Học tập đạo đức HCM

Xây “chung cư” cho lợn

Thứ ba - 27/10/2015 03:24
Có một khái niệm trong mô hình chăn nuôi còn xa lạ với rất nhiều người, đó là "chung cư lợn". Đây là mô hình đầy sáng tạo của những người nông dân ở Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long, xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) nhằm theo đuổi khát vọng cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt lợn thật sự an toàn, chất lượng...
 

 “Chung cư” dành cho lợn tại xã Tân Ước.

Nông dân phải có tri thức

Về đến đầu xã Tân Ước (Thanh Oai), sau khi nghe tôi hỏi đường đến "chung cư lợn", một phụ nữ vui vẻ chỉ dẫn: Chị cứ đi theo đường đê, ở đó chỉ có mấy trang trại thôi, nhưng cái nào khác biệt nhất thì đó chính là "chung cư lợn" của HTX Hoàng Long. Tôi chạy xe theo con đê lổng chổng đất đá, thỉnh thoảng có vài ổ gà và thấy ngay điều đặc biệt, khác thường mà người phụ nữ lúc nãy đã nói.

Giữa cánh đồng mênh mông là những dãy nhà cao tầng san sát. Đúng, mô hình này chẳng giống ai, chẳng ở đâu có và gây tò mò với tôi ngay từ khi bước chân vào trang trại. Đàn hơn 3.000 con lợn thịt, trắng hồng ủn ỉn, được ngăn trong những "ca bin" sạch sẽ, máng ăn luôn có cám và phía cuối mỗi "ca bin" có một diện tích nhỏ, có nước để những chú lợn dầm mình khi muốn tắm.

Gần đó là nơi chế biến thức ăn cho lợn. Khu "chung cư" dành riêng cho hơn 1.000 lợn nái, lợn "sơ sinh" và khu giết mổ, chế biến đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Môi trường trong khu trang trại sạch sẽ, nhiều bóng cây xanh và mặt nước mát lành. Qua câu chuyện với Chủ nhiệm HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long, chúng tôi nhận thấy mô hình chăn nuôi lợn này xuất phát từ sự trăn trở của chính những người xây dựng lên HTX, làm sao để đứng vững, làm giàu từ chính bàn tay, khối óc của mình.

Giống như bao người tay trắng đi lên, mô hình chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Trọng Long được thai nghén suốt cả quá trình dài. Trăn trở về việc làm thế nào để đứng trên đôi chân của mình, ông Long đã tìm những người bạn cùng bàn bạc, tìm tòi và mô hình trang trại chăn nuôi lợn đã "lạc" vào tầm ngắm của ông. Ý tưởng chăn nuôi lợn theo quy mô lớn đã thuyết phục 10 nông dân gom hơn 2ha ruộng của gia đình về một mối để làm trang trại ở xứ đồng Thanh Mai, thuộc thôn Tri Lễ, xã Tân Ước từ năm 2006.

Song, để chuẩn bị cho mô hình đó, 10 nông dân đã phân công nhau, người đi học cách phối giống, thụ tinh, thú y tại Đại học Nông nghiệp, học kỹ thuật chăn nuôi lợn ở Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương… Những người nông dân này xác định phải có kiến thức về khoa học - kỹ thuật và coi đây là nền tảng để gây dựng sự phát triển bền vững, không làm "xổi", không làm mò. Còn bản thân ông chủ nhiệm đã tìm hiểu các quy định về quy hoạch, lập dự án và từ một người chuyên buôn bán vật liệu và cai thầu xây dựng, ông đã định hình trong tư duy của mình một quy hoạch trang trại hợp lý, khoa học.

Nói về điều này, ông Long cười: Đến nay, toàn bộ quy hoạch của trang trại vẫn được xây dựng, phát triển theo định hướng từ ngày đầu và hiện tại trang trại chuẩn bị hoàn thiện theo chu trình khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, phân phối. Sau khi xây dựng xong trang trại và đi vào hoạt động, ông Long tiếp tục những ngày đèn sách, học quản lý tại Viện Đại học Mở Hà Nội với suy nghĩ nghiêm túc: Người nông dân phải có tri thức, tri thức đó phải được áp dụng vào thực tiễn, biến nó thành kiến thức để quản lý, bắt nó sinh ra của cải… Và thực tiễn đã chứng minh, tri thức đã biến ước mơ của những người nông dân này thành hiện thực.

Vì một sản phẩm an toàn

Qua câu chuyện của ông Long, chúng tôi biết sự thành công của trang trại không phải dễ dàng, suôn sẻ mà đầy cam go. Ban đầu, mỗi anh em chạy vạy, vay vốn khắp nơi để đóng góp trung bình 500 triệu đồng/người. Tháng 10-2007, trang trại được khởi công, rồi xây dựng đến đâu, chăn nuôi đến đó. Thu hoạch xong lứa nào, đồng vốn lại tiếp tục quay vòng tái đầu tư cơ sở vật chất.

Cứ thế, trang trại dần lớn mạnh và ngày càng hoàn thiện. Thời kỳ đầu, HTX phải nhập toàn bộ thức ăn công nghiệp để nuôi lợn và chính điều này cũng nhen nhóm trong đầu ông Long câu hỏi: Tại sao họ làm được mà mình lại không làm được? Nghĩ vậy, ông nung nấu, tìm tòi. Kết quả, sau 3 năm chăn nuôi lợn, ông đã thành công với công thức chế biến thức ăn cho lợn từ 40kg trở lên, sau đó ông phối trộn thức ăn, đạt 95% lượng thức ăn cho cả đàn lợn trong trang trại.

Do tự chế biến được thức ăn chăn nuôi nên các khâu trung gian được cắt giảm ở mức tối đa. Hơn thế, thức ăn tự chế biến không có chất kháng sinh, không có chất tăng trọng trong danh mục cấm nên chất lượng thịt được bảo đảm. Tiếp nối thành công, năm 2012, HTX Hoàng Long thí điểm sử dụng nguồn thức ăn sinh học. Đến nay, 60% sản lượng lợn được chăn nuôi bằng thức ăn sinh học và không lâu nữa sẽ tiến tới xóa bỏ việc dùng thức ăn công nghiệp.

Ông Long so sánh: "Nếu nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì trong 5 tháng sẽ nuôi được 1 con lợn có trọng lượng 100kg, nhưng nuôi bằng thức ăn sinh học thì phải mất 6,5 tháng, lợn mới đạt trọng lượng đó. Song, để duy trì nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, trang trại vẫn theo đuổi quy trình chăn nuôi này. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện nay không chỉ ăn chắc, mặc bền, ăn ngon, mặc đẹp mà còn hướng tới việc "ăn kén, mặc chọn" và sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng.

Chính vì vậy, việc lựa chọn thức ăn sinh học là một hướng đi lâu dài, bền bỉ nhằm khẳng định thương hiệu thịt lợn mang tên "Thực phẩm A-Z" của HTX Hoàng Long. Trang trại của chúng tôi sẽ là mô hình khép kín, dự kiến, trước tết Âm lịch chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống máy móc, nhà xưởng giết mổ với công suất 50 con/ngày" - ông Long khẳng định.

Cái khó... ló cái khôn

Để có được nguồn giống tốt, trang trại đã chủ động trong việc nuôi lợn nái và có một ưu tiên đặc biệt với các "mẹ" nái và lợn "sơ sinh" là được ở chuồng "chung cư". Nói về chuồng chung cư, ông Long tủm tỉm: Đất đai có hạn nên việc xây dựng chuồng trại bị hạn chế. Liên tưởng tới hình ảnh các khu chung cư cao tầng, ông Long nảy ý định xây nhà tầng cho lợn ở.

Năm 2011, HTX bắt tay vào xây dựng và ý tưởng này đã thành công mỹ mãn. "Chung cư lợn" vừa giải quyết được nhu cầu về tăng diện tích chăn nuôi, vừa thuận lợi cho chăm sóc và không gây ô nhiễm môi trường. Ông Long so sánh: Trước kia, chuồng úm trệt chỉ úm được 350 con, nay "chung cư" úm 3 tầng được hơn 1.000 con; nái đẻ trước kia ở chuồng cấp 4 chỉ chứa được 40 con, nay được ở "chung cư" 2 tầng nên số nái tăng lên 120 con. Không những thế, sau khi cho lợn ở "chung cư", do hệ thống thoát khí tốt, môi trường sống thoải mái nên tỷ lệ lợn con chết sau sinh giảm và trọng lượng khi lợn cai sữa cũng tăng thấy rõ so với nuôi ở nhà cấp 4.

Cùng với việc đưa hệ thống giết mổ, chế biến vào hoạt động, HTX đang cải tạo lại hệ thống thu gom, xử lý môi trường bằng cách đưa toàn bộ hệ thống xử lý chất thải ra bên ngoài hàng rào của trang trại, trong đó khoảng 80% lượng phân được xử lý thành phân bón cây, 20% còn lại được đưa vào hầm biogas ở dạng lỏng. Sau xử lý, lượng nước thải sẽ chảy ra hồ sinh học và bảo đảm hồ này sẽ nuôi được cá sạch, môi trường thân thiện, trong lành…

Với mức doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm, Hoàng Long hiện đang là mô hình HTX được rất nhiều người quan tâm, học hỏi và là điểm sáng trong hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn TP Hà Nội.

Hà Nội mới
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay30,661
  • Tháng hiện tại209,228
  • Tổng lượt truy cập90,272,621
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây