Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn
Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 1.057.474 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 769.989 ha (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên), diện tích đất có rừng 680.602 ha. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 216.292 ha rừng trồng.
Về định hướng, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn (ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 03/01/2019 của UBND tỉnh). Theo đó tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển vùng trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 1.000 ha và hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng trồng cho 9.320 ha. Việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng sẽ được thực hiện tại 12 huyện của tỉnh Quảng Nam gồm: Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh và Thăng Bình. Bên cạnh đó, Kế hoạch còn đặt ra mục tiêu đưa tăng trưởng rừng đạt 20 m3/ha/năm, doanh thu kinh doanh rừng lên khoảng từ 22 – 25 triệu đồng/ha/năm và xây dựng 01 Trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao với diện tích 3 ha. Ngoài ra, Quảng Nam còn thực hiện Đề án thí điểm mô hình trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô giai đoạn 2015 – 2022 (được phê duyệt tại Quyết định 3338/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của UBND tỉnh). Mô hình được triển khai trồng với diện tích 13,53 ha tại 02 huyện Đông Giang và Thăng Bình. Kết quả bước đầu, rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt và được người dân tham gia mô hình tích cực chăm sóc, quản lý, bảo vệ.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, đầu tư giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Phương án hỗ trợ mô hình về phát triển giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu hỗ trợ giống keo tai tượng Úc, keo nuôi cấy mô, giổi, lim xanh cho các địa phương, đơn vị để gieo ươm và trồng rừng.
Khó khăn
Nhiều năm qua, các tổ chức, hộ gia đình đã đầu tư trồng rừng sản xuất với các loài cây chủ yếu là keo để làm gỗ nguyên liệu giấy và dăm gỗ, thời gian từ khi trồng đến khi khai thác khoảng 4 – 5 năm. Chính vì vậy, diện tích rừng trong những năm qua ổn định và có tăng thêm, tuy nhiên về chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế còn thấp, thiếu tính bền vững, đặc biệt là rừng trồng sản xuất chủ yếu cung cấp nguyên liệu dăm gỗ.
Do đó, việc phát triển trồng rừng gỗ lớn đang là lựa chọn đúng đắn và đây là giải pháp căn cơ để thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, bởi vì: Mô hình trồng rừng gỗ lớn với các loại cây trồng chủ yếu như keo tai tượng Úc, keo lai,... với chu kỳ kinh doanh từ 10 – 12 năm, năng suất đạt từ 18 đến 20 m3/ha, sản lượng từ 200 - 250 m3/ha, doanh thu 300 – 350 triệu/ha, lợi nhuận mang lại 18 - 25 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, trên cùng một diện tích rừng thì việc kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh chỉ kéo dài thêm khoảng từ 5 đến 7 năm so với gỗ nhỏ nhưng mang lại giá trị rừng cao hơn gấp 2,5 đến 3 lần.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, mô hình trồng rừng gỗ lớn vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ. Qua nhiều cuộc khảo sát nhận thấy, rào cản lớn nhất trong quá trình triển khai chủ trương trồng rừng gỗ lớn hiện nay đó là chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài ít nhất phải 10 năm, dẫn đến nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, bão lũ, do đó người dân còn e ngại chưa thực sự muốn chuyển đổi từ hình thức sản xuất gỗ nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn.
Giải pháp
Việc đưa ra các giải pháp nhằm phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn trong thời gian tới là vấn đề hết sức cần thiết và được các địa phương vùng núi quan tâm triển khai thực hiện, trong đó cần có các giải pháp đòng bộ như sau:
- Giải pháp về đất đai: Đẩy mạnh công tác đo vẽ giải thửa, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch là rừng sản xuất chưa được giao cho tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn. Rà soát, xác định cụ thể diện tích rừng có thể chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; diện tích rừng sẽ đến tuổi khai thác có điều kiện lập địa phù hợp có thể trồng rừng gỗ lớn; diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng rừng gỗ lớn.
- Giải pháp về bảo hiểm rừng trồng: Rừng trồng của thành viên được HTX/THT tổ chức bảo hiểm theo hợp đồng dịch vụ với từng mức bảo hiểm khác nhau do phương án sản xuất kinh doanh quy định.
- Giải pháp về kỹ thuật:
+ Về công tác giống: Tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm các loài cây lâm nghiệp có năng suất cao phù hợp với điều kiện lập địa của tỉnh để bổ sung vào cơ cấu cây trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ vườn ươm và trung tâm sản xuất cây con bằng công nghệ nuôi cấy mô; đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở.
+ Về kỹ thuật trồng và chăm sóc: Tăng cường công tác khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các mô hình trồng rừng kinh tế thâm canh, mô hình trồng rừng các giống mới; hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng, khai thác lâm sản, phòng trừ sâu bệnh, phòng cháy chữa cháy rừng... góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng; trồng xen canh: có thể trồng xen kẽ cây ba kích, cây quế và một số cây bản địa khác nhằm mục tiêu lấy ngăn nuôi dài; cơ giới hóa trong trồng rừng gỗ lớn từ khâu giống, làm đất, chăm sóc đến tỉa thưa, khai thác,...
+ Giải pháp về thị trường: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu để đưa các sản phẩm gỗ, chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ vào tiêu thụ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ sâu đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh tiếp cận thị trường để đưa sản phẩm vào tiêu thụ và xuất khẩu; đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong phát triển rừng và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới trong quản lý lưu thông hàng hóa lâm sản; đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, khuyến khích tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
+ Giải pháp về tổ chức sản xuất: Xây dựng mô hình liên kết các hộ gia đình trồng rừng theo các tổ chức đã có như Tổ hợp tác, Hợp tác xã... để giảm chi phí đầu tư trồng rừng và cấp chứng chỉ rừng. Xây dựng mô hình liên kết các doanh nghiệp để đầu tư trồng rừng, giữa hội chủ rừng với các doanh nghiệp gỗ lớn và các đối tác quan tâm lĩnh vực phát triển rừng bền vững để được tài trợ, hỗ trợ chi phí đầu tư trồng rừng và chi phí đánh giá cấp chứng chỉ rừng; cam kết bao tiêu sản phẩm dài hạn; gắn phát triển rừng trồng gỗ lớn với các khu rừng đạt tiêu chuẩn bền vững. Thực hiện liên kết giữa các chủ rừng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong và ngoài địa bàn; lập các hội chủ rừng để cùng phát triển sản xuất và cấp chứng chỉ FSC./.
Đồng Dung
Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã