Chọn đúng hướng đi
Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Võ Văn Lai, nguyên Bí thư Chi đoàn ấp Bình Thạnh 2 đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình trồng cóc Thái Lan xen với cây xoài Đài Loan, bước đầu tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Lai cho biết, trước đây, gia đình anh sống bằng nghề làm ruộng. Nhận thấy cây lúa không đem lại giá trị kinh tế cao, giá cả thường bấp bênh nên khi được cha mẹ cho 3 công đất để làm ăn riêng, anh Lai quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, lên vườn trồng cây ăn trái.
Sau khi tham khảo ý kiến của người thân, năm 2016, anh Lai mạnh dạn đầu tư 25 triệu đồng để lập vườn, mua 500 gốc cóc Thái Lan (với giá 7.000 đồng/gốc) và 220 gốc xoài Đài Loan (giá 20.000 đồng/cây) ở Cù lao Giêng về trồng. Anh Lai chia sẻ: “Lúc đầu, dự định trồng ớt để xen canh với xoài. Thấy ớt giá biến đổi liên tục, trong khi cóc Thái Lan có giá ổn định hơn nên khi hết đợt ớt, mình chuyển qua trồng cóc”.
Được tham gia các lớp tập huấn về canh tác nông nghiệp do địa phương tổ chức, anh Lai đã tích lũy được kiến thức trồng trọt cho riêng mình nên dù lần đầu làm vườn, anh vẫn không quá bỡ ngỡ và không gặp nhiều khó khăn. Theo anh Lai, cóc Thái Lan là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần tưới đủ nước, xịt bọ trĩ nửa tháng/lần. Ngoài ra, cóc Thái Lan có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng trong thời gian 5-6 tháng là có thể thu hoạch. Sau khi hái trái, cắt bỏ nhánh già, cây sẽ ra đọt và bông mới, thích hợp với trồng xen canh với các loài cây ăn trái khác mà cây vẫn phát triển tốt.
“Cây lành cho quả ngọt”
Hiện thị trường của cóc Thái Lan rất lớn, được tiêu thụ khá mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và Campuchia. Nếu trước đây, cóc được bán cho các cơ sở làm dưa với giá thấp, thì hiện nay, thương lái mua cóc về, sau đó mài bỏ vỏ để xuất sang thị trường Campuchia và rất được ưa chuộng. Cóc Thái Lan cho thu hoạch sớm và quanh năm nên bà con nhà vườn có nguồn thu ổn định, từ đó giúp anh Lai yên tâm canh tác.
“Từ đầu năm đến nay, giá cóc ở mức cao nên gia đình tôi rất phấn khởi. Với 500 gốc cóc, bình quân mỗi tháng, gia đình tôi thu hoạch 2 đợt, năng suất từ 500-1,5 tấn/đợt. Với giá bán dao động trên 3.000 đồng/kg, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 4 triệu đồng” - anh Lai cho biết.
Thấy mô hình xen canh của anh Lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở địa phương đến học tập kinh nghiệm... Anh Võ An Biên, Phó Bí thư Xã đoàn Hòa An nhận định, mô hình trồng cóc Thái Lan xen canh xoài của gia đình anh Võ Văn Lai là một trong những mô hình làm kinh tế mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên… Thời gian tới, Xã đoàn phối hợp Hội Nông dân sẽ tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn tạo điều kiện cho các đoàn viên, thanh niên trong xã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Với những nỗ lực vượt khó để vươn lên, anh Võ Văn Lai xứng đáng trở thành gương điển hình trong phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Hòa An học tập.
Nguồn tin: doanhnghiepvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã