Đồng đất Cẩm Xuyên đã trở thành vựa lúa khổng lồ của tỉnh Hà Tĩnh, biển Cẩm Xuyên có một khu du lịch Thiên Cầm hấp dẫn và làng Nhượng Bạn đầy ắp cá tôm.
Điệp khúc mùa vàng
Lúa vàng trên đất Cẩm Thành |
"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông" . Không hiểu sao câu ca dao của người xưa lại rong ruổi với tôi, khi mỗi lần tôi tới Cẩm Xuyên, lại được đi giữa màu vàng rười rượi của lúa. Điệp khúc mùa vàng ấy, đã quá quen thuộc với tôi, khi dọc đường quốc lộ 1A, nhìn sang phía hữu là làng Cẩm Thành, đảo mắt sang phía tả là làng Cẩm Bình, đâu đâu cũng hiện lên ánh ỏi giữa chiều nồng mùa hạ, cái màu vui được mùa.
Vẫn tiếng chim cu gáy rót vào không gian, con chim phúc hậu, làm bạn với người nông dân Cẩm Xuyên đã bao đời nay, cứ mỗi mùa thu hoạch lại về rất đúng hẹn. Người no, chim cũng no, khi những cánh đồng bất tận tràn ngập âm thanh tiếng chim cu gáy, đó là tín hiệu lành của vùng quê thanh bình, phồn thực.
Đất không lành thì chim chả đậu. Khi đồng không còn sót lại hạt thóc nuôi chim thì thân phận người dân cũng cơ cực lắm. Người dân Cẩm Xuyên đã thấu hiểu mảnh đất ngàn xưa phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt thế nào rồi..
"Tôi năm nay đã ngoài bảy mươi, tuổi thơ đã từng theo cha vô rú chặt củi đong gạo. Bây giờ thóc dư trong nhà, mình thấy cuộc sống thay đổi nhanh quá. Bữa ni thằng con trai bảo ông đừng ra ruộng nữa ở nhà với cháu, nhưng tôi vẫn muốn tranh thủ giúp con cầm cuốc trang lại bùn đất cho thật nhuyễn để gieo vụ mới". Cụ Hoàng Minh một lão nông quê Cẩm Thành, đang đứng thanh thản rửa bàn chân lấm bên dòng kênh đầy ắp nước, và nhắc lại ký ức một thời xa xưa ấy.
Thời chưa có nước hồ Kẻ Gỗ, cả vùng thượng kênh này từ Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành đều sống trong cảnh "treo hái treo niêu". Bây giờ cả ba xã thuộc khu vực thượng nguồn Kẻ Gỗ, xã nào cũng hỉ hả với điệp khúc "được mùa". Cứ theo phương thức canh tác muôn đời của nhà nông "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" thì cả "bốn yếu tố" này đều được nạp "năng lượng" đầy đủ. Tôi đã từng được nghe hai ông chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ và Cẩm Thành, cắt nghĩa chuyện làm ăn của dân. Từ chuyện "cởi trói" về sự cứng nhắc của quan hệ sản xuất cũ, cách mạng về dồn điền đổi thửa, cách mạng giống mới, nhưng cũng không quên ơn rằng hai vùng đất được hưởng lợi nguồn nước Kẻ Gỗ, đã đưa đến một số thành quả năng suất và sản lượng thu hoạch lớn như hôm nay. Cẩm Duệ, vụ mùa trước gối vụ mùa sau, bà con nông dân tăng nhanh vòng quay không hề cho đất nghỉ, diện tích gieo cấy hơn 914 ha, năng suất đạt tới 58 tạ/ha. Xã Cẩm Thành, cây lúa cũng biết "đua sức thi tài" cùng Cẩm Duệ, với diện tích hơn 653 ha, năm 2016 giành con số "vượt kỷ lục" trong thâm canh giống mới Hà Tĩnh, với năng suất 59 tạ/hạ. Sản lượng lương thực ở vùng quê lúa Cẩm Thành, mỗi năm đạt từ 7000 tần - 7300 tấn
Một huyện làm nông nghiệp giỏi được hình thành vô số "vệ tinh" làm ăn giỏi. Thâm nhập các làng xã như Cẩm Bình, Cẩm Nam, Cẩm Thăng, Cẩm Huy... mới hiểu thế nào sự lao động cần cù và sáng tạo của nông dân. Bức tranh nông thôn mới đang sáng lên, bắt đầu từ những điều giản dị hàng ngày của những người "hai sương, một nắng".
Nếu nhìn từ thượng nguồn tới hạ nguồn, mới vỡ lẽ một điều ở đâu người dân Cẩm Xuyên cũng biết thay đổi "tầm nhìn, tầm nghĩ". Mỗi thành quả đạt được trong sản xuất, từ huyện tới xã, từ xã tới thôn đều đúc rút được bài học kinh nghiệm từ cán bộ đến người dân. Trong những bước "đại nhảy vọt" về phát triển nông nghiệp, người Cẩm Xuyên đã nhạy bén thay đổi về phương thức canh tác, thay đổi về tư liệu sản xuất. Tử thuở người dân đòn tre chín dạn, còng lưng cõng lúa về nhà, đến thực hiện cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp là cả một cuộc cách mạng phải trải hơn ba thập kỷ. Đã bao giờ, người dân dám mơ ước những cổ máy cày chạy phăm phăm chạy trên chân ruộng của mình. Người điều khiển không ai lại chính là họ, chỉ trong vài ngày đã lật tơi hàng chục héc ta đất để họ lại gieo, lại trỉa. Lúa lại hẹn mùa vàng, ngô hẹn màu bắp, đậu, lạc thi nhau đơm hoa, kết hạt. Có bao giờ lại nghĩ vừa gặt lúa, vừa tuốt lúa trên đồng... Từ thực tiễn trên mỗi thửa ruộng khoán của mình, họ mới nhận thức được rằng nếu không đưa máy móc tân tiến, thì làm sao tiết kiệm thời gian, tiết kiệm mồ hôi công sức và tăng năng suất được.
Khi bàn về phát triển kinh tế hàng hóa trên đất Cẩm Xuyên, ông Đặng Quốc Cương, Bí thư huyện ủy đã bày tỏ với tôi rằng: "Mục tiêu lớn, huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp kết hợp đồng bộ các cơ chế giải pháp và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tập trung phát triển các mô hình, thực hiện liên kết liên doanh theo chuỗi giá trị các sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Nhờ quyết liệt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trà xuân sớm, xuân trung sang trà xuân muộn, nên năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất đều tăng. Năm 2016, sản lượng sản xuất lương thực đạt gần 10 vạn tấn, tăng 37% so với năm 2010. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 85 triệu đồng/ha/ năm.''.
- Trở lại chuyện "thời sự nóng" đang diễn ra trên đất Hà Tĩnh này, nhiều địa phương vụ lúa xuân năm 2017 bị mất tới hàng ngàn héc ta lúa, vì giống thiên ưu 8 bị dịch đạo ôn gặm nhấm mất. Còn huyện lúa Cẩm Xuyên thì sao?. Tôi sốt sắng hỏi
Bí thư Đặng Quốc Cương trả lời: Năm nay Cẩm Xuyên gieo cấy 9700 ha lúa xuân, giống lúa Thiên ưu 8 mọi năm vẫn là giống chủ lực, năng suất cao, thế nhưng năm nay gieo cấy tới hơn 2000 ha bị thiệt hại lớn. Hiện nay ngành nông nghiệp huyện và tỉnh đang tích cực vào cuộc để tìm nguyên nhân. Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là "cái họa" hi hữu, và đây cũng là trường hợp hiếm gặp đối với đất Cẩm Xuyên trong ba thập kỷ qua. Tôi tin rằng sự cố này sẽ sớm qua đi, người dân Cẩm Xuyên vẫn tiếp tục bám ruộng, bám đồng để huyện Cẩm Xuyên này xứng với thương hiệu huyện có "những cánh đông dư thóc".
Sức hấp dẫn từ một địa chỉ xanh
Tôi nhớ năm 1992, sau một năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh, với một tư duy mới lấy khai thác hải sản là một trong những "mũi nhọn kinh tế" để vươn ra biển lớn, chọn những nơi có sức hấp dẫn về cảnh quan, để xây dựng địa chỉ "du lịch xanh". Thế là khu du lịch biển Thiên Cầm (xã Cẩm Nhượng) được ra đời. Dân làng biển mừng lắm, vì có thêm du khách nhịp sống sẽ náo nức hơn, du khách được về đây sẽ khám phá thêm vẽ đẹp huyền thoại.
Từ bao đời xã Cẩm Nhượng, thuở xưa có tên gọi làng Nhượng Bạn dân đã biết dong buồm cưỡi sóng ra khơi. Biển giàu cá tôm, nên sinh thành những ngư dân quen nghề chài lưới từ đấy. Vùng đất thiên nhiên tạo ra một khung cảnh kỳ vĩ "Trên đàn trời thánh thót/ Dưới đầu voi đứng chầu".
"Đàn trời" là núi Thiên Cầm, ngọn núi xanh ngoảnh mặt ra biển, gắn với sự tích vua Hùng Vương tuần du phương Nam, nghe tiếng đàn tiên và đàn trên núi. Núi Thiên Cầm, không chỉ lãng mạn với hồn các tiên nữ chốn bồng lai, khi ráng chiều bảng lảng. Hang động núi Thiên Cầm, còn âm vọng tiếng gươm khua của Hồ Quý Ly. Đứng trên đỉnh Thiên Cầm lồng lộng gió, du khách có thể "thu gọn trong tầm mắt" các hòn đảo xinh xắn, nên thơ, nhô lên giữa mặt biển như hòn Chụp mẹ, hòn Chụp con, phía xa là hòn Én, hòn Muổng.
Theo ông già Thiết, một người khá am tường về Hán học, đã dẫn lại chuyện xưa khá thú vị cho tôi nghe rằng: vào một chiều thu tháng tám năm 1470 (thế kỷ XV), trên đường nam chinh, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân tại làng Nhượng Bạn, để thăm hỏi cuộc sống dân tình. Thấy người vui, cảnh đẹp nhà vua đã ngẫu hứng tặng thơ: "Chợ hàng nước xõa nhiều tôm cá / Chài lưới thuyền nằm rộn xóm thôn ". Tôi thầm phục trí nhớ mẫn tiệp của ông già Thiết, bằng con chữ của cố nhân xưa, gợi cho tôi hình bóng của một đức vua luôn đem tấm lòng ân nghĩa với dân với nước. Một tâm hồn thi sĩ mênh mang, để những câu thơ này như có phép màu, nuôi dưỡng niềm lạc quan cho dân làng Cẩm Nhượng muôn đời sau.
Chưa bao giờ tháng năm với những ngày đại lễ của đất nước, du khách từ mọi ngã đổ về khu du lịch biển Thiên Cầm lại đông như thế. Chắc họ khao khát vì nhớ biển quá, nên khách sạn lớn như Thiên Ý đến những nhà nghỉ mi ni, đều đăng ký hết phòng... hải sản phục vụ không kịp cho khách có nhu cầu.
Thảo một gái trẻ vồn vã vừa tiếp chuyện, vừa lau lại chiếc bàn nhựa, để đặt bốn con ghẹ đỏ hươm, cho tôi và anh bạn nếm đặc sản biển. Vây quanh tôi là cả một rừng người, đủ trong Nam ngoài Bắc, có cả những đứa trẻ mới lên năm tuổi lần này cũng theo bố mẹ tới Thiên Cầm. Tiếng cười nói ồn ã, lẫn trong mùi thơm của các món ăn đãi thực khách bay rộng giữa không gian.
Trước bãi cát dài phẳng lặng, sau một năm đìu hiu không có bóng người, vì sự "vạ lây" thảm họa môi trường biển, bây giờ từng tốp nam thanh, nữ tú, ăn vận trang phục quân áo biển, phơi bao... đang đu mình trong những cơn sóng biển hiền hòa. Một chàng sinh viên từ Hà Nội về, đang giơ chiếc máy ảnh kỷ thuật số khá đắt tiền, bấm lia lịa cảnh trời mây non nước Thiên Cầm. Tôi nghe chàng trai nọ đang nói với bố mình: - Năm ngoái bố đưa con đi Quy Nhơn, được chiêm ngưỡng Ghềnh Ráng đã thấy đẹp, nhưng về đất Cẩm Xuyên này biển Thiên Cầm đẹp có kém gì Quy Nhơn đâu.
Tôi dẫn ra vài hình ảnh mà mình mắt thấy tai nghe như vậy, sức hấp dẫn về lâu về dài của khu du lịch biển Thiên Cầm đâu chỉ dừng lại ở đây, khi tiềm năng sẵn có, con người ở vùng đất này biết phát huy.
Với cơ sỏ vật chất 120 bể chứa hải sản, mỗi bể chứa 4,5 tạ - 5 tạ cá, cùng với một dàn lao động nữ giàu kinh nghiệm, cơ sở chị Thu đã tiêu thụ mỗi năm hơn 10.000 lít nước mắm |
Bây giờ trở lại câu chuyện làm ăn của làng biển Cẩm Nhượng. Ông Phạm Văn Nhật, chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên tâm sự với tôi :
"Khi xảy ra sự cố môi trường biển, ngư dân Cẩm Nhượng khá vất vả với mưu sinh nghề biển. Năm nay thì khác năm ngoái rồi, Cẩm Nhượng không chỉ được mùa du lịch, mà được cả mùa cá nữa. Từ đầu năm tới nay, đã có nhiều chủ thuyền đánh bắt được hàng chục tấn cá. Khi người ta đã hiểu ra vấn đề biển đã sạch, con cá đưa lên bờ cho người tiêu dùng đã yên lòng, thì giá cả thị trường trở lại đích thực với giá trị sản phẩm sạch thôi ".
Ông Nhật cho biết thêm: "Tôi rất mừng là dân Cẩm Nhượng đầy bản lĩnh và rất đoàn kết, có "qua cơn hoạn nạn mới hiểu rõ lòng nhau". Với một xã có gần 150 tàu thuyền, với gần 900 lao động, trong khi gặp sự cố, họ vẫn tìm mọi nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, sống nhân ái và đầy tình làng, nghĩa xóm. Trong đền bù thiệt hại do ảnh hưởng sự cố, mọi việc đều được công khai dân chủ và bình đẳng. Chính vì thế, càng tiếp thêm sức mạnh cho họ vươn khơi và năng động làm các dịch vụ trên bờ ".
"Đồng hành ra biển lớn "Cẩm Nhượng đang sáng lên như một ngọn hải đăng của các làng cá Hà Tĩnh. Người ta đã được thưởng thức những con cá trích, cá nục, cá thu, cá cơm, ruốc, tôm... mang thương hiệu Cẩm Nhượng có mặt khắp các phiên chợ. Người ta nhớ sản phẩm nước mắm, sản phẩm cá cấp đông ngon nổi tiếng của chị Hồ Thị Thu, chủ nhiệm Hợp tác xã chế biến Thu Hùng. Một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhưng rất năng động. Với cơ sỏ vật chất 120 bể chứa hải sản, mỗi bể chứa 4,5 tạ - 5 tạ cá, cùng với một dàn lao động nữ giàu kinh nghiệm, cơ sở chị Thu đã tiêu thụ mỗi năm hơn 10.000 lít nước mắm. Ngoài ra còn chế biến mắm tôm, mắm chua, mực một nắng..
Làng biển giàu cá bạc ở Cẩm Nhượng, đang lấy lại sức bình sinh của mình bắt đầu từ những mẫu hình như thế..
Cẩm Xuyên tháng 7/2017
Theo Phan Thế Cải/ Infonet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;