Từ việc đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ…
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và bám sát đặc điểm của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề phát triển loại hình kinh tế HTX. Cùng với việc quán triệt, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, Thái Nguyên còn chủ động nghiên cứu, thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các HTX.
Theo đó, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập mới các HTX; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên; hỗ trợ trực tiếp bằng máy móc, thiết bị cho các đơn vị mở rộng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ; tạo điều kiện xúc tiến thương mại và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ; chính sách hỗ trợ về thuế, vốn tín dụng...
Đặc biệt, để góp phần đổi mới tổ chức quản lý, cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng nhân lực cho các HTX, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định, phê duyệt một số HTX thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX. Đây được coi là điều kiện để tạo “hơi thở”, sức bật mới cho các HTX trên cơ sở trình độ, nhiệt huyết của những cán bộ trẻ, trí thức trẻ.
Trong các hình thức hỗ trợ đang được tỉnh Thái Nguyên thực hiện, việc tiếp sức về vốn với những cơ chế tín dụng ưu đãi được đánh giá là giải pháp thiết thực và mang lại nhiều hiệu quả. Việc hỗ trợ vốn vay kịp thời đã giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, giúp ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Từ tháng 7/2017, thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020”, các mô hình kinh tế tập thể, trong đó có HTX sẽ được hỗ trợ tổng kinh phí lên tới trên 88 tỷ đồng. Các HTX, quỹ tín dung nhân dân thành lập mới đều được hỗ trợ 10 - 30 triệu đồng/HTX (tùy theo quy mô, số lượng thành viên). Riêng với Liên hiệp HTX (gồm 4 HTX trở lên) được hỗ trợ 50 triệu đồng…
Theo đồng chí Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, với đặc điểm của một tỉnh miền núi, hoạt động của hệ thống HTX ở Thái Nguyên gặp khá nhiều khó khăn. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp thông qua các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ đã là động lực khuyến khích các HTX phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đến những hiệu quả tích cực
Theo thống kê, đến đầu năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đang có trên 430 HTX hoạt động tại nhiều lĩnh vực; trong đó có hơn 210 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều HTX đã năng động, tích cực đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa qua đó làm tăng hiệu quả hoạt động của đơn vị. Phần lớn các HTX đều có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm cho các thành viên và người lao động. Đặc biệt, từ tác động của các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ do UBND tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành thực hiện nên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày các nhiều các mô hình HTX có hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao. Nhiều HTX đã đảm nhiệm tổng hợp cả dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Điển hình như: HTX Dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (huyện Phú Lương); HTX Chăn nuôi, trồng trọt Đông Thịnh (huyện Phú Bình), HTX Chè La Bằng (huyện Đại Từ)…
Do đặc điểm riêng nên đến nay các HTX sản xuất, kinh doanh chè chiếm tỷ lệ lớn trong số các HTX đang hoạt động hiệu quả ở Thái Nguyên. Bởi chè vốn là sản phẩm thế mạnh của Thái Nguyên và có điều kiện để phát triển ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ thì tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 100 HTX sản xuất, chế biến cũng như hoạt động thương mại, kinh doanh chè. Phần lớn trong số này đều đã tham gia xây dựng chuỗi giá trị thông qua mối liên kết giữa HTX với các hộ thành viên sản xuất. Toàn bộ quá trình sản xuất chế biến chè từ các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật thu hái sản phẩm, đều được sự hướng dẫn của HTX. Sau đó, HTX thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên theo một quy trình khép kín.
Đối với các HTX chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, cơ bản đã thực hiện phương thức gắn sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên qua đó từng bước đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ gia đình sản xuất đơn lẻ nhận thấy sự phát triển của HTX đã tự nguyện xin tham gia trong các HTX. Qua thống kê, hệ thống các HTX của tỉnh Thái Nguyên hiện đang tạo việc làm ổn định cho trên 40 nghìn thành viên và người lao động; thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân hàng năm của các HTX đều tăng 10% - 15%/năm.
Là một trong số những đơn vị tiêu biểu, hiện nay HTX Chè Nguyên Việt ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ đang có 20 thành viên với vùng nguyên liệu chè rộng 15ha, trong đó 10ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, HTX đã chủ động đứng ra cung ứng phân bón, vật tư và phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, doanh thu của HTX Chè Nguyên Việt là gần 4 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
HTX Chè Nguyên Việt chỉ là một trong số hàng trăm HTX đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Có quy mô, mức độ phát triển khác nhau song hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX đều gắn với việc tận dụng, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương như: trồng, chế biến, sản xuất chè; trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện Thái Nguyên vẫn còn một số HTX hoạt động không hiệu quả do chậm đổi mới phương thức hoạt động, khó khăn về vốn đầu tư; hoạt động mang nặng tính hình thức; số ít HTX chậm mở rộng lĩnh vực hoạt động…
Do vậy, theo đồng chí Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới, để khai thác thế mạnh của địa phương gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế HTX, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, đặc biệt là vấn đề về vốn, nhân lực và trang bị kỹ thuật cho các HTX. Cần có cơ chế thuận lợi hơn nữa để các HTX tiếp cận các điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất như đất, vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật… Đồng thời, phải chú trọng gắn phát triển loại hình kinh tế HTX với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Qua đó vừa khẳng định vai trò nòng cốt trong lĩnh vực kinh tế tập thể của các HTX vừa phát huy vai trò của hệ thống HTX trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Chung
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã