Việt Nam lại sở hữu một loại ca cao rất độc đáo, đó là có hương vị trái cây và chua nhẹ rất khó tìm |
Trong khuôn khổ Thỏa thuận đối tác chiến lược trong nông nghiệp Việt Nam - Bỉ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Ca cao Việt Nam “Hướng tới xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Paul Jansen - Đại sứ Bỉ tại Việt Nam - khẳng định, Bỉ là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất cũng như chất lượng của socola và ca cao chính là nguyên liệu quan trọng nhất. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu một loại ca cao rất độc đáo, đó là có hương vị trái cây và chua nhẹ rất khó tìm. Đây chính là yếu tố có thể giúp ca cao Việt Nam trở thành một sản phẩm độc đáo, chiếm lĩnh được một thị trường ngách thú vị trên thế giới.
Với những tiềm năng như vậy, điều cần làm hiện nay là khai thác thế nào cho hiệu quả và ông Paul Jansen khẳng định Bỉ sẵn sàng hỗ trợ, tạo liên kết cho loại quả này của Việt Nam trên cơ sở 2 nước đã là đối tác chiến lược về nông nghiệp. "Tăng cường hơn nữa việc sản xuất ca cao - nguyên liệu đầu vào cho socola tại Việt Nam với phương thức bền vững và tăng cường thu nhập cho người dân. Đây là vấn đề quan trọng", ông Paul Jansen nói.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), hiện nay Việt Nam đang chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị cao và ca cao là một trong số đó. Theo ông Tuấn, ca cao Việt Nam từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó năm 2015 được ICCO xếp hạng là loại ca cao hảo hạng. Tuy nhiên, sau khi lên đỉnh điểm vào năm 2012 với 25.000, đến nay diện tích ca cao ở Việt nam chỉ còn 5.000ha.Tại hội nghị, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận các thách thức cùng với giải pháp cho sự phát triển của ngành ca cao tại Việt Nam. Đưa ra các khuyến nghị để phát triển chuỗi ca cao - socola nhằm nâng cao giá trị, tăng trưởng và tính bền vững của ngành ca cao tại Việt Nam.... Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp công nghệ để thúc đẩy xây dựng ngành hàng ca cao Việt Nam phát triển bền vững, theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới.
Chia sẻ những khó khăn trong sản xuất cây ca cao, ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết, hiệu quả kinh tế ca cao chưa thực sự hấp dân nông dân, năng suất đạt 11 tạ hạt /ha, thấp so với kỳ vọng. Bên cạnh đó, cây ca cao còn phải cạnh tranh với các cây trồng khác. Giá ca cao thế giới biến động ảnh hưởng đến thu mua trong nước. So sánh trên một đơn vị diện tích thì hiệu quả kinh tế của ca cao đang thấp hơn so với các cây trồng khác như cà phê, điều... Ngoài ra, khó khăn đối với ca cao Việt Nam hiện nay ngoài diện tích nhỏ, đa số là xen canh còn nằm ở khâu sơ chế và chế biến thành sô cô la. Do đó, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển ngành ca cao ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn về vấn đề vùng nguyên liệu tập trung.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cây ca cao Việt Nam có hương vị khá độc đáo có thể do vùng đất hoặc giống. Tuy nhiên, để phát triển sẽ có hàng loạt câu chuyện gồm: công tác giống; quy hoạch vùng trồng; chỗ bảo quản lên men sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp để sơ chế để nâng cao giá trị của sản phẩm…. Có những thứ cần phải thử nghiệm trước, sau đó, mới bàn lại các giải pháp.
Để ngành ca cao nắm bắt thời cơ, trở thành một sản phẩm độc đáo, chiếm lĩnh được một thị trường ngách thú vị trên thế giới, hướng tới xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới, các chuyên gia, các doanh nghiệp cho rằng: cần tìm ra được giải pháp để liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp nhỏ với các tập đoàn lớn, giúp phát triển ngành ca cao toàn diện, bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đưa ra được quy hoạch phù hợp cho cây ca cao. Cần có cơ chế trong liên kết và xây dựng chính sách giá phù hợp giữa doanh nghiệp với nông dân.
Ngành công nghiệp socola đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt ca cao từ khắp nơi trên thế giới, với mức tiêu thụ socola tăng trung bình là 5,7%. Nhu cầu về nguồn ca cao bền vững đang tăng mạnh và Việt Nam có thể đáp ứng trong khi các nước khác phải chật vật để tuân thủ.
Ca cao Việt Nam được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 19 nhưng không được quan tâm nhiều cho đến tận đầu năm 2000, khi được giới thiệu trở lại với nông dân Việt Nam qua chương trình ca cao do Đại học Nông Lâm phối hợp với Tổ chức Ca cao Quốc tế.
Ca cao Việt Nam đã nhận được sự công nhận của quốc tế sau khi giành được Giải thưởng Ca cao Quốc tế năm 2013, và được Tổ chức Ca cao Quốc tế xếp vào loại Ca cao Hảo hạng hoặc Có hương vị vào năm 2015 nhờ hương vị trái cây độc đáo.
Với những đặc điểm riêng biệt của ca cao Việt Nam (hương vị hảo hạng, chuỗi giá trị công bằng hơn), ca cao đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự ủng hộ của các nhà đầu tư trong nước và các tổ chức nước ngoài và được các doanh nghiệp trong ngành đặt niềm tin vào tiềm năng của ca cao Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một quốc gia ca cao mới, có thể làm thay đổi hiện trạng của ngành ca cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;