấy, Luận cương Chính trị của Đảng đã nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương (hơn 90%), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Đúng là đại đa số dân ta là nông dân. Nói đến nông dân, nhất là nông dân thời ấy, đất nước còn trong vòng nô lệ, đời sống vô cùng cực nhọc.
Hình tượng người nông dân với áo nâu, quần vải, vai cày, vai cuốc; con trâu đi trước, cái cày đi sau. Nông dân đã khổ lại càng khổ hơn khi chỉ là thân trâu ngựa làm thuê. Chiếm đến hơn 90% dân số nhưng ruộng đất của người nông dân chỉ chiếm 36%, trong khi giai cấp địa chủ phong kiến chỉ có 2%, nhưng chiếm đến 51% ruộng đất; hơn 60% nông dân ngày ấy đã ngày ngày phải đi cuốc mướn, làm thuê. Và rồi với ước mơ người cày có ruộng, cơm no, áo ấm, người nông dân đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, theo Đảng vùng lên làm cách mạng.
Từ những phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, phong trào Việt Minh, với cuốc, thuổng, gậy gộc cho đến tay cày, tay súng người nông dân theo Đảng, cùng Đảng làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bắt tay vào xây dựng đất nước, để có được đất nước hòa bình, ấm no, hạnh phúc ngày nay.
Từ ngày đất nước độc lập, nông dân người người, nhà nhà đều có ruộng. Cùng với quá trình phát triển, với các phương thức sản xuất, quản lý, người nông dân đã dần thực sự làm chủ để tìm tòi, sáng tạo trên đồng ruộng của mình. Đến nay, nông thôn đang dần dần chuyển hóa thành thành thị, nhiều cánh đồng đã thành những mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại. Người nông dân nay cũng đã khác xưa.
Không ít người dân thị thành vẫn còn mang trong đầu hình ảnh các bác nông dân trên các cánh đồng áo nâu, chân đất lội bùn, bùn vương từ đầu đến chân. Cảnh con trâu, cái cày, với những giọt mồ hôi như mưa. Hình tượng người nông dân ngày nay đã khác hoàn toàn. Đi làm bằng xe máy, lội xuống ruộng bằng ủng cao su, bao tay, điện thoại kè kè trong túi quần, túi áo.
Nhiều vùng quê đã thay con trâu cày bằng máy cày, máy bừa. Mùa đến không còn cảnh cái liềm cắt từng gốc lúa, bó lúa, gánh lúa trĩu vai ban ngày, kéo đá đến đập tuốt đến quá nửa đêm, mà phần lớn đã được cơ giới hóa. Máy gặt, máy tuốt đã ra rơm, thóc ngay từ đầu bờ.
Ngay đến việc vận chuyển thóc, hoa màu về nhà cũng có dịch vụ cơ giới. Nông dân cũng hòa nhập nhanh với cơ chế thị trường. Nhiều khi lúa, khoai, ngô, rau màu được trao đổi ngay trên khu ruộng vừa thu hoạch xong.
Không ít nông dân có nhà lầu, xe hơi, ăn trắng, mặc trơn, cũng sành điệu không kém các đại gia ở thị thành. Cũng không ít nông dân sáng tạo, tự chế ra máy gặt, máy tuốt, máy tái chế rác thải, thậm chí cả máy bay... không kém các vị có học hàm, học vị tiến sĩ, giáo sư.
Nông nghiệp, nông thôn đã và đang hiện đại hóa. Người nông dân cũng đang hòa nhập cùng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước nhà. Tuy nhiên đó đây cũng vẫn còn cảnh người nông dân không có đất sản xuất, còn cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau, cái cuốc vác vai, cùng với cảnh đói nghèo.
Ngày 4/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 và tầm nhìn 2030. Mục tiêu đến năm 2020, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn sẽ cơ bản xây dựng xong, 50% số xã nông thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.Việc sản xuất nông nghiệp yêu cầu phải đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp. Người nông dân càng phải tiếp tục vận động, đổi mới, hiện đại hóa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với việc tham gia TPP, ngành nông nghiệp, nông dân Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách đi đôi với nhiều cơ hội. Nông sản Việt Nam có cơ hội đến với nhiều thị trường quốc tế, nhưng yêu cầu cạnh tranh đang là vấn đề đặt ra gay gắt, đặc biệt với ngành chăn nuôi. Cùng với yêu cầu chất lượng, giá thành sản phẩm là một yếu tố quan trọng, quyết định.
Theo các chuyên gia, Việt Nam phải hết sức nỗ lực, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh để giảm chi phí sản xuất...
Trong việc tái cơ cấu, Chính phủ cũng đã yêu cầu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến...với hy vọng sẽ tạo ra những bước đột phá trong ngành nông nghiệp tới đây.
Và như vậy, với người nông dân hiện đại, việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại càng trở nên quan trọng. Vấn đề đào tạo nghề, tăng cường lao động trí thức cho các vùng nông thôn, cho nông nghiệp đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Sự chuyển động của nông nghiệp yêu cầu sự chuyển động của cả hệ thống, từ các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, công ty, đến chính quyền các cấp... và nhất là đối với cá nhân người nông dân.
Ví như những khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ hình thành tới đây yêu cầu cao về năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh...không chỉ đòi hỏi đầu tư về vật chất, phương tiện hiện đại, mà cần đầu tư những nông dân...hiện đại.
Thời hiện đại, không ít các cử nhân, thạc sĩ...đã từ trường đại học, viện nghiên cứu trở về với ruộng đồng. Người nông dân cũng phải tiếp tục học hỏi, nghiên cứu. Nhiều nông dân đã trở thành trí thức, công nhân, bác sĩ thú y...
Người nông dân hiện đại không chỉ có kinh nghiệm trồng cây, nuôi vật nuôi mà phải am hiểu khoa học, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để đạt được hiệu quả cao nhất.
Với bản tính cần cù chịu khó, trí thông minh, sáng tạo, sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước, hy vọng với thời kỳ hội nhập, với cơ hội mới người nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trên con đường khẳng định mình.
Theo daidoanket
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã