Theo ông Ngô Văn Hưng (trú tổ 50, phường Hòa Cường Nam), nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: “Từ năm 2003, tôi vào phía nam học cách nuôi cá lồng bè, tự lo chi phí đi lại, học phí. Sau khi về địa phương, tôi bắt đầu thử nghiệm nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ.
Mô hình nuôi cá lồng bè của hộ ông Ngô Văn Hưng, phường Hòa Cường Nam. Ảnh: Đăng Bình.
Ban đầu, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư thành phố hỗ trợ 4 tấn thức ăn, 300 cá giống, 4 lồng lưới (hỗ trợ 40% kinh phí làm thí điểm). Quá trình nuôi cá lồng bè sau đó có hiệu quả, việc tiêu thụ được bảo đảm. Từ đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thấy hiệu quả nên đã hỗ trợ nhân rộng mô hình này”, ông Hưng kể.
Theo ông Hưng, bình quân mỗi vụ cá, trừ mọi chi phí, ông vẫn lãi từ 70-150 triệu đồng tùy từng vụ. Hiện nay, ông Hưng tập trung nuôi các loại cá nâu (giá 450.000 đồng/kg tại lồng), cá dìa (250.000 đồng/kg), cá diêu hồng…
Ông Phan Thanh Dũng, hội viên nông dân ở tổ 4, thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, cho biết, từ năm 2015 ông bắt đầu thử nghiệm nuôi với 3 lồng cá mè kẻ (cá vược) trên sông Cu Đê; đến nay tăng lên 10 lồng, trong đó có 4 lồng cá dìa, 4 lồng cá mè kẻ, 1 lồng cá diêu hồng và 1 lồng cá ông hương.
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò (Đà Nẵng) không chỉ là cách làm giàu từ nông nghiệp, cách làm giàu ở nông thôn mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh Đăng Bình.
Ông Dũng chia sẻ: “Trong thôn hiện có 3 hộ nuôi theo mô hình cá nước lợ. Tôi nuôi cá theo thời vụ, thường kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 7. Tiền giống bỏ ra gần 50 triệu đồng, tiền thức ăn cho một vụ khoảng 100 triệu đồng”. Bỏ ra 150 triệu đồng (chưa kể tiền lồng, bè, công cụ phụ trợ), cuối vụ thu hoạch, ông Dũng lãi từ 70-100 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Hưng cho biết thêm, ngoài 3 lao động chính thường xuyên làm việc tại bè, đến mùa thu hoạch còn thu hút thêm khoảng 5 lao động thời vụ, chưa kể các dịch vụ khác đi kèm như thức ăn, giống... “Tính sơ sơ, mỗi bè cá giải quyết được hàng chục lao động. Còn thực tế ở bè, bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập trên 10 triệu đồng. Những lao động chính và lao động thời vụ đều có mức thu nhập xấp xỉ 7-10 triệu đồng/tháng”.
Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, nghề nuôi cá lồng trên sông Cẩm Lệ bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2006. Những người nuôi cá ở nơi đây đã có kinh nghiệm chăm sóc cũng như phòng ngừa, trị bệnh cho cá để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Tỷ lệ sống của cá điêu hồng nuôi trên sông Cẩm Lệ đạt trên 80%. Độ sâu và dòng chảy phù hợp, nguồn thức ăn cho cá bảo đảm chất lượng…là những điều kiện thuận lợi cho phép phát triển nghề nuôi cá lồng ở sông Cẩm Lệ.
Với 50 bè nuôi cá hiện nay của phường Hòa Cường Nam đã giải quyết được việc làm cho 150 lao động thường xuyên và 300 lao động thời vụ có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, mô hình nuôi cá lồng bè trên sông đã đem lại hiệu quả khá cao, nhưng một thời gian dài thành phố cấm không cho nuôi, nên các chương trình hỗ trợ, ưu đãi dành cho nông dân đều không thể đến với nông dân nuôi cá lồng bè.
Nông dân phường Hòa Cường Nam vừa nuôi cá lồng bè, vừa phập phồng lo lắng vì việc thành phố Đà Nẵng ra văn bản cấm nuôi cá trên sông Cẩm Lệ. Ảnh: Đình Thiên.
"Đây cũng là một thiệt thòi lớn, bởi họ không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định. Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn của thành phố Đà Nẵng cần có đánh giá đúng và tham mưu cho UBND thành phố có chủ trương đồng ý cho nông dân được phép nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ...", ông Hải đề xuất.
Tác giả bài viết: Đăng Bình
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;