Học tập đạo đức HCM

Sự thực về thực phẩm biến đổi gen

Thứ bảy - 27/05/2017 10:12
Ngày nay, ngày càng có nhiều thực phẩm biến đổi gen có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự hiểu rõ thực phẩm biến đổi gen là gì, chúng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ những vấn đề trên.

Thực phẩm GMO (biến đổi gen) thực chất là gì?

Trong thiên nhiên, vẫn xảy ra những sự kiện biến đổi gen nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa, nhưng những sự biến đổi trong thiên nhiên rất chậm, diễn ra trong hàng nghìn năm hoặc lâu hơn. Do thực tế dân số tăng lên mà lương thực thì có nguy cơ thiếu do đó nhân loại muốn có những giống cây trồng vật nuôi có một đặc tính ưu việt nào đó có khả năng chịu hạn tốt, những cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh cao nhằm làm tăng năng suất mùa màng, từ đó thúc đẩy nghiên cứu chế tạo ra loại thực phẩm này, người ta còn sử dụng thực phẩm chuyển gen nhằm tạo ra những thực phẩm có một đặc tính dinh dưỡng ưu việt nào đó. Hoặc cũng có khi là nhằm tổng hợp ra các chế phẩm sinh học hay các thuốc dùng trong điều trị bệnh

Thuật ngữ thực phẩm biến đổi gen ban đầu dùng để chỉ những loại cây trồng dành cho con người hoặc gia súc được tạo ra nhờ công nghệ sinh học để cho những phẩm chất mong muốn như tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất. Việc nâng cao chất lượng giống cây trồng thường được thực hiện nhờ phương pháp nhân giống, song phương pháp này tốn nhiều thời gian lại cho kết quả không chính xác.

Thực phẩm biến đỏi gen

Biến đổi gen là một thành tựu của nền khoa học thế giới từ đầu những năm 1980, chứ không phải là mới xuất hiện gần đây.  Kỹ thuật biến đổi gen có thể tạo ra giống cây trồng như mong muốn, tốn ít thời gian và có độ chính xác cao.

Trong kỹ thuật biến đổi này, người ta có thể thêm hoặc bỏ bớt gen. Nếu thêm gen vào một sinh vật nào đó, người ta thường chọn gen từ loài khác. Để làm được việc đó người ta có thể gắn gen ngoại lai vào một virus rồi đưa vào tế bào vật chủ, hoặc đưa ADN ngoại lai vào nhân của tế bào bằng ống tiêm. Một số chủng vi khuẩn cũng có thể chuyển gen vào tế bào và giới khoa học đã tận dụng chúng để tạo ra GMC (cây trồng biến đổi gen)

Về mặt nguyên tắc, người ta chỉ làm các biến đổi gen mang tính có lợi. Nghĩa là chỉ tiến hành biến đổi ở những gen không liên quan gì đến thành phần giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, hoặc nếu có thì sẽ làm động tác theo hướng tăng cường hàm lượng mà không làm thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Do đó, giá trị dinh dưỡng của thành phẩm không hề bị suy giảm cho nên bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng thì thực phẩm biến đổi gen còn cho chúng ta những vụ mùa bội thu, những vụ mùa tồn tại ngay cả ở trong điều kiện sâu bệnh và khí hậu khắc nghiệt

Cho đến nay, đã có nhiều nước ứng dụng công nghệ biến đổi gen vào cho cây trồng, đặc biệt là Mỹ, Trung quốc, Ấn độ…. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến năm 2010 Mỹ có khoảng 66,8 triệu hecta trồng GMO, chiếm 16,56% diện tích đất nông nghiệp. Các loại cây trồng chính là đậu nành, bắp, bông, cải dầu, bí, đu đủ, cỏ linh lăng và củ cải đường. Hiệp hội các nhà sản xuất hàng tạp hóa Mỹ (GMA) ước tính 70-75% thực phẩm chế biến tại Mỹ chứa nguyên liệu biến đổi gen. Châu Âu không trồng nhiều GMO với ngoại lệ là Tây Ban Nha có 25% sản lượng bắp biến đổi gen.

Sau 14 năm trồng trọt và tiêu thụ GMO, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện những tác động nguy hại của GMO. Dù vậy, nhiều tổ chức phi chính phủ như Hòa bình xanh, Dự án không GMO hay Hiệp hội Người tiêu dùng hữu cơ (OCA), Những người bạn của Trái đất (FoE)... cho rằng giới khoa học vẫn chưa nghiên cứu và xác định rõ các nguy cơ của GMO.

Thực phẩm biến đổi gen chủ yếu là những loại nào? (Thịt, rau củ, hoa quả...?)

Diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên hơn 175 triệu ha trong năm 2013. Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) vào tháng 2 năm 2014 năm 2013 đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 nước trồng cây biến đổi gen, tăng 5 triệu ha, tương đương 3% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen. Năm 2013 cũng đánh dấu việc đưa vào canh tác đại trà lần đầu tiên đối với ngô chịu hạn tại Hoa Kỳ.

Cây thuốc lá biến đổi gen là GMC đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Các nhà khoa học gây biến đổi gene ở cây thuốc lá để chúng kháng thuốc diệt cỏ, rồi trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986. Một thập kỷ sau đó cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà với mục đích thương mại.

Ngày nay, các thực phẩm biến đổi gen phổ biến nhất là các loại cây trồng thực vật, ví dụ như đậu nành, khoai tây, củ cải đỏ, củ sắn, đu đủ, ngô, khoai tây, cà chua, bí đỏ hoặc một số loại thực vật khác.

Các cây trồng này được biến đổi gen nhằm mục đích chủ yếu là để cải thiện năng suất, tăng sức đề kháng với sâu bệnh hoặc tăng khả năng chịu đựng với các loại thuốc diệt cỏ.  Ngoài ra, các loại cây trồng được biến đổi gen có thể nhằm mục đích để thu được màu sắc cây trồng đẹp hơn, vòng đời lâu hơn hoặc để tạo ra những thực vật không hạt như dưa dấu và nho.

Một số loại thực vật biến đổi gen cũng chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn như protein, canxi và folate.

Các loại rau củ quả biến đổi gen có gây hại cho người sử dụng không?

Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại thực phẩm từ thực vật biến đổi gen cần phải đáp ứng quy định an toàn như các loại thực phẩm không biến đổi gen.

Những loại sinh vật biến đổi gen khác nhau sẽ bao gồm các loại gen khác nhau và được đưa vào bằng nhiều cách khác nhau. Điều này có nghĩa là, để đánh giá mức độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen cần được đánh giá đối với từng loài cụ thể và không thể đưa ra được một khẳng định chung về tất cả các loại thực phẩm biến đổi gen có an toàn hay không.

Có khoảng 600 nghiên cứu tập trung vào thực phẩm biến đổi gen, xem xét đến calo, đạm, chất béo và vitamin. Phần lớn các nghiên cứu được tài trợ bởi ngành công nghiệp thực phẩm cho thấy thực phẩm biến đổi gen có giá trị dinh dưỡng bằng với thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên các nghiên cứu đó gần như không đề cập đến tính an toàn cho sức khỏe con người.

Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Những hậu quả về mặt sức khỏe khi ăn các loại động vật đã trải qua biến đổi gen vẫn còn là một bí ẩn lớn. Trên thế giới cũng chia ra các luồng quan điểm khác nhau. Theo WHO, những thực phẩm biến đổi gen trên thị trường quốc tế hiện nay phải trải qua giai đoạn đánh giá an toàn rất nghiêm ngặt và thường sẽ không gây ra nguy cơ gì với sức khỏe con người. Tại các quốc gia chấp nhận sử dụng thực phẩm biến đổi gen, cũng chưa quan sát được ảnh hưởng nào lên sức khỏe con người do tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen cả. Tuy nhiên nhóm không ủng hộ thực phẩm biến đổi gen đưa ra các quan điểm rằng sử dụng thực phẩm GMO lâu dài sẽ gây dị ứng, kháng kháng sinh, thậm chí gây ung thư.

Dị ứng: Theo Trung tâm thống kê y tế quốc gia Hoa Kỳ, tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ em dưới 18 tuổi đã tăng từ 3,4% vào năm 1997 – 1999 lên tới 5,1% vào năm 2009-2011.

Chưa có những bằng chứng khoa học cụ thể đề cập rằng tình trạng dị ứng thực phẩm có liên quan tới thực phẩm biến đổi gen, tuy nhiên cần thêm những nghiên cứu để làm sáng tỏ mối quan hệ trên. Theo đánh giá của FAO và WHO về khả năng gây dị ứng của các loại thực phẩm biến đổi gen trên thị trường thì hiện nay, chưa tìm thấy một phản ứng dị ứng nào có liên quan đến thực phẩm biến đổi gen.

Kháng kháng sinh: Do các loại gen kháng kháng sinh được sử dụng để đưa vào các giống ngô và đậu nành (nhằm mục đích nông nghiệp) nên có những mối lo ngại rằng đây có thể liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh trên người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu xác nhận điều này.

Ung thư và những mối quan ngại khác: Vào năm 2013, tạp chí Food and Chemical Toxicology đã rút lại một bài báo với nội dung rằng ngô biến đổi gen và thuốc diệt cỏ Roundup là nguyên nhân gây ung thư và chết non trên mô hình chuột, và cho rằng kết quả của bài báo là chưa thuyết phục. Tổng biên tập của tạp chí cũng nói rằng nghiên cứu này sử dụng quá ít chuột thí nghiệm và giống chuột được sử dụng này lại rất nhạy cảm với bệnh ung thư.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Cục quản lý Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA)... đã thiết lập ra các hệ thống quy chuẩn để đánh giá và quản lý an toàn của thực phẩm biến đổi gen. Mọi thực phẩm biến đổi gen đều phải được chứng nhận không có nguy cơ về sức khỏe với con người dựa trên Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) thiết lập bởi WHO mới được đưa ra thương mại hóa.

An toàn của cây trồng biến đổi gen đã được khẳng định bởi nhiều tổ chức khác bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội độc chất học, Viện Khoa học sự sống Quốc tế, Viện Khoa học hàn lâm Hoa Kỳ, Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh, Tổ chức Y tế thế giới, Viện Công nghệ thực phẩm, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và Ủy ban Liên minh châu Âu.

Kể từ khi cây trồng biến đổi được thương mại lần đầu tiên vào năm 1996 (1996-2012), các cơ quan quản lý thuộc 59 quốc gia đã tiến hành đánh giá khoa học mở rộng và khẳng định sự an toàn của cây trồng GM với 2.497 phê duyệt đối với 319 tính trạng biến đổi gen khác nhau trên 25 đối tượng cây trồng.

Các rau củ quả biến đổi gen do kết hợp với gen động vật, thì có còn được xem là thực phẩm chay nữa hay không? Có tác động gì tới người sử dụng?

Hiện nay, đã có một số thử nghiệm về việc biến đổi gen của rau củ quả do kết hợp với gen động vật. Ví dụ, cà chua được cấy gen chống đông lạnh từ cá hồi sẽ có khả năng chống chịu với nhiệt độ thấp tốt hơn. Ngoài ra, cũng  có rất nhiều thử nghiệm tương tự khác, ví dụ như lúa mì được cấy ghép gen của gà hay đậu nành được cấy ghép gen của chuột…Tất cả đều nhằm mục đích nông nghiệp.

Về bản chất, những loại thực phẩm này vẫn là thực vật. Còn việc có coi những thực phẩm này có phải là thực phẩm chay hay không sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân. Bởi có rất nhiều lý do khiến một người chọn chế độ ăn chay, đa phần là các lý do cá nhân: họ muốn có một chế độ ăn tốt cho sức khỏe hơn, lý do về tôn giáo, về môi trường, về quyền động vật…

Cũng có nhiều trường phái ăn chay khác nhau, có những người sẽ hoàn toàn không tiêu thụ thịt, cá và các sản phẩm liên quan đến động vật (ví dụ như trứng, sữa và mật ong), nhưng có những người ăn chay vẫn tiêu thụ trứng, sữa, mật ong và thậm chí là cả cá. Do vậy, không có một định nghĩa chính xác nào về ăn chay cả. Chỉ cần những người ăn chay cảm thấy thoải mái về thực phẩm mà họ tiêu thụ và những thực phẩm đó phù hợp với niềm tin, tín ngưỡng của họ, thì những người ăn chay cũng vẫn có thể tiêu thụ các loại rau củ quả có chứa gen của động vật, và coi đó như các loại rau củ quả thông thường.

Về tính an toàn, vì những loại rau củ quả này cũng là thực phẩm biến đổi gen, nên vẫn chưa thể đưa ra kết luận về tính an toàn được. Cần phải tiến hành nghiên cứu trên từng loại rau củ quả cụ thể, với từng loại gen cụ thể trong thời gian dài mới có thể đưa ra kết luận về việc liệu một loại cây trồng biến đổi gen có an toàn hay không.

Cách thức sử dụng GMO để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng? Những lưu ý cần có khi chế biến và sử dụng các thực phẩm GMO?

Hiện nay, Việt Nam cũng đang thực hiện theo quy định quốc tế, tức là nếu sản phẩm nào có quá 5% thành phần là từ nguyên liệu biến đổi gen, thì phải dán nhãn thực phẩm biến đổi gen. Việc dán nhãn giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có biến đổi gen, chứ không liên quan đến vấn đề an toàn hay không. Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn việc có sử dụng thực phẩm biến đổi gen hay không. Còn về mặt an toàn, như đã nói, vẫn chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận rằng, thực phẩm biến đổi gen có an toàn với sức khỏe con người hay không. Quyết định có sử dụng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu dùng. Không nên quá lo lắng về thực phẩm biến đổi gen, bởi mặc dù chúng không tự nhiên, nhưng không phải cái gì tự nhiên cũng tốt và cũng không phải cái gì trái tự nhiên cũng không tốt.

Tuy nhiên, nếu đã quyết định sử dụng, cũng cần đảm bảo các quy định an toàn về chế biến, đun nấu thực phẩm biến đổi gen như những thực phẩm thông thường:

  • Chọn những thực phẩm biến đổi gen có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng…
  • Khi chế biến, không để lẫn thực phẩm sống và chín
  • Sử dụng nước sạch để sơ chế, chế biến thực phẩm
  • Luôn giữ tay sạch sẽ trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm
  • Nấu chín kỹ những loại thực phẩm này
  • Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín
  • Thức ăn đã nấu chín nếu không ăn hết cần được bảo quản cẩn thận, tránh sự xâm nhập của các loài côn trùng, gặm nhấm hoặc các loài động vật khác
  • Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu mốc hỏng, quá hạn sử dụng
  • Giữ bề mặt chế biến, bàn bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

 

Tác giả: TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay40,246
  • Tháng hiện tại1,088,902
  • Tổng lượt truy cập92,262,631
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây