Học tập đạo đức HCM

Chuyển đất rừng kém hiệu quả sang cây ăn quả

Thứ hai - 23/08/2021 20:20
Tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho phép huyện Hoài Ân chuyển đổi hàng ngàn ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Phát huy thế mạnh

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, huyện Hoài Ân (Bình Định) nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với nền nhiệt độ cao, tổng tích ôn lớn, lượng mưa khá.

Điều kiện khí hậu này thuận lợi cho việc đa dạng hoá cây trồng, nhất là phát triển cây ăn quả. Dựa vào thế mạnh này, năm 2018, UBND huyện Hoài Ân đã phê duyệt quy hoạch phát triển cây ăn quả có thế mạnh và cây chè theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ở một số địa phương trên địa bàn.

Vườn bưởi da xanh 8 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn bưởi da xanh 8 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo đó, Hoài Ân đề ra mục tiêu xây dựng ngành hàng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đó là hướng đi không chỉ để góp phần vào tái cơ cấu ngành trồng trọt của địa phương, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, những năm gần đây, huyện đã thực hiện chuyển đổi các diện tích trồng màu, cây lâu năm có hiệu quả kinh tế thấp nằm trong vùng quy hoạch sang trồng cây ăn quả; đồng thời cải tạo vườn tạp, vườn hỗn hợp có hiệu quả kinh tế thấp sang vườn cây ăn quả chuyên canh theo hướng phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ.

Để thực hiện, Hoài Ân đã rốt ráo tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết, từ vườn cây nhỏ của nông hộ liên kết thành vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết sản xuất, ví như thành lập câu lạc bộ hoặc nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã, vườn cây ăn quả mẫu lớn, doanh nghiệp cổ phần…

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ cây ăn quả tươi. Hỗ trợ, khuyến khích hình thành các liên kết vùng trong sản xuất nhằm phát triển ngành hàng cây ăn quả bền vững.

Rừng keo của ông Phạm Đình Đô ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định) nay đã trở thành vườn quýt 3 năm tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng keo của ông Phạm Đình Đô ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định) nay đã trở thành vườn quýt 3 năm tuổi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Để phát triển cây ăn quả trên địa bàn một cách bền vững, việc đầu tiên chúng tôi quan tâm là lập kế hoạch đáp ứng nhu cầu cây giống chất lượng cao và sạch bệnh cho nông dân, dự báo nhu cầu cây giống cho trồng mới, thay thế giống cũ và cải tạo vườn cây.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống cây ăn quả nhằm đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn để kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cây giống; đồng thời tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về giống cây ăn quả”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết thêm.

Đáp ứng nguyện vọng của người dân

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, hiện người dân địa phương này muốn chuyển đổi khoảng 8.000ha rừng sản xuất không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trước mắt huyện xin chủ trương chuyển đổi khoảng 1.700ha.

“Trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả trên địa bàn có nhiều diện tích đất gò đồi, cây bụi mà theo quy hoạch đó là rừng sản xuất kém hiệu quả. Giờ huyện đề nghị đưa những diện tích nói trên ra ngoài diện đất lâm nghiệp để bà con chuyển đổi mục đích, phát triển trồng cây ăn quả”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.

Huyện Hoài Ân sẽ tập trung trước hết cho công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả nhằm phát triển bền vững gắn với chuyển đổi đất rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Huyện Hoài Ân sẽ tập trung trước hết cho công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả nhằm phát triển bền vững gắn với chuyển đổi đất rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân vùng trung du, sau chuyến công tác kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Hoài Ân vào giữa năm 2021 vừa qua, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị và sở, ngành liên quan cùng chính quyền huyện Hoài Ân thực hiện khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi một số diện tích đất rừng sản xuất không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhằm phát huy hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Để phát triển cây ăn quả trên đất trung du, huyện Hoài Ân đã mời chuyên gia từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ về quy hoạch vùng đất, nghiên cứu thổ nhưỡng, cây trồng phù hợp với địa phương. Từ đó, huyện xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển các cây trồng thế mạnh giai đoạn 2016 - 2020, hình thành vùng cây ăn quả tập trung.

Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn Hoài Ân có gần 2.000ha; trong đó, mô hình thí điểm trong đề án với nhóm cây trồng chủ lực là bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm, mít Thái... khoảng 75,2ha. Ngoài ra, nhiều nhà vườn đầu tư trồng thêm một số giống cây mới như dâu, sầu riêng, thanh long, bưởi rubi… theo hướng kết hợp du lịch nông nghiệp.

Viện Cây ăn quả miền Nam đã cung cấp cho người dân Hoài Ân các giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng, sạch bệnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Viện Cây ăn quả miền Nam đã cung cấp cho người dân Hoài Ân các giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng, sạch bệnh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đặng Văn Cấp, người đang sở hữu hơn 12ha trồng tiêu kết hợp với cây ăn quả ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), chia sẻ: “Gia đình tôi được địa phương hỗ trợ vật tư, giống, kỹ thuật canh tác… để phát triển sản xuất. Trong năm 2021, huyện tiếp tục hỗ trợ để gia đình xây dựng quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP. Sắp tới, khi được hỗ trợ làm hệ thống giao thông, nhà vườn quy hoạch khu tham quan, khu sản xuất riêng phục vụ du khách”.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, sau quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng kỹ thuật canh tác theo chuẩn VietGAP, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, Hoài Ân sẽ tập trung cho kết nối tiêu thụ nông sản.

“Theo tính toán, sau 2 năm nữa, vùng cây ăn quả của Hoài Ân sẽ đồng đều về chất và lượng, đủ cung ứng sản phẩm cho những hợp đồng lớn của doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, siêu thị trong tỉnh. Đây là lúc mà cả người dân và chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ cho bước phát triển ổn định sau này với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện”, ông Tín cho biết.

“Những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được Hoài Ân lựa chọn để phát triển gồm: Bơ, bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm, cam, quýt, thanh long ruột đỏ và sầu riêng.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, cây bưởi da xanh trên địa bàn Hoài Ân sẽ tăng đến khoảng 859,6ha, sản lượng khoảng 11.706 tấn; cây bơ đạt khoảng 462,8ha, sản lượng khoảng 4.927 tấn; cây chè Gò Loi tăng lên khoảng 42,5ha, sản lượng khoảng 637,5 tấn; cây dừa xiêm tăng lên khoảng 112ha; các loại cây cam, quýt tăng lên khoảng 44,5ha; cây thanh long ruột đỏ tăng lên khoảng 40ha và cây sầu riêng tăng lên khoảng 30ha”.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân

Vũ Đình Thung
https://nongnghiep.vn/chuyen-dat-rung-kem-hieu-qua-sang-cay-an-qua-d300817.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Hôm nay30,817
  • Tháng hiện tại261,521
  • Tổng lượt truy cập92,639,185
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây