Chuyển biến mạnh mẽ trong ngăn chặn chất cấm Salbutamol

 

Năm 2016, công tác ngăn chặn chất cấm Salbutamol sử dụng trong chăn nuôi được triển khai quyết liệt. Trong năm, có 11 vụ việc nghiêm trọng phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Thanh tra Bộ NN&PTNT đã trực tiếp phối hợp với địa phương tiến hành xử lý, xử phạt và tiêu hủy.TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy 2 lô heo với 83 con, tỉnh Tiền Giang tiêu hủy lô heo 14 con. Cùng với đó hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định như: Vĩnh Long tiêu hủy 2 lô heo với 27 heo, TP. Hải Phòng tiêu hủy 5 heo có chứa chất cấm đưa vào giết mổ; TP. Hà Nội tiêu hủy 7 heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên.

Tại Hưng Yên phát hiện đàn heo 30 con tại một trang trại có sử dụng chất cấm Salbutamol. Trong tháng 7 đã phát hiện 8 mẫu dương tính của 3 trường hợp tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại 3 tỉnh: Bình Dương, Hưng Yên, Bình Định; trong tháng 8, phát hiện 1 mẫu dương tính của một trường hợp tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bình Định.

Tới thời điểm hiện tại, việc sử dụng chất cấm kích thích tăng trưởng Salbutamol cơ bản đã được chấm dứt và đẩy lùi trên phạm vi cả nước. Từ tháng 9/2016 tới thời điểm hiện tại đã có 1.059 mẫu được lấy thử nghiệm và không phát hiện mẫu dương tính. Trên phạm vi cả nước không phát hiện trường hợp mới vi phạm về sử dụng chất cấm kích thích tăng trưởng Salbutamol.

Thuốc BVTV và phân bón kém chất lượng diễn biến phức tạp

Dù vậy, trong năm 2016, thanh tra Bộ, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng công an đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Điển hình như: sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV kém chất lượng; các sản phẩm thuốc BVTV có sai phạm về nhãn mác, hợp chuẩn, hợp quy. Một số các công ty chưa có giấy phép đủ điều kiện sản xuất vẫn tiến hành sản xuất thuốc BVTV.

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ đã xác định được 37 công ty có hành vi vi phạm, ban hành 37 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 990 triệu đồng. Đình chỉ hoạt động sản xuất đối với 3 công ty không có giấy phép sản xuất. Buộc tiêu hủy sản phẩm vi phạm với số lượng lớn: 28 thùng thuốc trừ sâu SUDOKU (672 chai 480ml); 70 thùng sản phẩm thuốc trừ ốc (2.100 chai dạng 480ml); 1.318 chai thuốc trừ nhện.

Trong năm 2016, kết quả thanh tra phân bón hữu cơ và phân bón khác cho thấy, tình trạng phân bón hữu cơ và phân bón khác kém chất lượng diễn biến phức tạp ở một số địa phương, một số doanh nghiệp, có những cơ sở nhỏ lẻ chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết vẫn tồn tại và tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón.

Đối với hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm chất lượng phân bón, phát hiện nhiều sai phạm: chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định; không thực hiện giám sát khi cấp dấu hợp quy cho doanh nghiệp; không đảm bảo điều kiện chứng nhận chất lượng phân bón; chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực phân bón. Tổng số tiền xử lý các vi phạm trong lĩnh vực phân bón là 1,79 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nông nghiệp về chế biến, an toàn thực phẩm, công tác thanh tra đã tổ chức 340 cuộc với hơn 400 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Trong đó, phát hiện gần 500 trường hợp vi phạm. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 2,5 tỷ đồng. Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, các hành vi vi phạm phát hiện và xử lý chủ yếu liên quan đến việc không duy trì kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Sửa chữa, tẩy xóa sai nội dung giấy chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm với lô hàng thực phẩm xuất khẩu; chưa tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời không đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm, sản phẩm có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.

Tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm

Theo ChánhThanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, trong năm 2017, sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra chất lượng các mặt hàng về thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản; phân bón hữu cơ và phân bón khác, giống cây trồng.

Cùng với đó, tăng cường phát hiện và xử lý những sai phạm nhãn mác (hiện tượng thuốc BVTV ghi thêm đối tượng mà chưa được khảo, kiểm nghiệm; chất xử lý, cải tạo môi trường ghi nhãn phòng, trị bệnh để đánh lừa người tiêu dùng). Kiểm tra điều kiện sản xuất, điều kiện kinh doanh, danh mục lưu hành đối với các nhà máy, đại lý kinh doanh. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất công nghiệp để nhuộm màu thực phẩm; sử dụng Salbutamol, Cysteamine, hóa chất công nghiệp đưa vào thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiêm chích, bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ.

Theo Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, các đơn vị chuyên ngành cần lên kế hoạch cụ thể triển khai các Đoàn thanh tra, thực hiện đúng kế hoạch thanh tra chuyên ngành Bộ giao, đồng thời giành thời gian dự phòng cho các cuộc thanh tra đột xuất. Tổ chức thành lập các Đoàn thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và việc xả thải nước bẩn ra các công trình thủy lợi. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường để nâng cao hiệu quả các cuộc thanh, kiểm tra.

Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra các Tổng cục, Cục và Thanh tra chuyên ngành ở các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các Đoàn thanh tra./.

BT