Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông, dưa lưới là giống cây ăn quả ngắn ngày, giàu dinh dưỡng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Dưa lưới có thể trồng được quanh năm, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh, trồng được ở ngoài trời cũng như trong nhà màng. Tuy nhiên, trồng dưa lưới trong hệ thống nhà màng giúp chắn mưa, nắng, trồng được trái mùa, ngăn côn trùng xâm nhập, kiểm soát sâu bệnh gây hại, chủ động chế độ dinh dưỡng, có hệ thống phun sương, tưới nhỏ giọt và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng do chi phí đầu tư ban đầu lớn cũng như thị trường đầu ra chưa ổn định đã ảnh hưởng tâm lý người sản xuất và người dân chưa mạnh dạn đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, cây dưa lưới mới được đưa vào canh tác trong mấy năm trở lại đây với diện tích còn rất ít, theo số liệu thống kê năm 2020 tổng diện tích trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh đạt 4ha, trong đó: huyện Đăk Rlấp (3ha); huyện Tuy Đức (0,15ha); huyện Đăk Mil (0,5ha); thành phố Gia Nghĩa (0,35ha) và dự kiến tổng diện tích trên sẽ tăng thêm trong thời gian tới. Với nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch, việc ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ là điều tất yếu, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển sản xuất dưa lưới nói riêng và ngành nông nghiệp tỉnh nói chung.
Năm 2018 đến nay, từ nguồn kinh phí chương trình Khuyến nông, Đề án Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông, BQL Khu nông nghiệp ứng dung công nghệ cao đã triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao như: Tưới nước nhỏ giọt, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ bán tự động, sử dụng các giống dưa lưới được lựa chọn làm mô hình có tên là Earth’s Red nhập từ Hàn Quốc, Nova 113 có thời gian sinh trưởng 75 - 85 ngày, dạng quả tròn, ruột màu đỏ cam, trọng lượng trung bình 1,2 - 1,4 kg/quả, độ Brix 1.4, vân lưới đều, đẹp nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đây là cây trồng mới áp dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ trong sản xuất lần đầu tiên được đưa vào triển khai.
Các hộ tham gia mô hình chủ động tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới và thâm canh theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh, chỉ sử dụng phân hoá học giai đoạn cây con; giai đoạn cây lớn sử dụng phân bón ủ từ đạm cá, trái cây, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng và đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Dưa lưới được trồng trong giá thể gồm mụn xơ dừa đã được xử lý trộn với phân hữu cơ hoai mục, xơ dừa dạng viên nén, quá trình chăm sóc sau trồng được ghi chép, quản lý chặt chẽ. Nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình mà chất lượng sản phẩm được đánh giá cao.
Hiện nay, có nhiều hộ mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển trồng dưa lưới và mang lại hiệu quả cao. Điển hình, có anh Nguyễn Văn Tuấn thôn 8, xã Kiến Thành, huyện Đăk R’Lấp là tổ trưởng tổ hợp tác trồng dưa lưới ở Đăk R’Lấp với 7 thành viên và là người đầu tiên của huyện khởi nghiệp từ trồng dưa lưới công nghệ cao, từ diện tích hơn 0,25 ha ban đầu đến nay diện tích của tổ tăng lên hơn 1,5 ha. Nhà kính được thiết kế hiện đại, có lối đi dễ dàng, hệ thống tưới tự động, hệ thống đo nhiệt, độ ẩm, … Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh dứa lưới theo hướng hữu cơ đã mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, giá bán của sản phẩm vẫn còn thấp chưa tương với giá trị thực, nhưng với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng anh Tuấn tin trong tương lai người tiêu dùng sẽ lựa chọn các sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho công động.
Tại thành phố Gia Nghĩa có hộ chị Nguyễn Thị Ngọc Sen và nhiều hộ gia đình ở tổ 5, phường Nghĩa Đức, đang ứng dụng kỹ thuật trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Từ thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, qua tìm hiểu thực tế và nhu cầu thị trường, cuối năm 2019 chị đầu tư hơn 350 triệu đồng để xây dựng nhà kính với diện tích 0,15 ha. Qua 3 tháng chăm sóc, vườn dưa lưới của chị 3.500 gốc đã cho ra trái ngọt, năng suất đạt 3,5 - 4 tấn. Là giống cây trồng mới kết hợp với phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, chị lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp gia đình chị giảm công lao động đáng kể và tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả không chỉ về kinh tế mà cả hiệu quả môi trường và xã hội, tháng 10/2020, chị Sen tiến hành xây dựng thêm 0,05 ha nhà màng để trồng dưa lưới. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới tuy chi phí ban đầu cao nhưng bền vững hơn, có thể thâm canh quanh năm và giảm công lao động, không sử dụng thuốc hoá học, dễ dàng quản lý sâu bệnh hại.
Từ những thành công trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh dưa lưới theo hướng hữu cơ của nông dân trên địa bàn tỉnh, hiện nay đã tạo nên làn sóng ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cho gia đình, xã hội cũng như mở rộng diện tích dưa lưới nói riêng và các loại cây trồng khác nói chung. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại kết quả đáng kể, dần dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, lạm dụng hoá chất, dư lượng hoá chất nông sản cao sang canh tác bền vững, tạo ra chất lượng an toàn, sạch và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững./
T.Hiền
https://www.mard.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã