Mê lan từ khi lên 7
“Ngày tôi mới 7 tuổi, trước nhà có cây đa to, người ta cắt bỏ, trên cành có những nhánh lan rừng nhỏ, thấy các anh trong xóm lấy về trồng tôi cũng ra tìm kiếm về trồng. Cái duyên của tôi với lan cứ bén dần, gắn bó với tôi đến bây giờ” - anh Sơn tâm sự.
9x Nguyễn Anh Sơn đã mê phong lan từ khi mới 7 tuổi. Ảnh: V.L
"Ngày tôi mới 7 tuổi, trước nhà có cây đa to, người ta cắt bỏ, trên cành có những nhánh lan rừng nhỏ, thấy các anh trong xóm lấy về trồng tôi cũng ra tìm kiếm về trồng. Cái duyên của tôi với lan cứ bén dần, gắn bó với tôi đến bây giờ”. Anh Nguyễn Anh Sơn |
Ban đầu chỉ là những chiếc chai nhựa anh Sơn mang về cắt lấy phần đáy rồi cho mùn cưa và gỗ mục vào để làm giá thể cho lan, thế nhưng lan rừng của anh cứ lụi dần, lụi dần cho đến khi héo khô. Sau đó, đến nhà các bác chơi lan gần nhà để học hỏi và xem cách họ trồng lan thì anh Sơn mới ngộ ra rằng, lan rừng hoàn toàn không thể sống trong giá thể mùn cưa và gỗ mục bởi chúng tích nước rất lâu, sẽ gây ra nấm và sinh bệnh khiến lan chết dần.
12 năm sau, khi 19 tuổi, khi đã đi làm và có tiền, anh Sơn mới bắt đầu đầu tư bài bản, giá thể phù hợp với từng loại lan, biết xử lý giá thể trước khi đưa lan vào trồng để cây phát triển bình thường. Và điều quan trọng nhất là đã biết theo dõi, chữa trị một số loại bệnh cho lan và căn hoa sao cho đúng dịp xuân về.
Từ khi bắt đầu đến với lan rừng đến nay đã 20 năm, chàng trai 9x Lâm Đồng đã có trong tay vườn hoa lan 140m2, với trên 200 giò lan quý, chủ yếu là thủy tiên, kim điệp, phi điệp, long tu…
Bán 1 giò lan 100 triệu đồng
Tại Festival hoa Đà Lạt 2017 vừa qua, anh Sơn đã bán một giò lan quế lan hương với giá 100 triệu đồng cho một vị khách ở Nam Định. Trong vườn của anh còn có nhiều giò lan phi điệp tím được dân chơi lan đánh giá là khủng nhất Lâm Đồng. Lan thủy tiên cũng rất có giá, có chậu anh bán 20 triệu đồng, có chậu tết vừa rồi nở trên 100 cành hoa, dài đến 50 – 60cm.
Năm 2017, anh Sơn bán ra nhiều giò lan lớn, tổng cộng khoảng 500 triệu đồng. Anh mua lan về vườn khoảng 200 triệu, sau khi trừ chi phí tính ra anh lãi gần 300 triệu đồng. Hiện tại anh cũng giúp bố mẹ quản lý nhà hàng của gia đình, vì vậy có điều kiện để sưu tầm những loại lan quý hiếm về chăm sóc.
Anh Sơn chia sẻ, tất cả các loại giá thể đều phải xử lý trước khi trồng lan. Để xử lý cần có nước vôi, sau đó cho vào một chiếc nồi to, luộc chung với giá thể đến khi sôi, sau đó để nguội là có thể trồng. Hiện nay, tất cả các loại lan đều ưa và có thể trồng bằng giá thể than gỗ và vỏ thông, bởi hai loại này rất bền, lâu mục và thoát nước tốt.
Đặc biệt, Nguyễn Anh Sơn có biệt tài chăm sóc lan thủy tiên và kim điệp ra hoa rất đẹp, nở rộ đúng vào dịp tết khiến ai cũng thích thú và khâm phục.
“Thủy tiên và kim điệp thuộc loại lan hoàng thảo, ra hoa vào mùa xuân, vì vậy mình cần có chế độ chăm sóc để cây ra hoa đúng dịp tết. Nếu trồng cây từ nhỏ thì nên duy trì chế độ tưới thường xuyên. Nếu tưới buổi sáng hoặc buổi tối thì chỉ nên tưới 1 buổi trong ngày, không nên thay đổi thời gian tưới để cây thích nghi và phát triển.
Gần đến tết, mình phải ngưng nước cho lan thủy tiên khoảng 15 ngày không tưới nước, sau đó cây sẽ bị cằn và khô lại, lúc đó cây sẽ dồn hết sức lại để mầm hoa phát triển rồi nở đúng thời gian mình mong muốn” - Nguyễn Anh Sơn bật mí.
Theo Văn Long/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;