Học tập đạo đức HCM

Cơ hội phát triển mới cho nông nghiệp Việt Nam

Thứ ba - 22/06/2021 04:59
Thành tựu to lớn của ngành nông nghiệp nổi bật trong thành công đáng tự hào của 35 năm Việt Nam đổi mới.

Là một nước có diện tích đất canh tác vào loại bé nhất thế giới, mức độ đầu tư nông nghiệp rất thấp, lại chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và cạnh tranh toàn cầu sâu rộng trong thời gian ngắn nhưng Việt Nam đã từ vị thế nhập khẩu, tiến lên xuất khẩu nông sản ra 180 vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về kim ngạch.

Thành công đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, nền tảng ổn định chính trị, góp phần cân bằng kinh tế vĩ mô, bảo vệ chủ quyền quốc gia, môi trường sinh thái, cải thiện căn bản đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn, trước hết nhờ công sức và trí tuệ của hàng chục triệu nông dân, hàng vạn tiểu thương, doanh nhân lao động cần cù, sáng tạo. Đồng thời cũng là đóng góp quan trọng và hiệu quả từ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách của nhà nước, mà đại diện là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, đương đầu với cơ hội và thách thức mới, vai trò nhạc trưởng của toàn ngành lại càng trở nên quan trọng. Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 5 vừa qua, Bộ đã tổng kết tình hình và đề xuất nhiều giải pháp rất súc tích.

Dựa trên những định hướng đó, xin đưa ra một số ý kiến thảo luận để góp ý cho kế hoạch chung. Trước tiên, dựa trên phân tích tình hình hiện nay, nhất là các yếu kém và khó khăn, để từ đó tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp phù hợp.

Trong sơ đồ trên, có thể thấy ba yếu kém chính của sản xuất nông nghiệp hiện nay là: (i) sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ, phân tán; (ii) nông sản chất lượng và hiệu quả thấp, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn; (iii) sản xuất thiếu bền vững, chưa ổn định về môi trường, dịch bệnh, thiên tai. Các yếu kém đó đã dẫn đến tình trạng: a) nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng chậm lại và khả năng cạnh tranh yếu; b) thu nhập của người làm nông nghiệp thấp, điều kiện sống của cư dân nông thôn còn khó khăn; c) tình trạng ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, suy thoái tài nguyên, dịch bệnh gây thiệt hại một số vùng.

Ba yếu kém chính trên xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có hai vấn đề khách quan của thế giới là tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai, dịch bệnh phức tạp và tình trạng cạnh tranh gay gắt song song với xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thị trường.

Có hai vấn đề khách quan khác thuộc phạm vi trong nước là nguồn lực (đất, lao động, vốn…) ngày càng khan hiếm, đắt đỏ vì phải cạnh tranh với các ngành kinh tế phi nông nghiệp phát triển mạnh và hai là, các ngành công nghiệp sản xuất đầu vào, chế biến nông sản đầu ra; các ngành dịch vụ hậu cần, bảo quản, chế biến; hệ thống giao thông vận tải ít được chú ý đầu tư phục vụ nông nghiệp.

Về các nguyên nhân chủ quan: Thứ nhất, nổi lên tổ chức quan hệ sản xuất mang tính tự phát với đơn vị sản xuất chính vẫn là các hộ tiểu nông nhỏ lẻ, kết nối chật vật với thị trường qua hệ thống tiểu thương trung gian và đầu tư ít ỏi của doanh nghiệp cũng nhỏ bé và chia cắt; thứ hai là sự hình thành khó khăn của các chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực vì liên kết vùng, miền, bộ ngành lỏng lẻo; thứ ba là hoạt động đổi mới sáng tạo nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp vẫn yếu kém, nhất là với công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thân thiện môi trường.

Thẳng thắn mà nói thì những vấn đề trên đều đã được xác định và đã đề ra thành các biện pháp giải quyết khá cụ thể trong nhiều văn bản từ chủ trương đến chính sách, nhất là từ nghị quyết Tam Nông của hội nghị Trung ương 26 năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, do những vướng mắc về tư duy lý luận, về quyền lợi của các đối tượng khác nhau nên có nhiều vấn đề đã được cải thiện nhưng cũng còn nhiều vấn đề chậm thay đổi. Để thiết thực nắm bắt được cơ hội và vượt qua các thách thức trong thời kỳ mới, cần có cách tiếp cận thực tế và hiệu quả tạo bước đột phá cho những nhóm vấn đề chính, vượt qua phạm vi hạn hẹp về nguồn lực và chức năng, của một bộ/ngành, nhiệm kỳ của từng cán bộ.

Thứ nhất: Với nhóm các nguyên nhân mang tính khách quan toàn cầu (biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thị trường không ổn định, áp lực cạnh tranh khốc liệt…), trong thời gian tới cần có giải pháp đột phá để xử lý một cách chủ động và dài hạn: hình thành đơn vị và lực lượng có đủ năng lực và điều kiện hoạt động để giám sát dự báo và kịp thời thông tin tình hình, đưa ra các khuyến nghị hỗ trợ ra quyết định cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh cụ thể. Từ đó xây dựng mô hình xử lý theo kịch bản tính toán sẵn, phối hợp lực lượng hành động công - tư, trung ương - địa phương, Bộ NN-PTNT  các bộ ngành liên quan, trong nước - quốc tế một cách bài bản.

Thứ hai: Với nhóm các vấn đề mang tính khách quan thuộc phạm vi trong nước (cạnh tranh nguồn lực, công nghiệp chế biến, công nghiệp cung cấp đầu vào cho nông nghiệp, dịch vụ hậu cần yếu kém…) cần tập trung giải quyết bằng kiến nghị với Chính phủ các đề án cụ thể về đổi mới mô hình tăng trưởng chung, xây dựng qui hoạch vùng, chiến lược phát triển ngành (trước hết ở các vùng có lợi thế cạnh tranh nông nghiệp chính như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…).

Đưa ra được những chính sách dùng cơ chế thị trường để điều tiết tài nguyên (trước hết là đất, vốn, lao động); phối hợp các địa phương, các ngành, các tác nhân thu hút đầu tư vào kinh tế nông nghiệp. Thể hiện lợi thế nông nghiệp của Việt Nam với hình ảnh “trang trại của thế giới”, “nhà bếp của thế giới”…

Thứ ba là các nội dung chủ quan: đột phá cơ bản nhất và khó khăn nhất nhưng quan trọng nhất là đưa nông dân lên “vai trò chủ thể” của quá trình phát triển như tinh thần Nghị quyết "tam nông" (đổi mới quan hệ sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tổ chức cộng đồng).

Tiếp theo là liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng để thực sự chuyển đổi nông nghiệp từ một ngành sản xuất thành một ngành kinh tế tổng hợp. Song song với đó là tạo đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, khơi nguồn năng lực mới cho tăng trưởng.

Cũng như làn sóng đổi mới thứ nhất 30 năm trước, căn bản phải tạo động lực tinh thần và nội lực kinh tế để nhân dân đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Cần tổ chức nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm về tổ chức, thể chế, công nghệ và áp dụng chính sách mới.

Đúng 40 năm trước đây, trước những khó khăn chồng chất trong nước và quốc tế, Chỉ thị 100 ra đời và sau đó là “Khoán 10”, tạo sức mạnh mới cho nông nghiệp nhờ trao quyền làm chủ sản xuất cho nông dân!

Việt Nam hôm nay, với thế và lực vững mạnh hơn, nếu làm được ba bước đột phá: đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới tư duy kinh tế và đổi mới lý luận phát triển thì chắc chắn sẽ khơi dậy được khát vọng vươn lên của nhân dân và huy động được sức mạnh nội lực tiềm tàng đất nước, tranh thủ thời cơ quốc tế để tạo nên làn sóng đổi mới thứ hai, tạo đà để đất nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình vào năm 2045 như mục tiêu được đặt ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đặng Kim Sơn/https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập479
  • Hôm nay55,737
  • Tháng hiện tại715,064
  • Tổng lượt truy cập93,092,728
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây