Sau một quá trình ổn định, đến nay người chăn nuôi lợn tại Hà Tĩnh đã bắt đầu tái đàn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, mà phải kiểm soát chặt chẽ, thận trọng, nhất là phải tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn bền vững.
Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, có quy mô chuồng nuôi lợn thịt 250 con/1 lứa. Tuy nhiên, năm 2019 do giá lợn hơi thấp và dịch tả châu Phi diễn biến phức tạp nên gia đình tạm thời bỏ trống chuồng một thời gian. Đầu năm 2020, khi dịch bệnh có chiều hướng ổn định, được sự hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở, gia đình chị đã bắt tay vào việc tái đàn. Ban đầu, chị nuôi 45 con lợn. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi từ lựa chọn con giống, thức ăn hàng ngày, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đồng thời tăng cường vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn môi trường nên lứa lợn đầu tiên, trừ chi phí gia đình chị thu lãi hơn 100 triệu đồng. Đến lứa thứ hai chị quyết định tăng đàn lên 100 con và hiện đang nuôi ở tháng thứ 2, trọng lượng trung bình đạt 75 kg/con. Từ nay đến khi xuất chuồng còn một tháng nữa, dự kiến trọng lượng mỗi con sẽ đạt 100 kg. Với giá lợn hơi dao động rất cao hiện nay khi lên tới từ 80.000 - 82.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con lợn lãi hơn 3 triệu đồng.
Vấn đề đặt ra hiện nay cho chị Duyên nói riêng và người chăn nuôi nói chung là con giống. “Giá giống như hiện nay quá đắt, con giống lại khan hiếm nên việc tiếp tục duy trì đàn lợn của gia đình rất khó khăn. Hết lứa này tôi hy vọng giá giống lợn sẽ xuống thấp hơn để bà con mạnh dạn tái đàn trở lại” - chị Nguyễn Thị Duyên chia sẻ.
Trái với tâm lý dè dặt của người chăn nuôi nông hộ, với việc giá lợn hơi giao động ở mức cao trong nhiều tháng qua, các trang trại tiếp tục quay vòng chăn nuôi quy mô lớn trở lại theo hình thức liên kết sản xuất.
Trang trại gia đình chị Lê Thị Thiêm ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh có quy mô 400 con lợn thịt mỗi lứa. Trong thời gian dịch tả lợn lợn Châu phi diễn ra ở một số địa phương của tỉnh, để đảm bảo an toàn về nguồn vốn, gia đình mở rộng chăn nuôi liên kết với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sạch Thạch Tân. Theo đó HTX là đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của HTX, tổ chức sản xuất và nhận kinh phí theo hợp đồng ký kết. Với hình thức chăn nuôi này nên trước, trong và sau dịch trang trại gia đình chị vẫn giữ được sự ổn định về quy mô chăn nuôi và thu nhập. Với mỗi lứa 400 con lợn thịt, chị đã xuất bán 3 lứa 1.200 con. Hiện nay, lứa thứ thứ tư với 400 con vừa được thả giống 20 ngày.
HTX nông nghiệp sạch Thạch Tân do ông Trần Hữu Cần làm giám đốc đến nay đã có 22 trang trại lợn, gồm 21 trại lợn thịt và 1 trại lợn nái giống, tổng đàn vào từ 10.000 - 15.000 con mỗi năm. Điều đáng nói, suốt thời gian dài kể từ tháng 4/2019, khi dịch tả châu Phi chính thức xuất hiện ở Hà Tĩnh, 22 trang trại lợn liên kết với HTX phân bổ rải rác giữa tâm dịch nhưng tất cả đều trụ vững và phát triển ổn định.
Ông Cần cho hay, để đứng vững được trong thời gian qua, HTX đã nỗ lực làm tốt công tác phòng chống dịch. Việc tái đàn lợn ở các trang trại liên kết, HTX chú trọng cung cấp con giống tại chỗ và khuyến cáo bà con chỉ nên tái đàn khi đã đảm bảo đủ điều kiện chăn nuôi an toàn. Nhằm đáp ứng nhu cầu, năm 2020 HTX tập trung đầu tư trang trại lợn giống với quy mô 1.000 con. Đến thời điểm này đã thả được 400 con lợn nái giống và cuối tháng 5 sẽ có lứa lợn giống đầu tiên cung cấp cho các trang trại chăn nuôi liên kết.
Huyện Cẩm Xuyên cũng là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn và bị dịch tả lợn Châu Phi gây hại nặng nề nhất nhì tỉnh. Xác định, chăn nuôi là một trong những thế mạnh về sản xuất nông nghiệp đối với huyện nên sau nhiều tháng tạm ngừng thì thời điểm này các hộ bắt đầu tái đàn trở lại và được khuyến cáo không tái đàn ồ ạt, cân nhắc kỹ trong việc đầu tư để đảm bảo bền vững. Song song với việc tái đàn lợn thương phẩm thì huyện đã có chủ trương khuyến khích các hộ tăng đàn lợn nái để chủ động con giống.
“Hiện tại, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đã dần phục hồi. Hệ thống trang trại tập trung đang mở rộng quy mô trở lại (theo hướng tăng từ 10 – 12% so với thời điểm dịch) và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng chống dịch bệnh. Còn đối với chăn nuôi nông hộ khi thật sự đảm bảo an toàn thì mới tái đàn, tránh dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại cho người dân”, ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết.
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. Cùng với đó các dịch bệnh khác như dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng cũng chưa có dấu hiệu xuất hiện. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tái đàn và ổn định sản xuất. Quá trình tái đàn cần tiếp tục bám sát theo mục tiêu: Không thực hiện một cách ồ ạt mà phải triển khai đúng lộ trình, khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, chỉ nên tái đàn từng bước ở những nơi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, quy mô lớn và khép kín, kiểm soát tốt các nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, không để tái phát dịch bệnh tả lợn châu Phi và kiểm soát tốt diễn biến của các loại dịch bệnh khác. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn về con giống, ưu tiên các địa phương tập trung tái đàn lợn nái để có con giống tại chỗ phục vụ nhu cầu chăn nuôi./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã