Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bên phải) trồng cây tại lễ phát động. - Ảnh: VGP |
Sáng 18/2, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Tân Sửu năm 2021 tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Buổi lễ được tổ chức tại khu rừng phòng hộ ven biển thuộc xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, nơi Anh hùng lao động - Mẹ Phạm Thị Nghèng đã cần mẫn gây trồng rừng trong suốt hơn 40 năm để bảo vệ xóm làng, bảo vệ quê hương trước sóng gió từ biển cả.
Dự sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo người dân Quảng Bình.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường, Người căn dặn mọi người phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngày 28/11/1959, Người đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân và kêu gọi toàn dân tham gia Tết trồng cây, một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Mùa xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây đầu tiên.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức “Tết trồng cây” làm theo lời Bác. “Tết trồng cây” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Tết, đón xuân.
Trong những năm gần đây, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đang ngày càng đe dọa cuộc sống của con người trên Trái đất, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Năm 2020 vừa đi qua, các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam đã phải gánh chịu những mất mát nặng nề từ thiên tai, bão lũ.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất trước những thiệt hại, mất mát của đồng bào miền Trung trong thiên tai vừa qua. Đảng, Nhà nước đã và sẽ luôn quan tâm, chăm lo tới đời sống và sự an toàn của nhân dân trước những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra”, Phó Chủ tịch nước nói.
Theo Phó Chủ tịch nước, biến đổi khí hậu ngày nay không phải là vấn đề của riêng một quốc gia mà là vấn đề của toàn cầu, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải nỗ lực giảm khí phát thải để hạn chế sự nóng lên của Trái đất thông qua các hành động cụ thể như trồng cây, trồng rừng... Việc trồng cây, trồng rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn và hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục (giữa) tham gia trồng cây tại lễ phát động. - Ảnh: VGP |
Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí trong những ngày vui Tết, đón xuân Tân Sửu năm 2021 hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây; trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ; trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; trồng rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc,…
Cần chú trọng lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa và thời vụ trồng rừng của từng nơi; đồng thời, cần nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Làm tốt điều này chính là hành động cụ thể thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Với khí thế và quyết tâm mới, Phó Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần hoàn thành tốt Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 5 năm tới.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết trong những năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả rất ý nghĩa. Lâm nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế-xã hội quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp; thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng đất nước phát triển bền vững hơn.
Giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp đã hoàn thành cơ bản, toàn diện các chỉ tiêu đề ra tại Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đã trồng được trên 1,1 triệu ha rừng rừng tập trung trên đất lâm nghiệp, bình quân 227 nghìn ha/năm và bình quân 67 triệu cây cây phân tán/năm.
Năm 2020 vừa khép lại, trước khó khăn, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, cả nước vẫn trồng được 230.288 ha rừng trồng tập trung và 80 triệu cây phân tán; cung cấp 30,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.567 tỷ đồng, là nguồn tài chính bền vững. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019.
Giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất từ 5,0% đến 5,5%; tổng thu tiền từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm tăng 5%; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2020, thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD, sản lượng gỗ rừng trồng tập trung 35 triệu m3.
Thanh Hằng/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã