Với cây lúa, sản xuất nông hộ không gặp khó về bảo quản bởi vẫn để thóc được cả vụ, cả năm nhưng với cây rau thực sự là một nan đề bởi dễ lâm vào tình trạng “sáng tươi, chiều héo, tối không khéo đổ đi”.
HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc của Kiều Thị Huệ ở xã Kim Long, huyện Tam Dương có diện tích 6,5ha. Lúc tôi đến khắp cánh đồng xanh mướt những giàn mướp, giàn bí đang đeo quả lúc lỉu bên dưới.
Thành lập năm 2014, mới đầu HTX thuyết phục dân làm theo hướng an toàn, người nghe, người không. Thêm vào đó, khả năng bao tiêu của HTX lại chỉ được một phần nhỏ của diện tích nên lại càng thêm khó.
Tới nay, khi HTX đã bao tiêu được 100% sản phẩm cho dân thành ra chỉ đạo xuyên suốt được từ khâu làm đất, trồng giống gì, chăm sóc ra sao đến thu hoạch điều chỉnh theo sản lượng từng ngày thế nào.
Bà con tham gia còn được tỉnh hỗ trợ theo chương trình sản xuất hướng hữu cơ là 50% phân hữu cơ vi sinh. Sản phẩm làm ra ngoài bán theo đơn hàng mỗi ngày còn dự trữ trong kho lạnh để chủ động nguồn cung.
HTX của Huệ khá may mắn khi được kế thừa những tài sản cũ của chương trình QSEAP về sản xuất rau an toàn giai đoạn trước đây tài trợ cho địa phương, trong đó có nhà sơ chế, đường sá, kênh mương… để mà thuê lại. Còn những HTX mới khác muốn làm rau dù diện tích chỉ cỡ 1ha mà không có nhà sơ chế đã khó hoạt động rồi chứ chưa nói đến 10ha, 100ha. Quỹ đất của một tỉnh công nghiệp hóa ở tất cả các huyện đồng bằng giờ còn leo lên cả huyện miền núi như Vĩnh Phúc giờ đây là rất hiếm.
Tôi về huyện Lập Thạch nơi tiêu thụ bình quân 1,1 kg thuốc BVTV/ha/năm, thuộc vào hàng thấp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Anh Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết, địa phương có hơn 6.000ha đất sản xuất nông nghiệp trong đó có hơn 700ha 1 lúa, 1 cá nhưng chỉ có 1 cửa hàng thuốc BVTV đúng nghĩa, những cái khác khi nào có sâu bệnh rộ lên mới lấy về chứ không tích trữ.
“Trước đây, lương thực khó khăn, dân tôi sử dụng thuốc BVTV rất nhiều. Đồng ruộng lầy thụt, nước ngập đến bụng, nếu đeo cái bình phun nặng mà lội xuống ruộng có khi không thấy đầu người nên có thời dân Lập Thạch sáng tạo ra cách trộn cát với thuốc trừ sâu để đi rắc. Bây giờ thuốc trừ cỏ dân vẫn còn dùng nhưng thuốc trừ sâu thì rất ít khi", anh Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lập Thạch chia sẻ.
Trạm bảo vệ thực vật huyện thông báo từng cánh đồng, từng thửa ruộng nào đến ngưỡng. 10 năm làm trưởng phòng, anh Thái chỉ có 2 vụ phải khuyến cáo xử lý thuốc ở 2 xã là Xuân Lôi, Tiên Lữ, cháy mất 10ha lúa do rầy còn lại đều không đến mức phải phòng trừ.
Ruộng trũng lại đất xấu, chua nên không thể cấy thưa theo SRI như ở nhiều địa phương, Lập Thạch tập trung vào hai khâu thời vụ cộng với giống. Trước đây mỗi một xã 17-18 loại giống giờ chỉ hỗ trợ 4-5 loại giống, chọn loại ít bị nhiễm bệnh, gieo cùng trà, cấy tập trung trong hơn 10 ngày, gọn hơn cả lịch thời vụ của tỉnh. Năng suất của chúng tôi đạt ở mức trung bình thôi, vụ xuân 5,8-6,2 tấn/ha, vụ mùa 5,4-5,8 tấn/ha nhưng được cái là hạt thóc an toàn.
Anh Đỗ Quốc Đoàn, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Đồng Ích khoát tay về đồng lúa mới cấy và bảo: “Trước đây hầu hết diện tích của chúng tôi đều làm kiểu 1 lúa, 1 cá, rất manh mún, mỗi nhà trung bình 10-15 mảnh, có mảnh nhỏ chỉ 40m2, con trâu còn khó xuống cày nên người phải cuốc bằng tay.
Sau khi trung bình mỗi hộ chỉ còn 2-3 mảnh, Đồng Ích thí điểm cấy 10ha lúa ngay trong vụ mùa theo dạng liên kết, cùng áp dụng VietGAP. HTX Việt Xuân trước đó đã trúng thầu với xã để thực hiện số diện tích này với giá 680.000đ/sào. Họ có trách nhiệm làm đất, gieo mạ, cấy máy, phun thuốc 1 lần, gặt máy. Dân chỉ việc mang bao tải đến đầu bờ để lấy thóc về, được bảo lãnh năng suất nếu dưới 160 kg/sào sẽ hỗ trợ. Chăm bón bằng phân hữu cơ, thóc làm ra được bao tiêu với giá 8.400 đ/kg tươi. Nếu mà mô hình thành công sẽ nhân rộng ra hết cả cánh đồng 100 ha, thậm chí là toàn xã…
Về chuyện giảm thiểu thuốc BVTV, theo anh Đoàn, ở vùng nào có sâu bệnh đến ngưỡng sẽ có thông báo phun phòng, thuốc được xã hỗ trợ hoàn toàn, trị giá khoảng 40-45 triệu đồng mỗi năm. Dân nhận thuốc về, cán bộ ngồi tại bờ để hướng dẫn cách sử dụng. Phần vì thu nhập nông nghiệp thấp, phần vì dân sợ độc hại nên giờ chỉ còn cỡ 30% gia đình có bình phun thuốc, lượng thuốc sử dụng giảm đi cỡ 70% bởi thay vì phun 2-3 lần/vụ giờ chỉ có 1 lần.
Ngoài kiểu canh tác sinh thái 1 lúa 1 cá, Lập Thạch còn có một nét độc đáo trong nông nghiệp là 300ha thanh long ruột đỏ, phần lớn đang áp dụng chuẩn VietGAP, hữu cơ. 10 năm về trước ba anh em Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Hữu Tuyến cùng bố mẹ ở thôn Đồng Núi xã Vân Trục đã phá đồi sắn, bạch đàn trồng thanh long để đến giờ diện tích lên tới 3,5ha.
5 năm đầu, dịch bệnh rất ít nên không cần phun thuốc, sau đó bắt đầu phát sinh. Họ phòng bằng cách phát sạch cỏ để chúng hết nơi lưu trú, kế đến là bón bằng phân chuồng ủ hoai mục để tăng sức đề kháng cho cây. Khi sâu bệnh đến ngưỡng mới xử lý thuốc BVTV sinh học:
“Làm thanh long lúc nào cũng bận rộn. Mỗi khi đài báo sắp mưa là chiều hôm ấy phải huy động cả nhà cùng thuê thêm người nữa để úp mấy vạn cốc nhựa lên nụ hoa đề phòng tối nở gặp nước mà bị thối, tránh phải dùng thuốc. Khi chăm sóc, chúng tôi không dùng hóa chất để tạo mã hay vuốt tai như nhiều nơi ở miền Trung mà cứ để chúng phát triển tự nhiên nên tai ngắn và không có màu xanh nhưng bù lại chất lượng tốt, được các thị trường Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh ưa chuộng. Mỗi năm thu 6-8 lứa, bán 25.000-50.000đ/kg tùy thời điểm, cho mức lãi khoảng 250-300 triệu/ha”, anh Kiên kể.
Trong danh sách các tỉnh thực hiện tốt chương trình IPM giai đoạn 2015-2020 có Vĩnh Phúc ở mức đầu tư 3,7 tỉ đồng trong khi tỉnh kế bên Phú Thọ ở mức đầu tư 32,4 tỉ đồng. Nhưng đó là do cách tính khác nhau, một bên chỉ tính đầu tư trực tiếp vào các lớp IPM còn một bên tính cả những chương trình khuyến nông, nông thôn mới, dự án có áp dụng một phần “tinh thần IPM” vào.
Ngoài đầu tư trực tiếp cho IPM ở Vĩnh Phúc còn nhiều chương trình hỗ trợ khác cho nông nghiệp sạch trong đó tiêu biểu phải kể đến hai chương trình: Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022, ngân sách hỗ trợ 28 tỉ, riêng về rau, quy mô mỗi năm 1.664ha. Sản xuất rau VietGAP thực hiện từ năm 2016, riêng năm 2021 thực hiện 1.840ha, ngân sách hỗ trợ 15,4 tỉ.
Ông Nguyễn Bá Tuệ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt Bảo vệ Thực vật Vĩnh Phúc cho tôi hay, hiện tỉnh có 255 cơ sở buôn bán thuốc BVTV, lượng dùng giảm ít nhất 50% so với cách đây hơn 10 năm, đang ở mức 113 tấn với bình quân 2,6kg/ha/năm trong đó sinh học là 0,9 kg. Tổng lượng phân bón sử dụng là 238.955 tấn trong đó vô cơ chiếm 45,6%, hữu cơ, sinh học chiếm 54,4%. Tỷ lệ thiệt hại do sâu bệnh nhiều năm rất thấp mà năng suất cây trồng vẫn đạt khá là nhờ vào nền tảng của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM.
Có giai đoạn chương trình IPM ở Vĩnh Phúc bị ngắt quãng mất vài năm, các lớp học không được tổ chức, còn Trung tâm IPM trực thuộc Chi cục chuyển thành Phòng IPM rồi bị bỏ bởi sắp xếp bộ máy. Để bù đắp, tất cả cơ cấu giống cũng như thời vụ được Chi cục cho in trên 8.000 tờ lịch nông vụ, phát từ trưởng thôn trở lên đến nhà văn hóa để cứ họp hành là đập vào mắt của bà con với những khuyến cáo cụ thể.
Đến năm 2017 chương trình IPM mới được khởi động lại, Chi cục liên tục mở lớp đào tạo nông dân nòng cốt và hiện hơn 62% diện tích lúa đã áp dụng SRI giúp cho việc giảm thiểu thuốc BVTV được bền vững…
Dương Đình Tường/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;