Học tập đạo đức HCM

Quảng Nam phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa

Thứ ba - 13/03/2018 20:46
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung nguồn lực thúc đẩy kinh tế, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp (DN), người dân đầu tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa - vốn là một thế mạnh và là ngành nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề khôi phục, duy trì và phát triển bền vững, nhất là mang lại thu nhập cao, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người nông dân cần có sự đồng lòng của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân ở các địa phương…
Những bước thăng trầm 

Ở miền trung, Quảng Nam là địa phương được nhiều người biết đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nổi tiếng. Theo những người cao tuổi ở địa phương, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa xứ Quảng có từ lâu đời và phát triển mạnh sau ngày quê hương giải phóng. Nghề này - lúc hưng thịnh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, mỗi khi về Điện Bàn, Duy Xuyên, rồi dừng chân trên cầu Câu Lâu hay ngược lên Đại Lộc... du khách bị cuốn hút bởi những biền dâu xanh bạt ngàn trải dọc sông Thu Bồn, Vu Gia...; được đắm mình trong tiếng thoi đưa vọng ra từ các làng dệt nổi tiếng: Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên...

Nhắc đến chuyện trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Lê Trung Cường nhớ lại: Sau giải phóng, ở huyện Duy Xuyên có đến hàng nghìn hộ dân tham gia trồng dâu nuôi tằm. Lúc đó, toàn huyện khôi phục khoảng 950 ha dâu; với các giống chủ yếu như: bầu trắng, bầu xanh, dâu cơm… được trồng trải dài trên những bãi bồi ven sông Thu Bồn. Theo thống kê, năng suất kén bình quân chừng 1.200 - 1.500 kg kén/ha; sản lượng kén tằm hằng năm đạt từ 1.300 đến 1.500 tấn. Thời vàng son, huyện có năm hợp tác xã (HTX), một công ty và hàng chục hộ dân ươm tơ, sản lượng tơ mỗi năm đạt 150 tấn. 

Trong một thời gian dài, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam đã góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân ở địa phương. Nhưng sau đó, do đầu ra của tơ sợi trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ sản xuất kén thấp so với thu nhập từ nhiều cây trồng trên cùng chân đất. Nhất là khi thực hiện giao đất nông nghiệp cho các gia đình, cá nhân theo kiểu “có đất tốt, đất xấu; có đất ở xa, ở gần”, vì thế đã làm phá vỡ liên khoảnh, liên vùng… Từ đó, diện tích dâu bị thu hẹp và nghề nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa mai một dần.

Những tưởng tiếng thoi đưa sẽ rơi vào dĩ vãng, cây dâu không còn đất sống, vậy nhưng, với quyết tâm của địa phương và các hộ dân muốn giữ nghề truyền thống cùng sự tiếp sức của DN, thời gian gần đây, tiếng thoi đưa lại vang lên ở làng dệt Mã Châu tại thị trấn Nam Phước và một số xã bên bờ sông Thu Bồn. Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Lê Trung Cường nhẩm tính, đến thời điểm này, tại huyện đã duy trì và khôi phục hơn 10 ha dâu, chủ yếu tập trung ở xã Duy Trinh và một nơi ven sông Thu Bồn. Tuy nhiên, hiện các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm, chứ không nuôi lấy kén vì giá kén thấp hơn nhiều so với giá bán tằm thực phẩm. Và do nguyên liệu kén để ươm tơ tại chỗ chưa đáp ứng đủ, cho nên lâu nay, HTX tơ lụa Mã Châu (ở thị trấn Nam Phước) phải nhập tơ từ huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) về sản xuất. Mỗi năm, HTX tơ lụa Mã Châu dệt được khoảng 100 nghìn m2 vải lụa tơ tằm; sản xuất hàng chục sản phẩm tơ lụa như: vải, áo quần, cà-vạt… để phục vụ du lịch theo đơn đặt hàng ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An… với lợi nhuận sau thuế hằng năm đạt từ 200 đến 300 triệu đồng.

Tạo liên kết chặt chẽ

Thời gian qua, ở Quảng Nam đã xuất hiện một số DN quan tâm đến việc phục dựng nghề dâu tằm, tơ lụa, trong đó Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng Làng lụa Hội An. Mới đây, dự án thí nghiệm trồng dâu, nuôi và cấy ghép tơ tằm của các DN tại xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) cũng là những việc làm rất thiết thực; góp phần tiếp sức, khôi phục nghề truyền thống dâu tằm xứ Quảng. Nhu cầu thị trường thế giới về lụa tơ tằm đang rất cao. Thế nhưng, theo nhận định của kỹ sư Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, khôi phục, duy trì và phát triển bền vững nghề này là quá trình lâu dài, cần có sự nhận thức sâu sắc, đồng bộ của cán bộ, người dân; sự đồng lòng góp sức của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước và DN. Quan trọng hơn, nghề phải đem lại thu nhập cao, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người nông dân thì mới thu hút được lao động nông thôn tham gia.

Theo kỹ sư Lê Muộn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã khuyến cáo các địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển nghề dâu tằm, tơ lụa, nhất là các địa phương có truyền thống và điều kiện về trồng dâu nuôi tằm dọc sông Vu Gia - Thu Bồn triển khai quy hoạch xây dựng vùng trồng dâu theo hướng liên vùng, liên khoảnh. Trên cơ sở đó, thực hiện tập trung đất đai, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa ở các vùng ven sông, bãi bồi, liên kết với các DN để tổ chức sản xuất hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút DN vào đầu tư, kết nối với hộ nông dân, tổ chức đại diện hộ nông dân như: HTX, tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu dâu; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi DN, HTX đầu tư trồng dâu, nuôi tằm theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020; bổ sung cơ chế hỗ trợ DN, tổ chức đại diện nông dân và nông dân trồng dâu, nuôi tằm theo Quyết định số 41/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành quy định nội dung ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, giai đoạn 2014-2020; xây dựng cơ chế hỗ trợ người nông dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm.

Mặt khác, các địa phương cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với người dân trong phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm thông qua mô hình liên kết: DN ký hợp đồng trực tiếp với người dân hoặc DN ký hợp đồng với HTX; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm, ổn định sản xuất, xây dựng. Khuyến khích, vận động người trồng dâu, nuôi tằm xây dựng các HTX, tổ hợp tác để liên kết, hợp tác với các DN. Xây dựng các mô hình hợp tác đa dạng, cùng góp vốn, góp công, góp đất... trên tinh thần cùng có lợi và cùng chia sẻ rủi ro giữa người sản xuất và đối tác. Có cơ chế hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi cho các HTX có đủ năng lực, kinh nghiệm trong quản lý, gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, tổ chức liên kết, hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị, từ trồng dâu - nuôi tằm - dịch vụ trứng giống tằm và vật tư chuyên dụng, thu mua sản phẩm, ươm tơ, dệt lụa và sản phẩm sau lụa. Nghiên cứu, tuyển chọn giống tằm nuôi thích hợp với điều kiện địa phương, hoàn thiện quy trình nuôi tằm tiên tiến, nhằm tăng năng suất kén; quy trình trồng thâm canh dâu lai để tăng năng suất và chất lượng lá dâu... 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, để vực dậy nghề dâu tằm, UBND tỉnh cần sớm triển khai công tác quy hoạch vùng trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2017-2022, xây dựng điểm một số vùng tích tụ ruộng đất để trồng dâu, nuôi tằm. Có kế hoạch bố trí ngân sách hằng năm để hỗ trợ giống dâu, công tác khuyến nông, xây dựng nhà tằm con, xây dựng mô hình, tham quan học tập, hỗ trợ sau đầu tư cho các hộ phát triển loại hình kinh tế trang trại, HTX, tổ hợp tác, DN tiêu thụ sản phẩm. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh, sản xuất các mặt hàng tơ lụa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là tín hiệu rất khả quan cho nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở địa phương. Để đón lấy cơ hội này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, khuyến khích; sớm đưa ra những giải pháp lâu dài để phục hồi nghề truyền thống dâu tằm. Điều đáng lưu ý, trong quá trình khôi phục cần chấm dứt lối làm ăn riêng lẻ, hình thành chuỗi giá trị tơ lụa. Các cấp chính quyền cùng nhân dân, DN liên kết thành chuỗi giá trị để phát triển; phải đặt DN làm trung tâm của chuỗi giá trị này.

Theo Nhân Dân

 Tags: phát triển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập122
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại1,015,758
  • Tổng lượt truy cập92,189,487
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây