Xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có trang trại chăn nuôi lợn.
Những ngày tháng 5, PV Dân Việt có dịp ghé thăm trang trại nuôi lợn của anh Bùi Hải Hà (SN 1991, xóm Mới, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), tìm hiểu về bí quyết giúp anh duy trì đàn lợn qua mùa dịch.
Theo anh Hà, trước đó, gia đình anh cũng chăn nuôi lợn nhưng với quy mô nhỏ lẻ, còn đâu chủ yếu là chăn nuôi gà. Khoảng 5 năm trở lại đây, anh mới bắt đầu chăn nuôi lợn quy mô lớn.
Hiện tại, với diện tích chuồng trại khoảng 4.000m2 sàn, gia đình anh Hà nuôi 50 con lợn nái và 500 lợn thịt. Sắp tới anh sẽ phát triển thêm 30 con lợn nái, đồng thời đầu tư mở rộng thêm hệ thống chuồng trại để đáp ứng nhu cầu về lợn thịt.
Anh thuê 8 công nhân thường xuyên làm nhiệm vụ chăm sóc đàn lợn và vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Còn anh Hà phụ trách về kỹ thuật chăn nuôi lợn.
Cũng theo anh Hà, chi phí đầu tư chuồng trại ban đầu tương đối lớn, trên 4 tỷ đồng. Vì thế, từ tháng 9/2019 đến nay, anh mới bắt đầu có lãi từ chăn nuôi lợn.
Với giá lợn hơi ở mức 60.000 đồng/kg, trung bình anh lãi từ 2,5 – 3 triệu đồng/con. Còn với giá lợn hơi ở cao như thời điểm hiện tại là 90.000 đồng/kg, trung bình anh Hà lãi khoảng 6 triệu đồng/con.
Như vậy với mỗi lứa lợn xuất chuồng với giá lợn hơi ở mức cao, gia đình anh thu về khoảng 3 tỷ đồng.
Bí quyết giúp anh duy trì được đàn lợn giữa bão dịch, đó là do anh thực hiện chăn nuôi theo quy trình khép kín. Lợn giống được anh chủ động hoàn toàn từ khâu lấy tinh, phối giống từ lợn ông bà nên đảm bảo tiêu chuẩn con giống.
Nhờ kiểm soát được đầu vào nên chất lượng lợn giống, sức khỏe đàn lợn được đảm bảo an toàn.
Cũng theo anh Hà, để kiểm soát tốt dịch bệnh, phải kiểm soát tốt từ khâu đầu vào, tuyệt đối không để nguồn côn trùng và người lạ vào khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn.
Tuyệt đối không mang cám, thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vào khu vực chuồng trại. Thường xuyên sát khuẩn chuồng trại bằng vôi bột và nước sát khuẩn cho người, vật nuôi cũng như nguồn thức ăn trước khi mang vào cho lợn ăn.
Ngoài chăn nuôi theo quy trình khép kín, anh Hà còn tự sản xuất nguồn thức ăn cho lợn. Cụ thể, anh nuôi ấu trùng ruồi lính đen rồi phối trộn với các nguồn thức ăn hữu cơ khác để cho lợn ăn.
Như thế giá thành thức ăn vừa rẻ, lợn tăng trưởng tốt hơn, chất lượng thịt lợn được nâng cao mà lại đảm bảo vệ sinh môi trường.
"Tôi thực hiện việc nuôi lợn gối đàn nọ nối tiếp đàn kia nên đảm bảo quanh năm lúc nào cũng có lợn bán. Hiện, gia đình tôi đang tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng để sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất chục tấn mỗi ngày, phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình", anh Hà cho biết thêm.
Nhờ chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín, cho lợn ăn thức ăn hữu cơ tự sản xuất, nên thịt lợn có chất lượng thơm ngon, khi nấu không có bọt, không có mùi hôi tanh.
Do đó, lợn thịt thương phẩm của gia đình anh được khách hàng ưa chuộng, xuất bán đi nhiều nơi như: Hà Nội, Bắc Giang,...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã