Học tập đạo đức HCM

Phú Yên: Tìm giải pháp phát triển nghề câu cá ngừ đại dương bền vững

Chủ nhật - 23/03/2014 05:38
Phú Yên được biết đến như là “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác các loại hải sản này. Để giúp ngư dân phát triển nghề bền vững, nâng cao chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch, Phú Yên cần các bộ, ngành liên quan vào cuộc hỗ trợ.
Nghề khai thác hải sản chủ lực
 
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, nghề câu cá ngừ ở Phú Yên tập trung chủ yếu tại các xã, phường ven biển thuộc TP. Tuy Hòa, huyện Đông Hòa và Tuy An. Các tàu tổ chức thành từng tổ, nhóm để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác và giúp nhau khắc phục sự cố, rủi ro xảy ra trên biển, hàng trăm hộ ngư dân nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Nghề câu cá ngừ đại dương tại địa phương này được hình thành một cách tình cờ nhưng không lâu sau đó đã trở thành nghề khai thác hải sản chủ lực của tỉnh. 
 
Năm 1994, ngư dân phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) tình cờ phát hiện những đoạn dây câu từ các tàu khai thác hải sản của Nhật Bản, Đài Loan… bị trôi dạt vào vùng biển Việt Nam, trong đó, có một số con cá “bò gù” (cá ngừ đại dương) mắc câu. Chính từ những đoạn dây câu lạ này, ngư dân phường 6 đã cải tiến và làm ra những vàng câu dài hàng chục hải lý, có từ 600 đến 1.200 lưỡi câu/vàng câu. Nhờ đó, ngư dân TP. Tuy Hòa ngày càng vươn ra khơi xa, bám biển, chặn bắt đàn cá nổi có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng lớn như: cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá thu, cá ngừ sọc dưa, cá ngừ chù, ngừ ồ… di cư đại dương áp lộng. Nghề câu cá ngừ đại dương nhanh chóng được nhân rộng ra các huyện, thị ven biển và phát triển ra nhiều tỉnh khác trong khu vực. Đến nay, mặc dù ngư dân các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa có những đội tàu lớn, hiện đại để đánh bắt cá ngừ đại dương, nhưng Phú Yên vẫn là tỉnh có sản lượng khai thác loại hải sản này đứng vào hàng nhất, nhì cả nước. Nghề câu cá ngừ đại dương phát triển đã tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ, thu mua chế biến, phục vụ nghề cá của thành phố tiếp tục phát triển; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, nhất ở những vùng ven biển. Điều này không những góp phần nâng cao thu nhập và đời sống mọi mặt của nhân dân, làm thay đổi đáng kể bộ mặt các làng, xã ven biển mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 
 
 
Từ khi cá ngừ đại dương trở thành một sản phẩm xuất khẩu được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, giá trị kinh tế của nó ngày càng tăng lên. Theo đó, Nhà nước đã đầu tư và đưa vào sử dụng các bến cá phường 6, Đông Tác; xây dựng một số nhà máy chế biến hải sản trong nước và nhiều cơ sở, công ty, doanh nghiệp tổ chức thu mua cá ngừ đại dương để xuất khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên tiếp tục phát triển mạnh. Ngư dân cũng chủ động đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền để vươn khơi, bám biển, đánh bắt cá ngừ đại dương. Đội tàu thuyền khai thác xa bờ, chủ yếu là câu cá ngừ đại dương cũng không ngừng được nâng lên. Hiện Phú Yên có khoảng 7.200 chiếc tàu thuyền khai thác hải sản với tổng công suất hơn 207.850CV, trong đó có gần 700 tàu khai thác cá ngừ, chủ yếu tập trung tại TP. Tuy Hòa. Các tàu này đều được trang bị máy tời thủy lực để thu câu, số lượng 700-1.000 lưỡi câu mỗi vàng (chiều dài của dây khoảng 40-60km), tùy thuộc vào cỡ tàu lớn hay nhỏ. 
 
Hàng năm, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bền bỉ, không ngại khó khăn, ngư dân Phú Yên đã không ngừng ra khơi, bám biển khai thác, sản lượng cá ngừ đại dương (chủ yếu là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) không ngừng được nâng lên, bình quân từ 3.550 tấn đến 5.000 tấn/năm. Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân Phú Yên cũng đã khai thác 49.550 tấn hải sản các loại, trong đó có hơn 4.500 tấn cá ngừ đại dương. Sản phẩm cá ngừ đại dương tươi sống đã được các Doanh nghiệp thu mua xuất bán cho các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản…
 
Cần được hỗ trợ để phát triển
 
Tại Phú Yên, trong những năm qua, nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại hiệu quả lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển đánh bắt xa bờ, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả mà nghề câu cá ngừ đại dương đem lại, vẫn còn một số hạn chế trong khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương cần được giải quyết. Cụ thể, hiện công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân còn lạc hậu, các công đoạn sơ chế, bảo quản chưa được thực hiện đầy đủ, đầu tư phương tiện bảo quản sản phẩm thấp. Việc tiêu thụ cá ngừ đại dương còn bấp bênh, giá cả và chất lượng không ổn định; bên cạnh đó giá cả xăng dầu và vật tư hàng hóa biến động tăng đã làm cho các chủ tàu cá chưa thật sự an tâm đầu tư nâng cao công nghệ xử lý và bảo quản sau khai thác. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nước ngoài, tiêu chuẩn chất lượng và dạng sản phẩm mỗi nước yêu cầu có khác nhau, ngư dân còn phụ thuộc và các chủ thu mua về vốn và bao tiêu sản phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề cá còn hạn chế, chưa có chợ đầu mối, nhà phân loại, nhà xưởng, kho lạnh, phương tiện bốc dỡ, xử lý bảo quản cá trên bờ còn thô sơ... Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển chưa được đầu tư đúng mức, chưa kịp thời. Nhà nước chậm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Đông Tác theo quy hoạch của Chính phủ.
 
Theo UBND tỉnh Phú Yên, để nghề câu cá ngừ đại dương phát triển bền vững, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến ngư chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho ngư dân áp dụng mạnh mẽ vào khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phấm, nhất là công nghệ xử lý trong  khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương. Tỉnh sẽ phối hợp cùng các ngành các cấp hoàn thành việc đăng ký xin cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cá ngừ đại dương của Phú Yên. Các ngành chức năng của tỉnh tích cực vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lới; cải hoán tàu thuyền, nâng cao công suất máy và trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ; đồng thời tổ chức sản xuất trên biển, theo hình thức tổ đội tàu thuyền- tương trợ giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển, thành lập các đội tàu dịch vụ nghề cá trên biển thực hiện thu mua sả hải sản cung cấp nhiên liệu, nước uống và các hàng hóa khác và bảo vệ lẫn nhau, tạo điều kiện để các phương tiện tàu cá bám biển dài ngày, giảm chi phí nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác. Phú Yên cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, chợ đầu mối thủy, hải sản; cơ sở thu mua, chế biến hải sản… Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; sớm đầu tư triển khai xây dựng khu tàu thuyền tránh trú bão, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, chợ đầu mối thủy, hải sản Đông Tác. Phú Yên còn mong muốn các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác khuyến ngư, nhất là xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ và thiết bị mới, hiện đại và sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác xa bờ, nhất là việc tạo điều kiện đề ngư dân tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước…
 
 
"Theo kết quả nghiên cứu của viện nghiên cứu biển Việt Nam thì trữ lượng cá ngừ đại dương ở vùng biển nước ta khoảng 44.853 tấn/năm, khả năng khai thác khoảng 17.000 tấn, hiện nay mới khai thác 10.000 đến 16.000 tấn/năm; cá ngừ đại dương xuất hiện ngoài khơi ở vùng biển Việt Nam thay đổi theo mùa vụ. Thông thường từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, tàu cá thường tập trung khai thác ở vùng biển Đông, Đông Bắc Hoàng Sa, Bắc Trường Sa; từ tháng 4 đến tháng 11 khai thác ở vùng biển Trường Sa, miền Trung, Nam biển Đông".
 
Bài, ảnh: Minh Tuấn
 
Ảnh trên: Ngư dân Phú Yên phát triển nghề câu cá ngừ đại dương.
 
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập856
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm855
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại765,642
  • Tổng lượt truy cập93,143,306
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây