rước những thách thức đó, ngành chuyên môn đã khuyến cáo hộ nuôi ngừng thả giống hoặc chuyển sang nuôi mật độ thưa, dồn ao nuôi nhỏ thành trang trại lớn để tập trung quản lý, đầu tư công nghệ kỹ thuật,… Qua đó đã hình thành hàng chục trang trại nuôi tôm thành công. Trang trại của ông Ngô Văn Hải là một mô hình nuôi tôm đạt kết quả cao liên tiếp trong nhiều năm.
Ông Ngô Văn Hải là bác sỹ chăn nuôi thú y tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã có kinh nghiệm nuôi tôm hơn 15 năm với quy mô 10 ha. Năm 2002, ông đầu tư xây dựng 3 ha nuôi tôm trên cát, năm 2008 mở thêm 3 ha và đến năm 2011 thêm 4 ha nữa. Trang trại 10 ha gồm 3 khu vực độc lập cách nhau 0,5 đến 1 km. Những năm xuất hiện nhiều bệnh tôm phân trắng teo gan, đốm trắng đỏ thân, hoại tử gan tụy, trại nuôi tôm của ông cũng bị ảnh hưởng 30-50% diện tích. Năm 2014, ông Hải chuyển đổi 1 ha sang nuôi tôm theo VietGAP và đạt kết quả rất khả quan. Từ đó, ông Hải rất phấn khởi, thêm tự tin yêu nghề. Ông cũng nhận ra nếu trình độ kỹ thuật nuôi được nâng cao và tập trung đầu tư xây dựng ao, đìa, cũng như trang thiết bị thì nghề nuôi tôm sẽ phát triển bền vững.
Niềm vui càng nhân đôi khi giữa năm 2015, ông Hải lại được Công ty chăn nuôi CP Việt Nam mời tham quan mô hình nuôi tôm năng suất cao tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Sau chuyến tham quan, năm 2016, ông quyết định cải tạo 2 ha ao gồm ao lắng và ao sẵn sàng (30%), ao nuôi (68%) và ao ương giống 2% để áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn
Đầu tiên ông Hải ương giống trong ao ương với mật độ 1.000 con/m2. Sau 30 ngày, khi con giống đạt kích cỡ 3 - 4 cm/con, ông tiến hành thả sang ao nuôi với mật độ 200 con/m2 và nuôi trong 60 ngày thì thu hoạch. Lứa tôm này ông thu được hơn 30 tấn tôm thẻ kích cỡ 65 con/kg, bán giá 150.000 đồng/kg tôm tươi sống.
Lợi nhuận từ lứa nuôi đầu tiên áp dụng quy trình mới thật hấp dẫn nên ông Hải quyết định bỏ ra 2,5 tỷ đồng để nâng cấp 8 ha còn lại. Ông Hải cho biết, từ đó đến nay, ông tiếp tục áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tôm giống sẽ được ương trong ao từ 25 - 30 ngày, đạt trọng lượng 0,9 – 1 gam/ con. Giai đoạn 2, tôm được chuyển sang nuôi ao trong 45 - 60 ngày.
Ông Hải cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm của mình. Để nuôi tôm thắng lợi thì chất lượng con giống là yếu tố quyết định cho mỗi vụ nuôi. Ông Hải thường mua tôm giống ở các công ty có uy tín, giống tốt đạt chất lượng và có chính sách khuyến mãi tốt và mang đi xét nghiệm sạch các bệnh virus, vi khuẩn trước khi đưa về ao ương.
Đối với ao ương giống, để thuận lợi cho việc quản lý nên ông chỉ xây dựng ao ương có diện tích từ 500 - 1.000 m2, lót bạt HDPE và che lưới lan. Theo ông Hải, ương giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên trong ao ương sẽ giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ; giúp hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy vì bệnh này có tần suất xuất hiện cao nhất khi tôm từ 20 - 45 ngày tuổi; tôm có sức đề kháng cao, khỏe, không bị sốc và không bị cong thân. Ngoài ra, ương tôm trong ao ương cũng giúp giảm chi phí sản xuất, trong đó tiết kiệm được 40% chi phí thức ăn.
Đối với ao nuôi, ông Hải cũng xây dựng mỗi ao có diện tích không quá 2.000 m2 để dễ quản lý. Ao nuôi được thiết kế dạng hình vuông, bo bốn góc, lót bạt HDPE toàn bộ nền đáy và bờ ao để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vệ sinh, thu gom chất thải cũng như sử dụng quạt nước công suất lớn. Nếu bố trí hệ thống quạt hợp lý, chất thải sẽ dồn tụ vào khu vực giữa ao, nơi có hố thu gom chất thải và hệ thống siphon. Người nuôi có thể siphon liên tục trong một khoảng thời gian hoặc định kỳ với tần suất tăng dần theo thời gian nuôi sao cho chất thải không có cơ hội tích lũy, phân hủy trong môi trường ao nuôi, giúp tôm đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Ngoài ao ương và ao nuôi, ông Hải còn bố trí hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Ông khuyến cáo người nuôi tôm không nên dùng kháng sinh, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học và các sản phẩm an toàn trong quá trình nuôi để tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường.
Ông Hải cũng cho biết, nếu cải tạo lại hệ thống ao nuôi cũ thì chi phí đầu tư chỉ khoảng 150 triệu đồng/ha. Nếu đầu tư mới, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với các thiết bị như bạt lót, lưới che ao... người nuôi có thể sử dụng trong nhiều năm nên chi phí những vụ sau sẽ giảm xuống nhiều.
Với phương thức nuôi tôm hai giai đoạn, ông Hải thành công liên tục từ năm 2016 đến nay. Mỗi năm ông thả nuôi 3 vụ, thời gian nuôi mỗi vụ từ 85 đến 100 ngày, sản lượng thu hoạch là 150 tấn/vụ với kích cỡ tôm từ 55 - 80 con/kg. Ông chỉ bán tôm sống nên giá cao hơn bình thường 20.000 đồng/kg. Ngoài nuôi tôm giỏi, ông Hải còn rất thành công với việc kinh doanh hóa chất, thuốc thú y và thức ăn tôm.
Thông tin nuôi tôm thắng lợi của ông Hải nhanh chóng lan tỏa khắp quanh vùng. Bạn bè và các trang trại nuôi lớn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập làm theo. Hiện nay, ở Ninh Thuận đã có 6 trang trại ở 2 xã nuôi tôm trên cát là xã An Hải và Phước Dinh thực hiện nuôi tôm theo phương thức như trang trại của ông Hải
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã