Học tập đạo đức HCM

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/7

Thứ ba - 06/07/2021 09:44
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/7.

Quy định 11 nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế

Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2021/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế và Luật Thỏa thuận quốc tế.

Nghị định quy định rõ ngân sách Trung ương bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế gồm: 1- Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan Nhà nước ở Trung ương; tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; 2- Kinh phí cấp cho cơ quan Nhà nước cấp tỉnh nhằm thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ điều ước quốc tế, hoặc thực hiện hoạt động thỏa thuận quốc tế theo phân công của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới nhằm thực hiện hợp tác quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó.

Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế của cơ quan Trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức được bảo đảm từ NSNN trong trường hợp cơ quan đó thực hiện hợp tác quốc tế trong khuôn khổ điều ước quốc tế, hoặc thực hiện hoạt động thỏa thuận quốc tế theo sự phân công của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp thỏa thuận quốc tế của cơ quan Trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức nhằm thực hiện hợp tác quốc tế khác thì kinh phí cho công tác thỏa thuận quốc tế đó được bảo đảm từ nguồn tài chính của tổ chức.

Nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế

Nghị định quy định nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế gồm: 1- Chi cho việc nghiên cứu, đề xuất việc đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế; 2- Chi cho việc góp ý đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế; 3- Chi cho việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế; 4- Chi cho việc kiểm tra của Bộ Ngoại giao, thẩm định của Bộ Tư pháp đối với đề xuất ký, gia nhập điều ước quốc tế; 5- Chi cho việc thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ đối với đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, bảo lưu điều ước quốc tế; 6- Chi cho việc lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải điều ước quốc tế; 7- Chi cho công tác tổ chức thực hiện điều ước quốc tế; 8- Chi cho công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; 9- Chi cho công tác cấp ý kiến pháp lý cho các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay, thỏa thuận bảo lãnh Chính phủ; 10- Chi cho công tác thống kê, rà soát điều ước quốc tế; 11- Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế.

Nội dung chi cho công tác thỏa thuận quốc tế gồm: 1- Chi cho việc xây dựng đề án, kế hoạch về đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; 2- Chi cho việc góp ý đề xuất đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; 3- Chi cho việc tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế; 4- Chi cho việc tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế; 5- Chi cho công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; 6- Chi cho công tác thống kê, rà soát thỏa thuận quốc tế; 7- Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp công tác thỏa thuận quốc tế.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016.


Quy định về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc

Chính phủ ban hành Nghị định 64/2021/NĐ-CP về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 20 và khoản 2 Điều 23 của Luật Thỏa thuận quốc tế về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (đơn vị trực thuộc).

Trong đó, về nội dung của thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc, Nghị định nêu rõ: Thỏa thuận quốc tế được thể hiện bằng văn bản, nêu ý định hợp tác thông qua các hoạt động cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị trực thuộc đó. Thỏa thuận quốc tế phải có những nội dung chủ yếu sau: Tên gọi của văn bản; tên các bên ký kết; lĩnh vực, nội dung, phương thức hợp tác; thời điểm bắt đầu có hiệu lực, thời hạn hiệu lực; ngày ký, địa điểm ký, ngôn ngữ ký; họ tên, chức danh của người đại diện ký.

Thỏa thuận quốc tế có thể có các nội dung khác, như cơ chế trao đổi thông tin, bảo mật, chi phí, giải quyết tranh chấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế. Nội dung của thỏa thuận quốc tế phải thể hiện thỏa thuận quốc tế đó không có giá trị ràng buộc về pháp lý.

Nội dung thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã biên giới phải phù hợp quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật Thỏa thuận quốc tế. Nội dung thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của tổ chức đó.

Nghị định cũng quy định cụ thể nội dung quyết định cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc. Theo đó, quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung sau đây: 1- Tên gọi thỏa thuận quốc tế và tên các bên ký kết thỏa thuận quốc tế; 2- Người đại diện ký thỏa thuận quốc tế; 3- Yêu cầu về việc đăng tải thỏa thuận quốc tế; 4- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế; 5-  Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế.

Quyết định cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức bao gồm các nội dung tại (1), (2), (3), (5) nêu trên.

Đăng tải thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc

Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh kịp thời đăng tải toàn văn văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp cục, cơ quan cấp sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã biên giới, các thông tin về sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, trừ trường hợp không đăng tải, công khai theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

Đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc bộ, cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc đăng tải, công khai thỏa thuận quốc tế.

Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức công khai thỏa thuận quốc tế của mình bằng hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của tổ chức, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức phù hợp khác, trừ trường hợp không đăng tải, công khai theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.

 

Lập hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1063/QĐ-TTg thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) đợt 6, để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN.

Hội đồng gồm 23 thành viên, do PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Chủ tịch. 

2 Phó Chủ tịch là GS. Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

20 ủy viên của Hội đồng là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến từ Viện Cơ học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)...

Hội đồng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KHCN, Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 5/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Hội đồng có Tổ công tác giúp việc, do Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định thành lập. Thành viên Hội đồng và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định.

Bộ KH&CN là Cơ quan Thường trực của Hội đồng. Hội đồng được sử dụng con dấu của Bộ KH&CN để giải quyết công việc.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng được Bộ KH&CN bố trí trong kinh phí tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2021. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1054/QĐ-TTg về thành viên của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025.

Theo quyết định, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 gồm 28 thành viên. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Phó Chủ tịch Thường trực), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Ủy viên Hội đồng gồm Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) và Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Hội đồng theo quy định tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025.

 

Tiêu chí phân loại DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Quyết định này quy định tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở rà soát kế hoạch duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển đổi sở hữu (bao gồm hình thức cổ phần hóa, bán toàn bộ DN, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), sắp xếp lại (bao gồm hình thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản), thoái vốn đối với DNNN, DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2021-2025. 

Công ty nông, lâm nghiệp, DN quốc phòng an ninh, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sắp xếp theo quy định khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực

Quyết định nêu rõ tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với DNNN, DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn như sau:

Những DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong 13 ngành, lĩnh vực: Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam; truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về điện lực; kinh doanh xổ số; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng;...

Những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính)...

Những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực: Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị nông thôn; sản xuất hóa chất cơ bản; vận chuyển hàng không; đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường; sản xuất thuốc lá điếu...

Các tiêu chí khác

Đối với các DN không hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc Tiêu chí phân loại nêu trên thì sử dụng một trong các tiêu chí sau để thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn:

Sản xuất xi măng chiếm thị phần từ 30% trở lên, trong đó có khai thác mỏ nguyên liệu thuộc địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Trồng và chế biến cao su hoặc cà phê tại các địa bàn chiến lược; miền núi; vùng sâu; vùng xa gắn với quốc phòng an ninh.

Các DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích trên tổng doanh thu của DN 3 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển đổi đạt từ 50% trở lên.

Các DN có giá trị văn hóa; giá trị lịch sử; giá trị kiến trúc có vai trò quan trọng đối với quốc phòng an ninh; thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển kinh tế-xã hội của ngành, địa phương trong từng thời kỳ. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/8/2021.

 

Quy chế làm việc của BCĐ Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công vừa ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo (BCĐ).

Theo đó, BCĐ làm việc theo nguyên tắc tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên BCĐ trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Nhiệm vụ của BCĐ là nghiên cứu, xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu các chính sách kinh tế-xã hội có liên quan đến chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công; giải pháp tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách BHXH; đề xuất các biện pháp để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Phạm vi chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, ưu đãi người có công và các chính sách kinh tế - xã hội liên quan nêu trên, bao gồm:

+ Về chính sách tiền lương: Mức lương cơ sở, quan hệ mức lương thấp nhất - trung bình - tối đa và tương quan tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề và lực lượng vũ trang; các thang lương, bảng lương; ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, chức vụ, chức danh lãnh đạo tương đương, bậc lương; nâng bậc lương; chế độ trả lương và các chế độ phụ cấp đối với người hưởng lương thuộc khu vực nhà nước (từ Trung ương đến cấp xã).

Tiền lương đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

+ Về chính sách BHXH, gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung.

+ Về chính sách ưu đãi người có công, gồm: Chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng và chế độ trợ cấp một lần đối với người có công với cách mạng, các chính sách ưu đãi khác đối với người có công

+ Giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của các thành viên BCĐ.

 

Ông Tô Anh Dũng là Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 1071/QĐ-TTg cử ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thay ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiệm vụ của Ủy ban là phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; chủ trì công tác thẩm định đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các cơ quan thành viên Ủy ban để chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao xét cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam./.


chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập480
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm478
  • Hôm nay35,315
  • Tháng hiện tại213,882
  • Tổng lượt truy cập90,277,275
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây