Học tập đạo đức HCM

Trúng vàng, 4 nông dân nghèo bỗng trở thành triệu phú

Chủ nhật - 27/07/2014 09:44
Vốn là những nông dân chân chất thật thà, 4 người họ vô cùng quý trọng 37 lượng vàng “trời cho”. Sau khi phân chia công bằng số vàng tìm được, họ tản mác mỗi người một nơi nhưng ai cũng biết dùng vàng vào đúng mục đích. Minh chứng là sau 3 năm, cuộc sống của họ không còn đói khổ, cơ cực như ngày nào.

Bất an sau ngày trúng “lộc trời” trên núi

 

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Chanh (29 tuổi, một trong số 4 người trúng 37 lượng vàng - PV) nhưng ban đầu không được chủ nhà chào đón. Nhờ sự chân thành và tài thuyết phục cán bộ xã dẫn đường, người đàn ông may mắn đã đồng ý thổ lộ những tâm sự bấy lâu chôn giấu trong lòng.

 

Anh Chanh nhớ lại: “Cuối năm 2011, núi Hòn O bị chính quyền phong tỏa, các hầm vàng đều bị nổ mìn phá sập. Một chiều rảnh rỗi, tôi và anh Đỗ Phú (người hàng xóm - PV) đạp xe lên núi hòn O dạo chơi”. Khi chạy ngang qua chỗ bãi vàng đang bị đánh sập, mấy người tò mò ghé vào xem thử. Khi đến nơi, ngoài đống đất đá ngổn ngang, hai người phát hiện một vạt đất lớn chảy dài giữa lưng chừng đồi cháy đen bởi thuốc nổ.

Vì tính hiếu kì, hai người liền lấy cây bới sâu vào lớp đất thì phát hiện bên trong chứa nhiều hạt cát nhỏ màu ánh kim. Biết đó là quặng vàng với số lượng lớn, anh Chanh âm thầm lấy đất đá phủ lại rồi về gọi thêm hai người bạn là anh Đào Minh Thảo (36 tuổi) và Nguyễn Văn Tiện (37 tuổi). Đêm hôm đó, 4 người hì hục dùng xẻng chia nhỏ khối đất trên rồi hốt, xúc khối lượng đá bỏ vào bao tải. Công việc xay, nghiền, đãi, lọc cũng được tiến hành bí mật ngay trong những đêm sau đó. Sau hai ngày khổ nhọc, cả nhóm thu được gần 37 lượng vàng, đem ra một tiệm vàng ở đầu xã bán thu được gần 1 tỉ đồng. Số tiền trên chia đều bốn phần, mỗi người được gần 300 triệu đồng.

 

Trúng vàng, 4 nông dân nghèo bỗng trở thành triệu phú - 1

Núi Hòn O, nơi 4 người nông dân đào được 37 lượng vàng.

Theo thời gian, câu chuyện nóng hổi một thời đã lắng xuống, cuộc sống của người dân Đức Bình Tây đã trở lại yên bình. Trong 4 người từng trúng được vàng thì 2 người còn sinh sống tại địa phương, bởi một người đã mang tiền xuống phố sống cảnh giàu sang, một người nữa cũng về lại quê nhà sau ngày “phát tài”. Thế nhưng ít ai biết, cả 4 người nông dân ấy đã phải chịu bao hiểm nguy từ ngày may mắn nhặt được vàng.

Kể lại quãng thời gian mừng sợ lẫn lộn, giọng anh Chanh lúc hồ hởi, khi lại chùng xuống với bao cung bậc cảm xúc đan xen. Chuyện là từ sau ngày trúng vàng, thông tin đồn đại khắp nơi. Đằng sau sự “nổi tiếng” này, họ phải đối mặt với thói đời ganh ghét, đố kị, sẵn sàng dùng thủ đoạn đen tối để hại người. Chưa kịp vui, cả 4 người và gia đình phải sống trong sự bất an, ăn không ngon ngủ không yên. Đi đâu họ cũng phải nhìn trước ngó sau, đề phòng bị kẻ gian hãm hại. Vì quá căng thẳng nên sau đêm chung vui với 3 người bạn ở Đức Bình Tây, anh Đỗ Phú lặng lẽ lên xe trở về TP. Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận). Cũng từ độ ấy, người dân không bao giờ thấy anh Phú quay trở lại. Ngay số điện thoại cũng không còn liên lạc được, đến sau này, anh Phú mới liên lạc trở lại với 3 người bạn cũ. Trong 3 người còn lại, anh Thảo cũng đưa vợ con xuống TP. Tuy Hòa sinh sống ngay sau đó. Ở quê vẫn còn người mẹ già và gia đình em trai nhưng anh Thảo cũng rất ít khi về lại.

Không thể xa rời quê hương như hai bạn bởi còn gia đình, cha mẹ, anh Chanh và anh Tiện sau đó vẫn bám trụ lại thôn làng. Anh Chanh sau khi khóa điện thoại di động được một ngày thì có nhiều người tìm đến tận nhà. Anh bỏ nhà đi thì vợ con anh bị đám người lạ dọa dẫm nên đành phải trở về. Thậm chí, sau đó có một số đối tượng với cơ thể xăm rồng phượng dữ tợn xuất hiện, lảng vảng quanh nhà nhiều ngày liền. Quá lo sợ, nhiều khi anh Chanh chẳng dám ra khỏi nhà nửa bước. Cách đó và chục mét, nhà anh Tiện cũng luôn bị đám người lạ theo dõi, rình rập. Kém may mắn hơn người hàng xóm, anh Tiện từng phải chi hàng chục triệu đồng “đuổi khéo” thì đám xin đểu mới chịu buông tha. Cũng may sau đận đó, cuộc sống của anh và anh Chanh đã bình yên trở lại.

 

Trúng vàng, 4 nông dân nghèo bỗng trở thành triệu phú - 2

Anh Chanh kể lại câu chuyện ly kỳ năm xưa.

Hạnh phúc khi đống tiền dùng đúng chỗ

Mồ hôi nhễ nhại, bộ quần áo sờn bạt, lấm bẩn, anh Chanh chỉ vào chiếc máy cày tỏ vẻ tự hào. Khi có trong tay gần 300 triệu đồng, anh đầu tư mua chiếc máy cày trị giá 250 triệu đồng để đi cày thuê cho bà con trong vùng. Số tiền còn lại anh dùng mua lại 3 sào đất và chắt chiu dành dụm lo cho hai con ăn học. Trò chuyện với chúng tôi, anh Chanh cho biết: “Mình đi ra từ đồng rơm gốc rạ, ông trời thương nên mới cho mình số tiền lớn. Nếu không biết dùng đúng, ông trời sớm muộn cũng lấy lại. Thế nên sau khi có tiền, mình bàn bạc với gia đình xem nên sử dụng tiền này thế nào. Bàn bạc mãi, cuối cùng gia đình mới quyết định mua thêm đất và máy cày”.

Có chiếc máy cày, cuộc sống của gia đình anh Chanh đã đỡ vất vả hơn. Không chi cày cho nhà mình, anh còn đi cày thuê trên đất của người khác. Nhiều nhà neo người, hoàn cảnh khốn khó thì anh chỉ cày giúp chứ không lấy tiền công. Cuộc sống mỗi ngày một khấm khá nhưng chưa bao giờ vợ chồng anh Chanh có ý nghĩ hưởng thụ. Hằng ngày, trong lúc anh đi lái máy cày thì vợ anh vẫn chăm chỉ ruộng nương. Lúc nông nhàn, hai người lại làm thuê làm mướn hoặc đi giúp đỡ những gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn khác. Hạnh phúc của hai vợ chồng là có sức khỏe để bươn chải làm lụng mưu sinh như bao người, nuôi con học hành nên người.

Anh Thảo, một trong số 4 người nhặt được vàng, cũng có hoàn cảnh khó khăn. Anh Thảo lập gia đình vào năm 2006 và có một đứa con gái. Giữa năm 2009, anh Thảo lên thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) làm thuê kiếm sống nuôi gia đình nhưng thu nhập rất bấp bênh. Sau đó, một tai nạn bất ngờ ập đến khiến gia đình càng cùng quẫn. Chuyện là trong một lần về thăm con bệnh nặng, anh Thảo chạy chiếc xe máy cũ nát, không đèn, không phanh nên bị xe tải tông chấn thương sọ não. Sau hai năm sống trong bệnh tật và nợ nần thì anh bất ngờ trở thành triệu phú. Anh dùng một phần số tiền có được vào việc chữa bệnh và trả nợ, sau đó đưa vợ con xuống phố đầu tư nuôi thủy hải sản. Cũng như anh Thảo, anh Đỗ Phú sau khi về Ninh Thuận đã dùng số tiền trên để chữa bệnh cho người thân và làm vốn buôn bán nhỏ.

 

Trúng vàng, 4 nông dân nghèo bỗng trở thành triệu phú - 3

Chiếc máy cày anh Chanh mua sau khi đào được vàng.

Trong 4 người nhặt được vàng, hoàn cảnh anh Tiện là khó khăn nhất. Năm anh lên 9 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời, anh phải bỏ học đi làm lụng mưu sinh. Năm 25 tuổi, khi có trong tay gần 1 triệu đồng, anh Tiện mới dám lập gia đình. Sau một thời gian dành dụm, vợ chồng anh vay hội nông dân xã 20 triệu đồng để xây nhà. Đến năm 2009, vợ anh do lao động quá sức nên đổ bệnh, gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Do đó, số tiền 300 triệu đồng mà anh có được là vô cùng to lớn. Anh dùng tiền trả nợ, mua thuốc cho vợ hết 60 triệu đồng, cất thêm gian nhà bếp, sửa lại nhà chính hơn 50 triệu đồng. Phần còn lại, anh gửi ngân hàng để nuôi hai con ăn học.

Trưa tròn bóng nắng, anh Tiện đánh xe bò về nhà chở theo một đống cỏ voi, cùng ngồi trên xe là người vợ và hai đứa con. Anh Tiện cho biết, dù số tiền gần 200 triệu đồng gửi ngân hàng vẫn “đẻ” ra tiền nhưng anh chị vẫn không bao giờ ỷ lại. “Tấc đất tấc vàng”, hai vợ chồng dù có của ăn của để vẫn cặm cụi với vài sào đất trồng sắn, mía, nuôi con lợn, con bò.

Cả 4 người nông dân giờ đây đều có cuộc sống ổn định, khấm khá nên chẳng ai quay lại núi Hòn O để mạo hiểm thêm lần nào nữa. Trái ngược với điều đó, mặc cho chính quyền địa phương ngăn chặn, kiểm soát, rất nhiều người bỏ việc ruộng nương, bất chấp hiểm nguy tìm đến khu vực Hòn O lao vào đào bới tìm vàng làm ngọn núi thêm hoang tàn. Thế nhưng chẳng có ai may mắn phát tài, chỉ có câu chuyện về 4 người nông dân đào được cả kí vàng vẫn được mọi người truyền tai nhau.

 

Theo Tiêu Dao – Dương An (Đời sống & Hôn nhân)
Theo hn.24h.com.vn/
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập364
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại853,838
  • Tổng lượt truy cập92,027,567
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây