Lợi nhuận tăng lên
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng VietGAP được Ban quản lý dự án CRSD hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại huyện Đầm Dơi. Ảnh: N.Q
Dự án CRSD tại tỉnh Cà Mau thực hiện 10 vùng nuôi với 2.200 hộ tham gia; diện tích 2.230ha. Trong đó, hợp phần thực hành tốt (GAP) trong nuôi trồng thủy sản bền vững có thời gian thực hiện từ năm 2012 – 2017, hiện đã đào tạo được gần 3.000 nông dân về thực hành sản xuất tốt. Mục tiêu của hợp phần này là phát triển bền nuôi trồng thủy sản bền vững và bảo vệ môi trường, cụ thể triển khai 10 vùng nuôi tại 5 huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển. Mỗi huyện triển khai 1 vùng nuôi đa dạng hóa và 1 vùng nuôi an toàn sinh học. |
Tại huyện Đầm Dơi, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được triển khai tại 161 hộ nuôi tôm trên địa bàn ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi trên diện tích trên 100ha và sẽ tiếp tục được mở rộng thêm khoảng 90 hộ dân tham gia, với 4 tổ thực hiện.
Là một trong những hộ thực hiện thử nghiệm, ông Tô Hoài Thương cho biết: “Với mật độ thả nuôi 100con/m2, Nhà nước hỗ trợ tiền con giống 100% và 30% thức ăn, qua gần 4 tháng nuôi, tôi thu hoạch được trên 2.800kg, trọng lượng 58 con/kg.
Ngoài được hỗ trợ về nhiều mặt, điều hơn hết là chúng tôi còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, tôi thực hiện theo đúng lịch thời vụ ngành chuyên môn khuyến cáo, nuôi cá rô phi để tạo tuần hoàn nước nhằm hạn chế bệnh đốm trắng và đầu vàng trên tôm. Quá trình cải tạo đầm tôm cũng làm đúng hướng dẫn để bảo vệ môi trường. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lợi nhuận gần 200 triệu đồng, cao hơn cách làm truyền thống mà lại yên tâm hơn”.
Tại huyện Cái Nước, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng đã mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Phan Văn On, một hộ dân áp dụng thí điểm mô hình chia sẻ: Cái được nhất khi tham gia mô hình là được cán bộ kỹ thuật nhiệt tình hướng dẫn. Qua đó bản thân tôi ý thức sản xuất theo hướng sạch vì áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Với số vốn tôi bỏ ra khoảng 70 triệu đồng/ha, cuối vụ nuôi thu về khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có thể lãi gần 80 triệu đồng, một năm tôi nuôi được 2 vụ như vậy.
Mở ra hướng sản xuất bền vững
Theo kết quả nghiên cứu, tổng kết nhiều năm cũng như các kết quả điều tra xã hội về nghề nuôi cho thấy, các khó khăn của nghề nuôi được phân thành 3 nhóm chính liên quan đến yếu tố: Môi trường, kinh tế, xã hội và được cụ thể hóa trong các hoạt động sản xuất, cung cấp, ương nuôi con giống, kỹ thuật quản lý, chăm sóc, vận chuyển… Trong thực tế, ở mỗi khâu quản lý, chăm sóc đều có những đòi hỏi áp dụng những kỹ thuật chuyên biệt cho từng giai đoạn nuôi.
“Các hộ nuôi trong dự án được hướng dẫn về kỹ thuật, nhất là sau mỗi vụ nuôi thì phải có thời gian khoảng 1 tháng để cắt vụ, cải tạo lại vuông bằng cách sên bùn đen lên, phơi đầm và bón vôi bột. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tuân thủ quy trình VietGAP nên không những tăng lợi nhuận mà hơn hết còn mở ra hướng sản xuất bền vững” – ông On bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Tèo, cán bộ khuyến nông xã Phú Hưng cho biết: Toàn vùng dự án có hơn 240 hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến. Từ khi có dự án, tình hình nuôi tôm quảng canh của bà con đã thực sự hiệu quả, năng suất cũng cao hơn, trung bình từ 550-600kg/ha/vụ. Trong khi đó, với cách nuôi cũ chỉ đạt khoảng 350kg/năm.
Theo đánh giá, các hộ tham gia thực hiện các mô hình đều tuân thủ theo quy định VietGAP. Địa điểm triển khai đều nằm trong vùng quy hoạch, các chủ hộ đã tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chủ hộ đều có biển báo, đánh dấu mô hình, hồ sơ ghi chép về việc mua các sản phẩm để thực hiện mô hình, nhật ký ghi chép tất cả các bước kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Ông Quách Nhật Bình - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án CRSD tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiệu quả lớn nhất của dự án là làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất. Từ sản xuất riêng lẻ, họ đã biết hoạt động theo tổ nhóm, tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất, sản xuất có ý thức bảo vệ môi trường hơn và ứng dụng khoa học kỹ thuật những quy trình nuôi phù hợp, bền vững hơn”.
“Trong khuôn khổ hoạt động, dự án sẽ giúp người dân sản xuất có hiệu quả, bền vững thông qua các giải pháp kỹ thuật nhằm sản xuất đảm bảo an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu để cung ứng sản phẩm sạch từ mô hình là rất cần thiết. Hiện dự án đang xúc tiến triển khai các hoạt động này với mục đích kết nối được giữa những người nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu” – ông Bình thông tin thêm.
Theo Ngọc Quyên/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;