Học tập đạo đức HCM

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6

Thứ ba - 22/06/2021 08:54
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6.
Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”.

Đề án trên được tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bao gồm Trung tâm Học viện, các Học viện Chính trị khu vực (I, II, III, IV), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị một cách tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, cập nhật và hiện đại (gồm khung chương trình, cấu trúc nội dung chuyên đề, bài giảng, giáo trình giảng dạy, giáo án điện tử...), đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Những chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được xây dựng mới là: Các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho một số đối tượng khác và cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Đề án cũng thực hiện xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo lý luận chính trị và chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm: Các chương trình đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị cho các đối tượng của hệ thống chính trị; các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và tương đương, cấp huyện và tương đương…

Nhiệm vụ mà Đề án đặt ra là nghiên cứu tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong nước và quốc tế; xây dựng mới và hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi cả nước.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng và cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng các cấp; xây dựng mới các chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống giáo trình mới, phương pháp, kỹ năng giảng dạy và xây dựng một số học phần trên hệ thống giáo án điện tử.

Thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo tiền khả thi Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).

Quyết định cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Hội đồng và nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và bố trí kinh phí thẩm tra và thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định.

Lập Hội đồng thẩm định Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng) thuộc Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn theo phương thức đối tác công tư (Hội đồng thẩm định liên ngành).

Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ủy viên Hội đồng thẩm định liên ngành gồm lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Lạng Sơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Hội đồng tự giải thể khi kết thúc nhiệm vụ được giao.

Quy định mới về Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn triển khai công tác PBGDPL hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 21/2021/QĐ-TTg quy định mới về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Phối hợp PBGDPL thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017.

Theo đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm:

Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng thời, mời Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.  

Mời đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm ủy viên Hội đồng.

Việc bổ sung thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo một số ban của Đảng nhằm bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, đồng thời, bổ sung thành viên là đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao để triển khai công tác PBGDPL toàn diện, phù hợp với bối cảnh, yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng và chú trọng PBGDPL cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Ở địa phương, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 21/2021/QĐ-TTg đã giao chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào thành phần Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương và yêu cầu thực tiễn của địa phương quyết định thành phần, số lượng thành viên hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện làm chủ tịch hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng

Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg đã bổ sung và quy định rõ hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.

Theo quy định mới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương được bổ sung một số nhiệm như: Tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả; triển khai công tác PBGDPL trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện tư vấn cho UBND, chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ sau: Xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trên địa bàn trong công tác PBGDPL; đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL;

Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của UBND, chủ tịch UBND cùng cấp về PBGDPL và truyền thông chính sách pháp luật tại địa phương;

Triển khai công tác PBGDPL trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương;

Hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại địa phương; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn;

Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật…

Cơ chế quản lý tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2021/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Theo quy định, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hình thức và thẩm quyền đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Doanh thu và chi phí của hai đơn vị trên được quản lý theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Trong đó, doanh thu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam gồm: Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ; doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; doanh thu và thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con.

Doanh thu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam gồm doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ và doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ. Ngoài doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính đối với lãi tiền gửi phát sinh từ hoạt động thanh toán hộ cổ tức, gốc, lãi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, các chứng khoán khác và thực hiện quyền mua chứng khoán.

Quy chế quản lý tài chính với công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Nghị định nêu rõ: Căn cứ quy định tại Nghị định này, quy định của pháp luật về quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành Quy chế quản lý tài chính và Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con.

Quy chế quản lý tài chính của công ty con bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Vốn điều lệ, huy động vốn và đầu tư vốn ra bên ngoài;

- Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định, quản lý tài sản;

- Doanh thu của công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm: Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ (doanh thu từ hoạt động niêm yết, doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán, doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh, doanh thu từ hoạt động đấu thầu trái phiếu, doanh thu từ hoạt động đấu giá chứng khoán, doanh thu từ hoạt động chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch và doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ khác); doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ (doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin, doanh thu từ dịch vụ hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán và doanh thu từ dịch vụ khác); doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác. Công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính đối với lãi tiền gửi phát sinh liên quan đến hoạt động đấu giá chứng khoán;

- Chi phí của công ty con.

- Phân phối lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ.

- Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý.

Tiếp tục thí điểm mô hình chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đến hết năm 2023

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định tiếp tục thí điểm mô hình chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (được thí điểm thành lập tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đến ngày 31/12/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2023.

Trong thời gian tiếp tục thí điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý có liên quan, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung là tổ chức liên kết giữa Công viên phần mềm Quang Trung với các khu công nghệ thông tin tập trung, khu phần mềm, trung tâm công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung có các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được thành lập với 2 thành viên ban đầu bao gồm: Công viên phần mềm Quang Trung và Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ITP) liên kết với nhau nhằm kế thừa, phát huy thương hiệu Công viên phần mềm Quang Trung, tạo hạ tầng đồng bộ, thống nhất, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Trong quá trình hoạt động, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được kết nạp thành viên là các khu công nghệ thông tin tập trung, khu phần mềm, trung tâm công nghệ thông tin và các khu khác có hoạt động phù hợp chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung trên cơ sở tự nguyện tham gia. Tổ chức quản lý chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đề xuất, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kết nạp thành viên Chuỗi.

Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung được áp dụng các chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ thông tin tập trung quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung và được hưởng các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của pháp luật./.

Theo Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập190
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại189,768
  • Tổng lượt truy cập90,253,161
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây