Học tập đạo đức HCM

Ngành điều Việt Nam giữa đại dịch Covid-19: [Kỳ 1] - Doanh nghiệp điều ‘gồng mình’ sản xuất, kinh doanh

Thứ bảy - 21/08/2021 06:44
Những năm qua, ngành điều Việt Nam thu về trên 32 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD/năm, vì thế, khi Covid-19 bùng phát, rất cần chính sách hỗ trợ ngành điều.

Sản xuất khó, thuê container đầy rủi ro...

Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương đang siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ khiến họ đối mặt với hàng loạt khó khăn về tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa… Không ít doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động.

Công ty TNHH Cao Phát duy trì sản xuất trong làn sóng đại dịch Covid-19. Ảnh: CTV.

Công ty TNHH Cao Phát duy trì sản xuất trong làn sóng đại dịch Covid-19. Ảnh: CTV.

Theo Công ty TNHH Cao Phát (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), một trong những công ty sản xuất hạt điều Top 5 cả nước, ngành sản xuất hạt điều là một trong những ngành đặc thù, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều ký hợp đồng với các đối tác theo hình thức gối đầu, Công ty Cao Phát cũng không ngoại lệ. Hiện Công ty đang chạy đua với thời gian để hoàn thành hợp đồng đã ký năm 2020 thực hiện trong năm 2021.

Ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty Cao Phát chia sẻ, khó khăn của Công ty nói riêng và ngành điều nói chung đang gặp phải là việc đảm bảo hoạt động sản xuất trong bối cảnh phải thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” theo quy định. Đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ khiến doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong việc bố trí nơi ăn, ở sinh hoạt cho hàng trăm lao động bởi đa số công nhân ngành điều là phụ nữ. Chưa kể, Công ty phải gánh một khoản phí không nhỏ từ sinh hoạt của người lao động đến phí xét nghiệm, khiến chi phí sản xuất tăng lên gấp đôi nhưng năng suất lao động không đổi, thậm chí là thiếu hụt.

“Doanh nghiệp ngành điều hầu hết đặt ở vùng nông thôn nên sử dụng lao động địa phương là chủ yếu, từ đó lao động không có thói quen ở xa nhà như các lao động  tập trung khu công nghiệp. Ngoài ra, lao động trong ngành điều chủ yếu là nữ nên điều kiện sinh hoạt, gia đình, văn hóa ở nông thôn không thể ở lại quá lâu. Trước đây, Công ty có 650 lao động hoạt động thường xuyên thì nay chỉ còn 300 lao động đồng ý ở lại làm việc, nên công suất hoạt động của Công ty chưa tới 50% dẫn đến chậm tiến độ giao hàng cho các hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, do tạo được uy tín nên các đối tác chia sẻ khó khăn với tình hình của Công ty, đồng ý gia hạn thời gian giao hàng. Hiện Công ty đang phải “gồng mình” hoạt động...”, ông Cao Thúc Uy chia sẻ.

Công tác bố trí '3 tại chỗ' của các doanh nghiệp ngành điều. Ảnh: CTV.

Công tác bố trí "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp ngành điều. Ảnh: CTV.

Tương tự, theo Công ty TNHH Mỹ Lệ tại Bình Phước, lĩnh vực hoạt động của Công ty là chế biến hạt điều xuất khẩu, ngoài khó khăn trong đáp ứng hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ”, đối tác của Công ty chủ yếu là khách hàng từ châu Âu, Mỹ. Hiện vấn đề lưu thông cũng là vấn đề đáng lo ngại bởi Công ty nằm cách khá xa cảng Cát Lái, để đưa được hàng từ Công ty đến cảng phải qua nhiều địa phương, trong khi đó, một số nơi vẫn còn gây khó khăn. Mặt khác, tình trạng thiếu container rỗng, giá cước vận chuyển cao cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất Công ty.

Đại diện Công ty TNHH Mỹ Lệ chia sẻ, hiện phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả container hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá tháng sau đã tăng gấp đôi so với tháng trước và gấp gần 6 lần so với giá đầu năm 2020. Mặt khác, thời gian được lưu kho miễn phí tại các bãi ở cảng biển cũng rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Mỹ Lệ. Ảnh: CTV.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Mỹ Lệ. Ảnh: CTV.

"Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu, nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục trễ chuyến, hoãn chuyến, có nhiều tàu hoãn 4 - 5 lần (tương đương khoảng 10 - 15 ngày). Ngoài ra, do thiếu container nên xuất hiện tình trạng tranh giành container khiến hàng bị thất lạc. Mặc dù doanh nghiệp vẫn phải "cắn răng," "bấm bụng" nhưng có khi hàng vẫn không xuất đi được, doanh nghiệp không những phải đền bù hợp đồng, việc bảo quản hàng hóa để giữ được chất lượng cũng khiến không ít doanh nghiệp đau đầu”, đại diện Công ty TNHH Mỹ Lệ phân tích.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, khó khăn cũng đang “bủa vây” các doanh nghiệp chế biến hạt điều vừa và nhỏ.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hà Hưng Phú (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết, mỗi ngày Công ty chế biến khoảng 3 tấn hạt điều thô, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, Công ty bị ảnh hưởng nặng nề.

“So với thời điểm trước dịch, giá bán sản phẩm hiện nay giảm; sản lượng hạt điều chế biến của DN cũng giảm 30%. Đơn vị đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, co hẹp sản xuất, chỉ tập trung vào làm những mặt hàng có đầu ra ổn định và chú trọng hơn đến thị trường nội địa”, ông Cao Văn Triều, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty chế biến hạt điều Bảo Ngân cho biết tình hình sản xuất của Công ty gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty chế biến hạt điều Bảo Ngân cho biết tình hình sản xuất của Công ty gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, Công ty chế biến hạt điều Bảo Ngân (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cũng đang đối mặt nhiều khó khăn. Để đảm bảo sản xuất ngay từ đầu năm, Công ty nhập gần 100 tấn điều thô, nhưng mới sản xuất được chưa đầy 50%.

“Nếu không bị tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19 thì đến thời điểm này Công ty đã phải nhập thêm nguyên liệu để sản xuất. Việc hàng tồn đọng khiến Công ty gặp khó khăn về vốn. Mặt khác, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đến nay, thị trường Trung Quốc đã bị “đóng băng”. Có làm ra sản phẩm cũng phải trữ lại và bán ở thị trường nội địa một cách “nhỏ giọt”. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có thể Công ty buộc tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như chấp hành chủ trương của chính quyền địa phương”, anh Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty chia sẻ.

Cần chính sách “cởi trói” cho doanh nghiệp

Theo các doanh nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, để tháo gỡ cho ngành điều nói chung và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều xuất khẩu nói riêng, Chính phủ cần ban hành chính sách để “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Lao động ngành điều chủ yếu là nữ. Ảnh: CTV.

Lao động ngành điều chủ yếu là nữ. Ảnh: CTV.

Ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty Cao Phát cho rằng, doanh nghiệp thống nhất cao với mô hình “3 tại chỗ" (3T - ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, sản xuất tại chỗ) nhưng cần mở rộng thêm các mô hình mới theo hướng đa dạng và phong phú. Qua đó để doanh nghiệp có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình, chứ không nên bắt buộc phải theo một mô hình cứng nhắc, rập khuôn.

 “Người lao động đã cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng chỉ có thể trong thời gian nhất định, chứ không thể kéo dài mãi được vì họ còn gia đình, vợ con và nhiều vấn đề khác của cuộc sống. Vì vậy, Công ty đề nghị chính quyền địa phương, Chính phủ có giải pháp khác cho phép người lao động được về nhà, Công ty sẽ cam kết với địa phương về việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Công ty này cũng kiến nghị cơ quan chức năng cho phép nới lỏng thời gian xét nghiệm và cho phép doanh nghiệp mua vaxin để tiêm cho công nhân. Bởi hiện nay, cứ cách 3 ngày Công ty lại phải làm xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người lao động với chi phí 230.000 đồng/người lao động. Như vậy, trung bình một lần test, Công ty phải tốn chi phí hơn 57 triệu đồng, mỗi tuần hơn 170 triệu đồng, trong khi mỗi mũi vacxin hiện nay chỉ khoảng 1 triệu đồng. Nếu đề xuất này không được chấp thuận, Công ty đành đóng cửa để mọi người được về với gia đình trong một thời gian rồi mới tính sau", ông Uy chia sẻ.

Công tác kiểm soát phương tiện ra vào công ty tại một doanh nghiệp ngành điều. Ảnh: CTV.

Công tác kiểm soát phương tiện ra vào công ty tại một doanh nghiệp ngành điều. Ảnh: CTV.

Công ty TNHH Mỹ Lệ cũng nêu ý kiến, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Dù đã qua 2 đợt giãn cách theo Chỉ thị 16, nhưng hiện tại khả năng dịch có thể còn kéo dài, diễn biến phức tạp.

Công ty Mỹ Lệ đề xuất chính quyền địa phương cần đồng bộ công tác phòng chống dịch trong các cơ sở doanh nghiệp sản xuất chế biến hạt điều, nếu không đảm bảo thì phải xử lý theo quy định của Chính phủ. Vì nếu để dịch lây lan ở những cơ sở doanh nghiệp không bảo đảm công tác phòng chống dịch, thì sẽ làm ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến ngành điều.

Chính phủ cần xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách, vì trong thời gian này, duy trì việc làm cho công nhân là rất khó khăn, chi phí tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, cần khoanh giãn nợ hoặc miễn giảm một phần thuế và bảo hiểm xã hội. Hỗ trợ nhanh về nguồn vacxin cho các nhà máy đang triển khai sản xuất và thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Bên trong một nhà máy sản xuất điều chế biến xuất khẩu đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh. CTV.

Bên trong một nhà máy sản xuất điều chế biến xuất khẩu đang tạm ngưng hoạt động. Ảnh. CTV.

“Về lâu dài, do hầu hết các công ty chế biến điều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu điều kiện nhà xưởng, việc bảo quản nguyên liệu và sản phẩm phát sinh chi phí lớn. Trang thiết bị, công nghệ sản xuất của các công ty đã cũ, lạc hậu, xuống cấp, công nghệ mới thì đắt đỏ khó có khả năng tiếp cận. Vì thế, thời gian tới rất cần có chính sách hỗ trợ và cơ chế đồng bộ từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện hoạt động sản xuất, phát triển cho ngành điều”, đại diện Công ty TNHH Mỹ Lệ chia sẻ.

Do tác động của dịch Covid-19 khiến điều nguyên liệu đang tăng giá bất thường, VINACAS khuyến cáo doanh nghiệp không nên nhập điều nguyên liệu với giá cao. Cụ thể, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp nào thấy cân đối sản xuất không thành công thì không nên nhập, đồng thời căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình để cân đối thu chi và cân nhắc việc nhập khẩu trong thời gian tới.

Còn tiếp...

Trần Trung/https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại280,540
  • Tổng lượt truy cập92,658,204
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây