Trong nhiều năm qua, chất lượng tôm giống vẫn luôn là một bài toán khó đối với ngành tôm nước ta. Thực tế hiện nay, tôm bố mẹ được cung cấp chủ yếu từ nguồn nhập nội và khai thác từ tự nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được sản xuất trong nước (tôm sú 34,3%; tôm thẻ chân trắng 5,0%) dẫn đến sản xuất thiếu tính chủ động, phụ thuộc vào các nước xuất khẩu. Về nguồn tôm giống bố mẹ thẻ chân trắng, hiện các cơ sở chủ yếu nhập khẩu tôm từ Công ty CP (Thái Lan), SIS (Singapore), SIS (Mỹ) và một số nước khác về để làm tôm bố mẹ là chủ yếu.
Tôm bố mẹ thẻ chân trắng trong nước chỉ có Công ty CP Thủy sản Việt - Úc được phép sản xuất, nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của công ty này. Từ đầu năm 2016, việc cung cấp tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Công ty C.P Thái Lan cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có phần hạn chế; Chất lượng tôm bố mẹ còn chưa ổn định; Việc nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn chậm, mặc dù đầu tư hỗ trợ của nhà nước nhưng chương trình tôm bố mẹ chưa được như mong muốn; Các nước trên thế giới hiện nay đa số chọn tạo tôm bố mẹ theo hướng sạch bệnh (SPF) và tăng trưởng, chưa chú trọng đến kháng bệnh. Kèm theo đó là việc quản lý kinh doanh tôm giống cũng phức tạp không kém. Tại khu vực ĐBSCL từ lâu đã hình thành các chợ mua bán tôm giống tại các tỉnh như Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, đối tượng khách hàng thường là những người nuôi chưa lên kế hoạch cụ thể, đến chợ, lựa chọn tôm giống hợp lý thì mua. Trong khi, ở chợ, tôm dễ bị giảm chất lượng do điều kiện vận chuyển không đảm bảo. Cùng đó, tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nước biển ngày một ô nhiễm, chi phí sản xuất tăng cao; bất cập trong công tác quản lý vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản và việc quản lý tôm giống thiếu chặt chẽ của một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ sở sản xuất tôm giống trên cả nước.
Tính đến nay, nhờ sự nỗ lực quản lý của các cấp bộ, ngành mà chất lượng tôm giống đang dần được cải thiện và đạt được những kết quả rõ rệt. Hiện, địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi với các thương hiệu hàng đầu. Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống được xây dựng khang trang, quy mô sản xuất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, sản xuất tôm giống có chất lượng, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Điển hình: Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng, DNTN Tôm giống Kim Sa, Công ty TNHH Trường Thịnh, Công ty TNHH Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển... Ngoài ra, có 2 đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận và Công ty CP Thủy sản Việt - Úc.
Hiện, ngành tôm giống cũng đã làm chủ kỹ thuật sinh sản nhân tạo các đối tượng tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, một số loài cá biển, tôm càng xanh… Trong khuôn khổ chương trình phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước. Tổng cục Thủy sản chủ trì, giao cho các Viện Nghiên cứu NTTS I, II và III đã thu thập được 13 quần đàn từ các nước Mỹ, Comlobia, Ecuador, Mexico, Singapore, Thái Lan làm cơ sở cho chọn tạo giống. Đến cuối năm 2015, các Viện nghiên cứu đã đánh giá và lựa chọn được 4 đàn là SIS, CP, Mexico và Ecuador có chất lượng tốt nhất làm vật liệu cho việc phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện đã có 131 doanh nghiệp bước đầu tham gia làm tốt khâu tiếp nhận mua nguồn giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng từ nước ngoài về để sản xuất giống. Dự tính 3 - 5 năm nữa, Việt Nam có thể cơ bản làm chủ con giống bố mẹ. Đối với tôm sú: Ngành đã thành công gia hóa tạo tôm bố mẹ tôm sú trong điều kiện nhân tạo. Viện Nghiên cứu NTTS I sản xuất tại Ninh Thuận (Nguồn tôm sú bố mẹ do Công ty MOANA của Mỹ - là đơn vị hợp tác sản xuất với Viện Nghiên cứu NTTS I) nhập PL từ Hawaii về sản xuất thành tôm bố mẹ. Tôm sú MOANA đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống thủy sản mới. Mỗi năm Công ty có thể cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 con tôm bố mẹ). Và Viện Nghiên cứu NTTS II xuất tại Vũng Tàu. Tổng số tôm bố mẹ sản xuất được năm 2015 là 10.300. Tôm bố mẹ gia hóa trong điều kiện kiểm soát an toàn sinh học tốt nên sạch bệnh hơn so với tôm khai thác tự nhiên.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng vừa ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Mục tiêu xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
>> Mục tiêu đến năm 2020, nước ta sẽ chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng; trong đó 75% giống sạch bệnh. Đối với sản xuất giống tôm sú là 30 tỷ con, TTCT 100 tỷ con, tôm càng xanh 2 tỷ con. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã