Trong niềm vui kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi tới toàn thể đội ngũ những người làm báo cả nước lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc báo chí nước nhà ngày càng phát triển, đồng hành cùng công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.
Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, nhất là chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng để lãnh đạo cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã xuất bản Báo Thanh Niên, ngày 21/6/1925. Người cho rằng, muốn làm cách mạng, trước hết phải truyền bá tư tưởng cách mạng - tư tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin; phải vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng. Báo chí cách mạng là công cụ cực kỳ quan trọng để làm nhiệm vụ đó; báo chí cách mạng còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên.
90 năm qua, nền Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng, của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Các nhà báo luôn bám sát thực tiễn sinh động, xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Báo chí góp công lớn trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới; đóng góp tích cực vào việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời là cầu nối quan trọng giúp bạn đọc trong nước hiểu biết nhiều hơn về tình hình khu vực và thế giới.
Tóm lại, báo chí đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời chính trong quá trình đổi mới đất nước mà báo chí và đội ngũ những người làm báo nước ta không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có nhiều loại hình báo chí với đội ngũ những người cầm bút hùng hậu như hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 849 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, một hãng Thông tấn quốc gia.
Nếu năm 2009 mới có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay lực lượng ấy đã là 35.000 người, trong đó có gần 18.000 là nhà báo chuyên nghiệp; tỉ lệ người làm báo có trình độ đại học và trên đại học là 95,9%.
Nhìn lại chặng đường 90 năm qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp to lớn và sự phát triển, trưởng thành của Báo chí cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây là sự nghiệp vô cùng to lớn; bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản, khó khăn, thách thức cũng không nhỏ, đòi hỏi toàn xã hội phải có sự đồng tâm nhất trí cao, quyết tâm nỗ lực lớn, có niềm tin vững chắc và ý chí, nghị lực phi thường. Báo chí phải làm sao để góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang do các thế hệ những người làm báo bồi đắp suốt 90 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội , nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân.
Do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, người làm báo hiện nay có nhiều lợi thế, nhất là trong khai thác thông tin, chỉ vài phút vào Internet là có thể biết cả thế giới có việc gì đang diễn ra; do sự phát triển của các loại hình báo chí mà chúng ta có thể lựa chọn sử dụng bất kỳ một sản phẩm báo chí nào. Điều ấy trong thời kỳ kháng chiến trước đây không thể nào có được.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về quy mô, tính chất, mang nhiều tiện ích đến cho người đọc, người xem, người nghe, thì lòng tin vào báo chí cũng có mặt đang bị giảm sút đáng lo ngại. Đó là do không ít thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay thiếu trung thực, phiến diện một chiều, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật. Sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi các báo phải cạnh tranh. Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng những thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền. Muốn thế, người làm báo phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, đi sâu vào cuộc sống, lăn lộn trong thực tiễn để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình. Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội.
Những yếu kém của báo chí hiện nay, trước hết là do một bộ phận người làm báo còn non kém về chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là thiếu trách nhiệm xã hội và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, quá nhấn mạnh chức năng giải trí, chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà xem nhẹ các chức năng định hướng, giáo dục và thẩm mỹ của báo chí; thậm chí còn lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng để chiến đấu và sáng tạo nên tác phẩm báo chí, gắn kết triệu người như một, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc. Ngày nay, trong hòa bình, bên cạnh đội ngũ nhà báo chân chính, cũng có những người muốn nhân danh "nhà báo" đứng ngoài công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lợi dụng phản biện xã hội để nói lên tiếng nói lạc lõng, xa rời tôn chỉ mục đích của báo chí, thiếu trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Đó là điều không thể chấp nhận.
Những người làm báo chúng ta cần thấy hết vinh dự và trách nhiệm lớn lao của nghề làm báo - một nghề cao quý, thiêng liêng, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nhà báo. Càng đi vào phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhà báo càng phải nêu cao tính tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, chống lại thứ "văn hóa" lai căng, đồi bại, xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ, hình thành và phát triển nhân cách, lối sống, đạo đức, tâm hồn của con người Việt Nam.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: Báo chí luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển chung hiện nay. Báo chí phải là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng.
Nhân đây, cũng cần nhắc lại rằng, báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội.
Trên thế giới, dù nói ra hay không nói ra, các thế lực chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội,... đều sử dụng báo chí như những công cụ phục vụ cho lợi ích của họ. Dù có nói nhiều đến tính "khách quan", "dân chủ", "tự do", "giải trí"... của báo chí thì thực tế người ta vẫn sử dụng báo chí vào mục đích chính trị, coi đây là vũ khí lợi hại của họ.
Ta hãy xem hằng ngày báo chí của họ nói gì? Tại sao họ chỉ đưa tin này không đưa tin khác? Họ bình luận theo chiều hướng nào? Tấn công ai và bảo vệ ai? Có thật là họ không chịu sự quản lý, chi phối của ông chủ họ không?
Cho nên chúng ta không thể mơ hồ. Không mơ hồ trước hết về bản chất, chức năng của báo chí, để từ đó xác định rõ chỗ đứng, góc nhìn và cách nhìn của mình trong việc thu nhận thông tin, phân tích thông tin và công bố thông tin. Ai cũng nói là báo chí phải thông tin đúng sự thật, phải khách quan. Nhưng sự thật đó là sự thật nào? Sự thật nhìn dưới góc độ nào? Động cơ dụng ý nói ra để làm gì? Có lợi cho ai và có hại cho ai? Nói ra để xây dựng hay để phá hoại?... Đây là vấn đề mấu chốt, cực kỳ quan trọng và quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Như vậy, trách nhiệm của báo chí thật hết sức nặng nề và vẻ vang.
Các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, cơ quan chủ quản vừa phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, ngăn chặn tình trạng "thương mại hóa báo chí", vừa phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc trao đổi, định hướng thông tin, đặc biệt là đối với các sự kiện lớn, hoặc những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, để kịp thời thông tin chính xác đến các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác quản lý, nhưng cũng cần cởi mở hơn trong việc cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, tạo tiếng nói chung, sự thống nhất cao giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với báo chí; khắc phục tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đầu tư cho phát triển báo chí theo hướng hiện đại, đồng thời thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới báo chí. Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để bảo đảm báo chí hoạt động đúng hướng, hiệu quả trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về báo chí và có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa những vi phạm trong lĩnh vực này. Quản lý tốt hơn việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sa vào những thông tin, sản phẩm lệch lạc, thị hiếu tầm thường. Các cơ quan chủ quản với tư cách là người "chủ nhiệm tập thể" có trách nhiệm rất lớn trong việc lãnh đạo và quản lý báo chí.
Trong những ngày này, toàn Đảng ta đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để góp phần vào thành công của Đại hội, các cơ quan báo chí cần nắm vững nội dung Chỉ thị số 36, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về Đại hội, có kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu đậm sự kiện chính trị quan trọng này. Vừa tập trung tuyên truyền cổ vũ các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, vừa tổ chức để các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện Đại hội. Đây là kênh thông tin quan trọng, nhằm phát huy trí tuệ, tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ.
Báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta./.
Cổng TTĐT Chính phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã