Học tập đạo đức HCM

Người đón đầu và nâng tầm dịch vụ nghề nông

Thứ năm - 26/11/2020 09:32
Với tính cần cù, chịu khó, thường xuyên học hỏi lại biết vận dụng đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, anh Phạm Văn Đĩnh đã mua máy móc làm đất, gieo mạ, gặt lúa để vừa làm cho mình, vừa làm dịch vụ. Từ công việc này, gia đình có thu nhập 700 triệu đồng/năm.
t36.jpg
Nông dân Phạm Văn Đĩnh trên những thử ruộng chín vàng.

Mạnh dạn đầu tư

Anh Đĩnh sinh ra và lớn lên trên vùng quê chiêm trũng, chủ yếu sản xuất nông nghiệp.

Nhận thấy công việc làm đất, gieo cấy và thu hoạch của người dân còn rất vất vả, anh Phạm Văn Đĩnh (xã Quyết Tiến huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) luôn trăn trở, tìm tòi học hỏi việc áp dụng cơ giới hoá vào đồng ruộng, giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Anh Đĩnh đã đi thực tế, học hỏi và tìm hiểu các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào phục vụ nông nghiệp, thay đổi kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nhớ lại những ngày đầu, anh Đĩnh kể: “Tôi theo cái nghiệp máy móc nông nghiệp này từ lâu, năm 2004 gia đình chỉ đầu tư máy cày lật đất và máy vò lúa. Thời điểm đó, đa số người dân làm ruộng thủ công chứ chưa có máy móc, công việc vất vả nhưng hiệu quả không cao. Hơn nữa, đồng ruộng sau khi dồn điền đổi thửa, các thửa ruộng canh tác cũng rất phù hợp để đưa máy móc vào sản xuất. Nếu chỉ biết dựa vào nông nghiệp mà suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì khó mà làm giàu. Vì thế, tôi quyết định đầu tư vào những chiếc máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 

Nghĩ là làm, năm 2014, anh Đĩnh bàn bạc với gia đình mạnh dạn đầu tư mua 2 máy cấy (máy cấy đi sau hay còn gọi là máy dắt tay); 1 máy gặt đập liên hợp và 2.000 khay mạ với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.

“Ban đầu khi mới đưa máy cấy, máy gặt về địa phương tôi chỉ đi cấy, gặt thuê cho loanh quanh gần nhà. Nhiều người dân họ quen với tập quán lấy sức lao động của mình để làm, không dùng sức lao động của máy móc. Nên việc đưa máy móc của gia đình vào làm dịch vụ cũng rất khó khăn. Sau 2 vụ cấy, người dân thấy năng suất lúa giữa cấy máy cao hơn cấy tay khoảng 50kg thóc/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Thấy hiệu quả kinh tế đem lại, người dân mới dần tin và thuê máy cấy”, anh Đĩnh tâm sự.

Sau hơn một năm, anh Đĩnh đưa máy cấy, máy gặt vào sử dụng trên đồng ruộng, nhận thấy đồng đất địa phương còn nhiều diện tích cấy trên vùng chiêm, trũng mà máy gặt công suất nhỏ không thực hiện được, gia đình anh lại tiếp tục đầu tư thêm các máy có công suất lớn hơn gồm: 2 máy gặt đập liên hợp; 2 máy cấy và 1 máy cày; máy gieo mạ tự động tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Thu nhập hàng trăm triệu/năm

“Là nông dân nên tôi hiểu tâm lý của bà con, làm mùa thì quan trọng nhất là kịp thời vụ. Vì thế, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình trước khi bà con gieo cấy. Thấy tôi làm việc có trách nhiệm nên bà con tin tưởng, công việc ngày một thuận lợi”, anh Đĩnh tâm sự.

t37.jpg

Mỗi năm từ công việc dịch vụ làm nông, anh Đĩnh mang về cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

Chị Vũ Thị Kẽ thôn Phú Cơ, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng là một trong nhiều hộ dân sử dụng dịch vụ máy gặt đập liên hợp của gia đình anh Đĩnh nhiều năm qua cho biết: “Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã giúp công việc làm đồng của gia đình trở nên dễ dàng hơn, vừa tiết kiệm sức lao động, thời gian mà lại an toàn. Nếu như trước đây, đến thời điểm lúa cho thu hoạch, ngoài những lao động chính trong gia đình, thì tôi phải mượn thêm 1-2 lao động khác. Từ khi chuyển sang máy móc, công việc làm đồng của tôi không còn vất vả, thời gian làm đồng, thu hoạch lúa cũng nhanh và thuận tiện hơn”.

Chị Mai Thị Lan, thôn Phương La, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng chia sẻ: “Nếu như trước đây tôi gặt cả buổi sáng mới gặt được 1 sào lúa, thì bây giờ chỉ 7 phút là máy đã gặt xong. Vì thế, tôi chọn đưa máy móc vào sản xuất, sử dụng hoàn toàn dịch vụ nông nghiệp nhà anh Đĩnh từ khâu lật đất, gieo mạ, cấy máy đến gặt lúa, tôi cũng rất yên tâm vì năm nào sản lượng lúa cũng rất cao. Bây giờ làm ruộng nhàn lắm, tôi chỉ việc cầm bao ra đầu ruộng và mang thóc về là xong”.

Cứ như thế, qua từng năm, diện tích ruộng được bà con nông dân tại các địa phương thuê anh Đĩnh cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa thuê ngày một tăng lên.

Trung bình mỗi vụ, anh Đĩnh làm khoảng 200 - 300 mẫu ruộng sử dụng dịch vụ mạ khay, máy cấy. Anh Đĩnh còn tạo việc làm cho từ 7 - 10 lao động với mức thu nhập từ 300 – 400 ngàn đồng/ngày (theo mùa vụ). Từ công việc này, trừ các chi phí, mỗi năm anh Đĩnh mang về khoảng 700 triệu đồng cho gia đình.

Anh Đĩnh cho biết: “Thu nhập thì có thể nói là cao nhưng không có gì là dễ dàng. Nếu mình cứ khư khư đi theo con đường cũ thì công việc chỉ thuận lợi lúc đầu. Xã hội luôn phát triển và có những tiến bộ KHKT mới. Hơn nữa, việc làm mạ, chăm sóc cây mạ cũng rất khó khăn, chỉ cần một chút chủ quan thôi là hỏng cả lứa mạ. Mạ mà hỏng thì không kịp thời vụ. Năm nào cũng vậy, Tết đến gia đình tôi vẫn phải ở nhà chăm sóc cây mạ”.

Vượt qua mọi trở ngại, anh  Phạm Văn Đĩnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. Với thành tích đó, 3 năm liên tiếp, anh được UBND TP. Hải Phòng tặng Bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2020, anh Đĩnh là một trong 3 nông dân tiêu biểu của toàn huyện được UBND TP. Hải Phòng tặng Bằng khen sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm 2015 - 2020.

 Phạm Trang/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập235
  • Hôm nay27,896
  • Tháng hiện tại206,463
  • Tổng lượt truy cập90,269,856
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây