|
Nông dân P.Hưng Thạnh, Q.Cái Răng, Cần Thơ thu hoạch dưa hấu trên đất mượn của ban quản lý dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô - Ảnh: T.Đức |
Mới 5g sáng, quán cà phê cóc của vợ chồng ông Phú nằm bên bờ rạch Cái Da, P.Hưng Thạnh, Q.Cái Răng (thành phố Cần Thơ), điểm hẹn của những nông dân chuyên mượn đất dự án bỏ không để làm rẫy, đã xôm tụ hẳn.
Xóm mượn đất
Đây là mô hình hay, hiệu quả lắm, đang được khuyến khích nhân rộng ra toàn thành phố |
Ông ĐẶNG HOÀNG QUÂN(chủ tịch Hội Nông dân Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) |
“Tối qua lái gọi cho tui báo giá dưa hấu mua tại rẫy đã 4.800 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng so với tuần trước. Với đà tăng giá này cả xóm ăn tết mát trời luôn hen” - ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Bạo, chi hội trưởng nông dân khu vực 2, P.Hưng Thạnh) hồ hởi khoe.
Trong khi đó ở bàn bên cạnh, mấy nông dân còn khá trẻ tụm đầu lại bàn: “Năm nay “thành long” ngon ăn hơn “hắc mỹ nhân” (tên hai giống dưa hấu). Sau vụ dưa này mình qua Cái Côn (Sóc Trăng) tìm đất dự án bỏ không, coi có miếng nào ngon xin người ta khai hoang tăng diện tích nha mấy cha”!
Vừa dứt tiếng, một nông dân khác đã chêm vào: “Bữa trước tui đi rảo qua mấy dự án bên P.Phú Thứ và P.Tân Phú, thấy còn mấy miếng bỏ không, nhưng nghe đâu người ta cho thuê chứ không cho mượn. Bữa nào rảnh kéo nhau qua coi, nếu giá cho thuê dưới 10 triệu đồng/ha thì làm cũng có ăn đó”.
Khu vực 2, P.Hưng Thạnh ngày trước nổi tiếng với nghề làm vườn, trồng rẫy. Trên bước đường đô thị hóa, với hàng loạt dự án mở ra, rồi chuyển đổi đơn vị hành chính từ xã thành phường, diện tích đất sản xuất ở địa phương cứ teo tóp dần.
Nhiều hộ gia đình không còn đất, phải chuyển đổi nghề không phù hợp hoặc rời quê đi mưu sinh lập nghiệp nơi khác. Trước thực trạng đó, những cán bộ hội nông dân là người địa phương đã nảy ra sáng kiến mượn đất dự án đã san lấp mặt bằng nhưng chưa đầu tư xây dựng cho dân sản xuất.
Năm 2009, hơn 2,5ha đất chưa sử dụng của Công ty Nam Long được giao cho bốn hộ nông dân Bùi Văn Tứ, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Bùi và Lê Thành Kính để trồng dưa hấu.
“Ngày nhận đất, cỏ sậy cao lút đầu, anh em chúng tôi tốn bao công sức khai phá, vậy mà vụ dưa đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên thất trắng, mỗi người lỗ cả chục triệu đồng. Từ vụ thứ hai trở đi thì bắt đầu trúng đậm, năng suất tăng vùn vụt từ 20 tấn lên 35 rồi 40 tấn/ha, khiến ai cũng nứt lòng” - ông Sáu Tứ kể.
Thấy làm ăn hiệu quả, hội nông dân và UBND phường đã rà soát, liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, mượn toàn bộ 40ha đất dự án chưa sử dụng để giao lại cho 74 hộ dân sản xuất. “Dân có đất sản xuất để tăng thu nhập, trong khi cảnh quan môi trường cũng xanh sạch đẹp hẳn lên, lợi cả đôi đường” - chủ tịch Hội Nông dân P.Hưng Thạnh Huỳnh Văn Việt nói.
Tận dụng cả nền tái định cư
Trên con đường dẫn vào khu dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô (khu vực 2, P.Hưng Thạnh), gia đình ông Lê Quang Hiếu đang thu hoạch dưa hấu. Những chiếc xe máy gắn giỏ phía sau nườm nượp chở dưa xuống ghe đậu ở mé kênh trước trụ sở UBND P.Hưng Thạnh, cách rẫy dưa chỉ vài trăm mét. Thu hoạch gần 4 công dưa, với khoản lời kha khá nên chủ rẫy cười tươi như hoa, sẵn lòng hái tặng khách qua đường những quả dưa ngọt lịm.
Cạnh rẫy dưa ông Hiếu, vợ chồng ông Sáu Phúc không giấu niềm vui: “Nhờ trồng dưa hấu trên đất mượn, vợ chồng tui không chỉ lo cho hai con học lớp 8 và lớp 3, mà còn sửa được nhà và sắm chiếc máy làm đất. Vụ này tui đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua màn phủ nông nghiệp, máy bơm tưới cho 3,5 công dưa, với hi vọng sẽ kiếm chừng chục triệu đồng tiền lời ăn tết”.
Không riêng vợ chồng ông Phú, ông Hiếu, những ngày cận tết về xóm mượn đất hoang làm rẫy vui lắm.
Cả một đoạn kênh dài mấy cây số ghe chở dưa tấp nập ra vô, bởi nhà nào cũng thu hoạch cả chục tấn dưa bán tết! Nói về hiệu quả của “nghề” mượn đất hoang làm rẫy, ông Đặng Hoàng Quân, chủ tịch Hội Nông dân Q.Ninh Kiều, đúc kết: “Đây là mô hình hay, hiệu quả lắm, đang được khuyến khích nhân rộng ra toàn thành phố”.
Trong khi đó tại khu tái định cư cầu Cần Thơ (P.Đông Thuận, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) hiện vẫn còn cả trăm nền nhà bỏ trống do chủ sở hữu đã sang nhượng hoặc đi làm ăn xa.
Nhiều nông dân đã tận dụng phần đất trống này để trồng rau màu. Một trong những nông dân nổi tiếng làm rẫy theo kiểu “du canh” ở đây là vợ chồng ông Nguyễn Văn Trọng (Sáu Trọng). Hễ thấy chỗ nào có đất trống là ông đến phát hoang, dọn đất, bởi như ông nói: “Muốn hỏi người ta có đồng ý cho trồng hay không cũng không biết chủ đất ở đâu”.
Cách làm rẫy của ông Sáu Trọng coi vậy mà không chủ đất nào giận. Bởi có bàn tay người chăm sóc, thửa đất trở nên sạch đẹp hơn.
“Mỗi cái nền chừng trăm mét vuông, gặp khi trúng mùa trúng giá, mang lại cho mình vài triệu đồng như chơi” - ông Sáu Trọng kể. Từ hiệu quả bất ngờ này, Hội Nông dân P.Đông Thuận đã xây dựng mô hình sản xuất cho thu nhập cao hơn hẳn so với canh tác các loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Bá Truyền, chủ tịch Hội Nông dân P.Đông Thuận, xòe tay tính: với tám lần thu hoạch trong năm, giá bán bình quân 9.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư người trồng hẹ có thu nhập khoảng 220 triệu đồng/ha. “Đất bỏ không mà làm ra nguồn lợi vậy là ổn lắm rồi” - ông Truyền nói.
Phong trào mượn đất lan rộng Tại Sóc Trăng, để tận dụng đất chưa sử dụng ở các khu công nghiệp, mấy năm qua người dân các nơi đã tìm đến và được ban quản lý cho phép đầu tư sản xuất. Ông Nguyễn Quang Thu, quê tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng), trong lúc “khát” đất sản xuất đã đi hơn 20 cây số, tìm đến tận khu công nghiệp tỉnh xin mượn 6ha đất chưa có doanh nghiệp đăng ký thuê hoặc đã đăng ký nhưng chưa sử dụng để gieo trồng. Năm đầu ông Thu sạ lúa. Sau đó, nghe người trồng sen cho thu nhập cao, hai năm nay ông đã chuyển qua trồng sen lấy củ. Hôm chúng tôi đến, ông đang thu hoạch sen sớm để bán tết. “Nhà tui cũng có mấy chục công đất nhưng thường xuyên bị nhiễm mặn, thu nhập không bao nhiêu. Nhờ đất mượn ở khu công nghiệp mà tết này cũng có đồng ra đồng vào” - ông Thu cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Sóc Trăng có hai khu công nghiệp đang triển khai. Khu công nghiệp tỉnh quy mô 256ha, trong đó phần đất chưa có nhà đầu tư thuê còn khoảng 26ha, đã cho dân mượn canh tác tạm thời. Còn Khu công nghiệp Trần Đề có khoảng 72ha trên tổng số 120ha theo quy hoạch - đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân đã vào canh tác tạm thời. “Chúng tôi chủ trương chọn người có uy tín cho hợp đồng canh tác tạm thời trên phần đất chưa có doanh nghiệp thuê để vừa cải thiện thu nhập cho nông dân, vừa tạo cảnh quan và giữ an ninh trật tự cho khu công nghiệp” - ông Nguyễn Văn Kiệt, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, nói. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã